Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp mặt các thầy giáo “mang quân hàm xanh”

(Dân trí) - Sáng 13/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ gặp mặt cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng tiêu biểu và các em học sinh tham sự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2017.

Tham dự buổi gặp mặt có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Phi Long và 60 cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng tiêu biểu, cùng 30 em học sinh được các đồn biên phòng nhận nuôi dạy.

Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tặng bằng khen của Bộ GD&ĐT đến các cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tặng bằng khen của Bộ GD&ĐT cho các cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tặng bằng khen của Bộ GD&ĐT cho các cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo.

Nhân dịp đặc biệt này, 60 cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng đã có dịp trò chuyện, trình bày thực tế công tác thực hiện chương trình “Nâng bước em đến trường” tại địa phương. Qua đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thấy được khát khao con chữ của người dân các địa phương vùng biên giới Tổ quốc cũng như nỗ lực "gieo chữ" của các thầy giáo "quân hàm xanh".

Thiếu tá Phạm Công Khanh, cán bộ Đồn biên phòng huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai chia sẻ: “Khi nhận nhiệm vụ tại địa phương, tôi nhận thấy sự thiếu thốn của các em nhỏ, từ miếng cơm manh áo cho tới con chữ. Do đó, tôi đã đề xuất với cán bộ chỉ huy Đồn, xây dựng kế hoạch giúp đỡ thiết thực cho các em. Trong điều kiện công tác, tôi đã giúp đỡ được cho 6 em học sinh, đứng giảng dạy ở 2 lớp xóa mù chữ. Tôi mong muốn nhận được sự chung tay giúp đỡ, để cho các em có điều kiện đến trường. Đồng thời, tôi cũng mong muốn các cấp lãnh đạo có chính sách quan tâm, triển khai các lớp xóa mù chữ cho đồng bào vùng sâu vùng xa, bởi đây là nguyện vọng của rất nhiều đồng bào”.

Thượng tá Nguyễn Hữu Phúc, Trưởng ban Vận động quần chúng Bộ đội biên phòng Đắk Lắk cho biết: “Trong quá trình công tác nơi biên giới, tôi nhận thấy đồng bào còn gặp rất nhiều khó khăn, trong đó đặc biệt là công tác giáo dục. Hiện tại, chúng tôi đã tổ chức được 1 lớp xóa mù chữ tại địa bàn. Tuy nhiên, qua quá trình tổ chức lớp, tôi còn có những vấn đề như sau: hoàn cảnh của các em hết sức khó khăn, không có phương tiện giao thông để đi học dù nhà xa...”.

Chứng kiến hoàn cảnh ấy, Thượng tá Phúc đã huy động nguồn lực và trích thu nhập cá nhân để mua tặng 95 xe đạp cũ, tự tay sửa xe cho các cháu có phương tiện đi học.

Thầy giáo mang quân hàm xanh chia sẻ tình hình thực tế tại địa phương
Thầy giáo "mang quân hàm xanh" chia sẻ tình hình thực tế tại địa phương

Thiếu tá Nguyễn Vũ Hợp, chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Thường Phước, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: “Đồng Tháp là tỉnh có 8 xã biên giới đặc biệt khó khăn. Từ năm 2011, chúng tôi đã thực hiện chương trình dạy học, đỡ đầu cho các em học sinh đặc biệt khó khăn. Đơn vị đang nhận đỡ đầu cho 6 em mồ côi cha mẹ, sống với người thân. Chúng tôi đỡ đầu cho các em cho đến hết chương trình phổ thông. Tôi nhận thấy rằng, những em học sinh này. Chúng tôi mong Bộ GD&ĐT có chính sách phát triển chương trình giáo dục, cơ sở vật chất để cho các em có điều kiện học tập, không thiệt thòi so với các bạn đồng trang lứa”.

Đại diện các em học sinh đang được các thầy giáo biên phòng dạy học, đỡ đầu, em Thò Thị Dính bày tỏ niềm cảm kích và vui mừng khi được đến Hà Nội. Em bày tỏ mong muốn có được một chiếc xe đạp để tới trường. Ước mơ nhỏ bé của em Dính đã khiến tất cả mọi người cảm động.

Sau khi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các thầy giáo “quân hàm xanh” và học sinh, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ bày tỏ sự xúc động và cảm ơn đóng góp của các cán bộ, chiến sĩ bộ đội cho sự nghiệp giáo dục.

Em học sinh vùng biên giới được các cán bộ, chiến sĩ biên phòng đỡ đầu.
Em học sinh vùng biên giới được các cán bộ, chiến sĩ biên phòng đỡ đầu.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói: “Nhiệm vụ của các đồng chí không chỉ là “Nâng bước các em tới trường” mà đây là một cơ hội rất tốt để các thầy có điều kiện đi sâu hơn vào đời sống đồng bào và là cơ hội để các cháu được học tập. Các thầy không chỉ làm công việc “cõng con chữ” mà còn góp phần thiết thực đào tạo ra một thế hệ giàu tình yêu đất nước và đoàn kết để bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Chúng tôi sẽ hỗ trợ các thầy về chương trình và sách giáo khoa để các thầy thực hiện công việc dạy học để công việc hỗ trợ giáo dục của các thầy có được hiệu quả cao hơn”.

Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Phi Long chia sẻ về chương trình tuyên dương các cán bộ, chiến sĩ tại Hà Nội: “Đây là năm thứ ba chúng tôi tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”. Bên cạnh nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao cho là bảo vệ Tổ quốc, các đồng chí bộ đội biên phòng đã đóng góp sức mình cho công cuộc giáo dục đào tạo ở những địa bàn khó khăn. Nhờ sự giúp đỡ, vào cuộc của lực lượng bộ đội biên phòng, công tác giáo dục đào tạo ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đã có những đổi mới.

Chương trình này là mong muốn của Trung ương Đoàn để tuyên dương người tốt việc tốt, lan tỏa những tấm gương điển hình tiêu biểu trong ngành giáo dục đào tạo”.

Chiều nay, vào lúc 14h30, Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ gặp mặt các chiến sĩ bộ đội biên phòng tiêu biểu được vinh danh trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2017.

Mai Châm