Bộ trưởng còn “mềm tay”?

(Dân trí) - Những đổi mới mà Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân vừa quyết định áp dụng trong kỳ thi tuyển sinh năm nay đang gặp những vướng mắc ngay từ công việc nhỏ nhặt nhất như việc thu hồ sơ dự thi. Tiếp đến là chuyện bỏ tuyển thẳng, chuyện giao chỉ tiêu tuyển sinh…

Đụng đâu cũng… mới 

Khảo sát tại một trường THPT trên đại bàn quận Thanh Xuân (TP Hà Nội), kết quả cho thấy học sinh khối lớp 11 và 12 rất thần tượng “bác Bộ trưởng”. Một trong những lý do để tạo nên thần tượng này là “tần suất” xuất hiện của “Bác Bộ trưởng” mà các em được theo dõi thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng đã cho các em cảm giác tự tin và yêu thích hơn với việc học. Và các em đã nhận thức được rằng việc học của các em đã ngày càng thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội.  

Một số em học sinh lớp 12 thì nhận xét: Nhưng bác Bộ trưởng cũng đổi mới nhiều quá, đụng vào chỗ nào cũng mới và làm chúng em thấy choáng ngợp. Ngay trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, mặc dù vẫn chỉ là 3 chung như những năm trước nhưng tất cả dường như đang nháo nhào lên với tuyển thẳng hay không tuyển thẳng, trắc nghiệm 4 môn thi, đóng tiền hồ sơ 40.000 hay 60.000 và “Những điều cần biết” thì trễ quá… 

Quả thật, chỉ với việc bỏ tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia đã gây ra tranh luận liên miên mấy tháng trời ròng rã và khi thực hiện đầy lúng túng. Mặc dù đã ra được quyết định bỏ tuyển thẳng rồi nhưng vào thời điểm nước rút nhất lại vẫn phải tiếp tục thêm hai lần văn bản nữa để quy định, hướng dẫn. Văn bản trước cách văn bản sau chỉ có mấy ngày.  

Việc thu tiền hồ sơ rất ghi nhận sáng kiến của Vụ ĐH&SĐH khi đề ra cách thu gộp để chống ảo nhưng tiền hậu  bất nhất khiến cho công việc tưởng như hết sức đơn giản này bị xoay như đèn cù và thí sinh bị một phen hoảng hốt vì đã quá thời điểm bắt đầu được nộp hồ sơ nhưng vẫn bị từ chối hồ sơ… 

Một điểm rất nổi bật mà Bộ trưởng Nhân mang đến cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay còn là sự thay đổi trong cách giao chỉ tiêu tuyển sinh. Việc giao chỉ tiêu tuyển sinh là một trong những công việc mà ông Nhân gửi gắm vào đó rất nhiều tâm huyết. Với “thước đo” mới trong việc giao chỉ tiêu, ông hy vọng chất lượng học của sinh viên và vai trò của Bộ GD- ĐT sẽ ngày càng được nâng lên.  

Tuy nhiên, trong năm nay, với chỉ một tiêu chí sinh viên quy đổi/ giảng viên quy đổi áp dụng với việc giao chỉ tiêu, việc xác định chỉ tiêu cũng lại diễn ra lập cập, chậm trễ và hầu như Bộ mới chỉ quản được 80 trường trực thuộc. Những trường ngoài Bộ không hề thấy bóng dáng của tiêu chí này đâu trong chỉ tiêu tuyển sinh. 

Thương tình hay nể nang, e ngại? 

Có thể nhận thấy rất rõ, mặc dù Bộ trưởng tỏ ra rất kiên quyết với việc giao chỉ tiêu tuyển sinh khi ông luôn nhấn mạnh rằng các trường cần phải trung thực trong việc thực hiện tiêu chí, trường nào không đạt được yêu cầu quy định theo tiêu chí thì không được tăng chỉ tiêu, trường nào năm nay không trung thực, nếu bị phát hiện năm sau sẽ giảm chỉ tiêu tuyển sinh… 

Nhưng khi thực hiện, việc giao chỉ tiêu vẫn được thực hiện hết sức mềm dẻo. Có trường vượt xa tiêu chí quy định vẫn được tăng chỉ tiêu như trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM có 22 sinh viên/ giảng viên và chỉ tiêu được phép tăng 7% trong khi quy định yêu cầu đối với nhóm trường này chỉ là từ 10 đến 15 sinh viên/ giảng viên. Đặc biệt như đối với ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu, mặc dù trong bảng danh sách không thấy có thống kê tỷ lệ sinh viên quy đổi/giảng viên quy đối nhưng trường này vẫn được tăng tới 50% chỉ tiêu.

Bộ trưởng Nhân luôn ý thức được “sức mạnh” của chỉ tiêu đào tạo đối với các trường ĐH, CĐ. Vì thế, các chính sách quản lý các trường của ông luôn hướng tới việc quản lý về chỉ tiêu. Các trường không thực hiện tốt “Hai không”, giảm chỉ tiêu tuyển sinh. Các trường không thực hiện tốt việc giảng dạy các môn khoa học Mác Lê-nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng giảm chỉ tiêu tuyển sinh!

Trong cuộc họp bàn về quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ diễn ra vào hồi tháng 11 năm 2006, ông đã bày tỏ quan điểm rất rõ ràng rằng, việc trừ hai Bộ là Công an và Quốc phòng thì việc có nhiều bộ, ngành khác cùng quản lý các truờng ĐH, CĐ là không nên, việc quản lý chỉ nên tập trung vào Bộ GD- ĐT. Đề ra tiêu chí của việc giao chỉ tiêu cũng chính là để thể hiện cái “hồn” tinh thần này của Bộ trưởng. Song, khi thực hiện, dường như ông lại “mềm tay” để giơ cao đánh khẽ mà thôi. 

Dư luận không thể phủ nhận cái tâm trong sáng của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân trước mọi quyết sách mà ông đề ra vì sự phát triển chung cho ngành giáo dục. Nhưng có lẽ Bộ trưởng cần có một sự quyết đoán và dũng cảm hơn nữa để “đạp bằng” sóng gió cho những bước đi tiếp theo. 

Mai Minh