Bộ trưởng đã “bấm nút”, nhưng quan trọng là bộ máy sẵn sàng chưa?

(Dân trí) - “Việc một ông bộ trưởng hay thậm chí với cả 5-7 đặc phái viên đi dập lửa thì cũng không thể cứu được một cơ thể đang cháy toàn thân. Có nỗ lực đến mấy thì đó cũng chỉ là nỗ lực có tính chất nêu gương có ý nghĩa như cú hích cho cộng đồng chứ chúng ta đừng kỳ vọng vào một vài hành động của nhà quản lý mà ngay tức dập được lửa”.

Đó là bình luận của TS Xã hội học Trịnh Hoà Bình về những tiêu cực dồn dập của ngành giáo dục trong thời gian qua cũng như “ứng xử” của những người đứng đầu Bộ GD-ĐT trước những tiêu cực của ngành.  

Việc giải quyết tiêu cực trong ngành giáo dục thời gian qua được nhiều người nhìn nhận là vẫn chậm trễ và có bưng bít. Hơn nữa, ngành giáo dục ở các địa phương không những không tạo ra "bức tường lửa" bảo vệ người chống tiêu cực mà còn ứng xử không công bằng với họ. Ông có ý kiến gì về những vấn đề trên?

Chúng ta phải cắt nghĩa nó từ sức ì của một cơ thể. Cơ thể đó là cả xã hội của chúng ta chứ không chỉ riêng ngành giáo dục. Chẳng kể gì tới cấp trên, ngay cấp dưới cũng luôn tìm cách triệt tiêu, giảm bớt những đòn “đánh” mình. Chừng nào còn thuyết phục được các cá nhân tìm cách thỏa hiệp ở từng cấp thì người ta còn bưng bít bệnh để không đưa lên cấp trên. Đây là kết quả của một giai đoạn rất dài chúng ta đóng kín và chỉ thích ca bài về sự tăng trưởng. Tất cả các chỉ tiêu, thành tích đều được chúng ta thổi phồng quá mức, nhấn mạnh quá mức.

Còn với người chống tiêu cực, phản ứng tức thì của nhiều người thường là đưa ra hàng loạt câu hỏi: có động cơ cá nhân không, có gài gì vào không, có phải do bất mãn không, do tư thù không?… Và chỉ sau khi người ta nhận thấy cá nhân chống tiêu cực đó đạt đủ điều kiện chứng minh là mình trong sáng, vô tư thì mới nhận được sự chấp nhận của cộng đồng. Có thể nói, nền văn hóa, tư tưởng của chúng ta chưa tạo điều kiện cho cơ chế "phản biện xã hội".

Đã có quá nhiều tiêu cực của ngành giáo dục bị phanh phui ra trong thời gian qua, nhưng nhiều người cho rằng, ngành giáo dục vẫn còn rất nhiều khối u, nhiều căn bệnh chưa “bật” ra vào lúc này?

Tôi cũng nghĩ ngành giáo dục còn nhiều bất cập mà nếu chà xát mạnh hơn sẽ còn bật ra nữa. Có thể dùng hình ảnh "hiệu ứng đôminô", "húc" vào cái này thì sẽ còn bật ra cái kia nữa, đổ vỡ có tính chất hệ thống để nói về căn bệnh của giáo dục lúc này. Điều đó là dễ hiểu bởi rất nhiều năm rồi chúng ta chưa rà soát đến tận chân tơ kẽ tóc của vấn đề. Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng nếu chúng ta để cho cái "phản biện xã hội" hiểu theo nghĩa méo mó, cái chăn nào người ta đang đắp cũng hất tung thì rất có thể gặp phải toàn những cơ thể gầy guộc, bất bình thường. Chúng ta không nên quá nóng vội để mọi sự bung bét hết cả, không còn biết bắt đầu từ đâu.

Có vẻ như ông đã biện hộ cho quan điểm của các nhà quản lí cao nhất trong ngành giáo dục?

Không ai, nhất là những người lãnh đạo lại muốn bệnh tật đồng loạt bùng phát cả ra để tình hình rối tinh rối mù lên. Những gì có thể tạm gác qua được thì người ta vẫn gác để tập trung vào những gì đang bùng phát dữ dội trước mắt. Ngay bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân có vừa "thiện" (tốt, giỏi) vừa "nhân" (có tấm lòng tốt) đến đâu cũng không thể một mình xóa được tiêu cực.

Việc thay đổi nhà quản lí sẽ tạo ra một hiệu ứng "bấm nút", nhưng vấn đề cơ bản là toàn bộ đội ngũ, bộ máy đã sẵn sàng chưa, mới quyết định thắng lợi. Chỉ một mình cá nhân nhà quản lý có muốn thay đổi thì nói cũng chỉ để mà nói thôi. Nếu tất cả không đồng lòng, không cùng sẵn sàng hành động thì hãy dè chừng và tính tới một mầm bệnh thành tích mới phát sinh ngay trong quá trình loại bỏ căn bệnh cũ.

Trở lại với giai đoạn vừa qua, cứ mỗi lần tiêu cực phát lộ là Bộ trưởng lại có mặt để nắm bắt và có những chỉ đạo. Thế nhưng, nhiều người lại cho rằng, những việc làm của Bộ trưởng thể hiện nỗ lực và quyết tâm của ông vẫn chỉ có tính bịt lỗ rò chứ chưa giải quyết được bản chất vấn đề của ngành?

Ý kiến này chỉ đúng một nửa. Việc một ông bộ trưởng hay thậm chí với cả 5-7 đặc phái viên đi dập lửa thì cũng không thể cứu được một cơ thể đang cháy toàn thân. Thứ hai, có nỗ lực đến mấy thì đó cũng chỉ là nỗ lực có tính chất cá nhân của nhà quản lý, có tính chất nêu gương. Việc nêu gương này có thể có ý nghĩa như cú hích cho cộng đồng chứ chúng ta đừng kỳ vọng vào một vài hành động của nhà quản lý mà ngay tức dập được lửa. Quan trọng nhất là phải tạo được một hệ thống các hành động xã hội của rất nhiều ngành, giới chức và liên quan rất nhiều đến các cơ chế tài chính, cơ chế vận hành và các quan hệ xã hội khác.

Ở đây cần nhìn nhận việc cải tổ hệ thống giáo dục như hoạt động khoa học chứ không chỉ là lời kêu gọi thuận tai, xuôi chèo mát mái. Nhưng cũng đừng có vì thế mà suy ra những cố gắng của Bộ trưởng là vô nghĩa thì rất ác ý. Đó là hành động thực sự, không phải là lý thuyết và kinh viện. Còn tác động của hành vi ấy được đến đâu thì còn phải chờ vào sự hợp tác, hưởng ứng của tất cả các giới, các ngành.

Ở vế thứ hai, nếu nhìn nhận mọi việc chỉ là cách bịt lỗ rò thì có phần quá cay nghiệt bởi nếu ý nghĩa của hành động đó như thế thì nó lại là trở lực cho công tác chống tiêu cực.

Từ những khối u đã bị vỡ của ngành giáo dục, theo ông những tiêu cực của ngành có nguyên nhân từ những tiêu cực xã hội hay do nội tại của ngành giáo dục đang có nhiều bất ổn?

Nói đến vấn đề nguyên nhân bệnh trạng của ngành giáo dục thì phải nhìn nhận dưới góc độ một “nhị nguyên”. Bản thân ngành giáo dục có rất nhiều ung nhọt, rất nhiều khối u cần cắt bỏ. Và xã hội cũng có vấn đề của xã hội cũng đầy rẫy những khuyết tật trong cả hệ thống nên dẫn đến giáo dục như vậy…

Hiện nay chúng ta hay đổ cho cơ chế thị trường làm phát sinh ra những cái đó nhưng nên nhớ là trước kia, thời kinh tế tập trung cũng có việc chỉ cần một cái lừ mắt, nhíu mày, một lời nói, một cú điện thoại của lãnh đạo cũng có thể làm công việc chạy rất ngon trớn. Bây giờ, những biểu hiện như vậy vẫn còn nhưng được "quy ra thóc". Về bản chất vẫn là một, nhưng cứ đổ lỗi cho kinh tế thị trường, "đánh" vào cơ chế thì không ai chịu trách nhiệm cả. Cái chính theo tôi vẫn là con người.

Xin cảm ơn ông!

Cấn Cường - Phương Thảo
(Thực hiện)