Bộ trưởng GD-ĐT trả lời hàng trăm câu hỏi “nóng”

(Dân trí) - Sáng nay 7/3, trong gần 3 tiếng giao lưu trực tuyến tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã thẳng thắn trả lời hàng trăm câu hỏi của người dân về những vấn đề “nóng” của giáo dục.

Bộ trưởng GD-ĐT trả lời hàng trăm câu hỏi “nóng”
Sáng 7/3/2012, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trả lời trực tuyến nhân dân về những vấn đề “nóng” của giáo dục. (Ảnh: Chinhphu.vn)
 
Những vấn đề “nóng” mà người dân đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xoay quanh các vấn đề như chế độ ưu đãi với giáo viên mầm non, đời sống giáo viên vùng khó khăn, tuyển sinh 2012, chất lượng giáo dục đại học thấp, mất cân đối ngành nghề, lạm thu…

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, trong năm 2012, Bộ đồng thời triển khai 2 khối công việc, một là tiếp tục đổi mới quản lý đào tạo giáo dục và hai là chuẩn bị kế hoạch chiến lược cho giai đoạn sau 2012 - 2015. Về đổi mới quản lý giáo dục đào tạo, với khối phổ thổng và mầm non, tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, tiếp tục tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng, đạt chuẩn và trên chuẩn với giáo viên, tiếp tục giảm tải chương trình phổ thông. Tập trung triển khai phổ cập mầm non 5 tuổi, chú ý vùng sâu, xa, các đối tượng cần quan tâm. Với giáo dục đại học, tiếp tục phân cấp quản lý nhà nước, tăng cường thanh kiểm tra và xử lý các cơ sở vi phạm.

Không có thưởng Tết, làm sao giáo viên tâm huyết với nghề?

Nhiều giáo viên đã hỏi câu hỏi, mặc dù đã có chế độ ưu đãi nhưng đến nay đời sống của giáo viên vùng cao còn rất khổ cực, cơ sở vật chất thiếu thốn, đồng lương không đủ sống, có nơi giáo viên không biết đến tiền thưởng Tết là gì. Vậy làm sao giáo viên tâm huyết được với nghề, thưa Bộ trưởng?

Với vùng cao đã có phụ cấp thu hút, cao nhất lên tới 70%. Tuy nhiên, những khó khăn của các thầy cô, của học sinh tại các vùng khó khăn vẫn còn rất nhiều. Tôi xin chia sẻ những khó khăn này.

Chính phủ đang xây dựng chính sách tiền lương mới, các bộ, ngành đang xem xét, đề xuất chính sách đặc thù đối với thầy cô, học sinh, sinh viên, các đối tượng ưu tiên. Tuy nhiên, chính phủ đang xây dựng chính sách tiền lương mới, các bộ, ngành đang xem xét, đề xuất chính sách đặc thù đối với thầy cô, học sinh, sinh viên, các đối tượng ưu tiên. Tuy nhiên, chính sách này vẫn phải đặt trong mặt bằng chung với các đối tượng khác như lực lượng vũ trang.

Về cơ sở vật chất đặc biệt là trường lớp, nhà công vụ giáo viên các vùng khó khăn, năm 2012, dù kinh tế khó khăn, Chính phủ vẫn dành một phần kinh phí đáng kể, khoảng 1.600 tỷ đồng cho chương trình kiên cố hóa lớp học và đây là sự quan tâm lớn dù so với nhu cầu là chưa đủ.

Với nhà công vụ, theo tôi biết, nhiều nơi các thầy cô giáo đến công tác phải ở nhờ nhà dân, ở cạnh lớp học… Để giải quyết vấn đề nhà ở công vụ phải làm từng bước vì nhu cầu lớn, kinh phí thì dù rất quan tâm nhưng cũng chưa thể đáp ứng hết được. Chúng tôi sẽ cùng các địa phương triển khai nghiêm túc, tích cực chương trình kiên cố hóa nhà công vụ và trường lớp của Chính phủ.

Về khó khăn của giáo viên mầm non, Bộ đã ban hành định mức làm việc của giáo viên mầm non, để các cô không phải làm việc căng thẳng như vậy. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, của các cơ quan chức năng của Quốc hội, của Chính phủ, chúng tôi đang nghiên cứu để có biên chế bảo mẫu.

Vẫn phát hành cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh 2012”

Việc Bộ năm nay không phát hành cuốn "Những điều cần biết trong kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012 đã khiến cho thí sinh “rối như canh hẹ”, gây hoang mang và thiệt thòi cho thí sinh. Bộ trưởng nói gì về vấn đề này?

Thông tin mà Bộ không phát hành những điều cần biết là vừa đúng, vừa không đúng. Bộ không phát hành chỉ tiêu tuyển sinh của các trường mà các trường tự đăng ký trên cơ sở các điều kiện, yêu cầu của Bộ. Bộ giao cho NXB Giáo dục xuất bản cuốn sách này và vẫn do các vụ, cục cân chỉnh các thông tin. Hiện cuốn sách chưa được phát hành do một số lý do, như còn có sai sót cần điều chỉnh, một số trường đăng ký lượng tuyển sinh quá cao, chúng tôi đã nhắc nhở.

Tôi chắc chắn là những thông tin do các đơn vị khác đưa ra là không đáng tín cậy, ít nhất là đến sáng hôm qua, vẫn có 40 trường chưa có thông tin về Bộ. Thông tin chính xác nhất sẽ có trong hôm nay để giao cho NXB Giáo dục.
 
Bộ trưởng GD-ĐT trả lời hàng trăm câu hỏi “nóng”
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Có cải thiện tình trạng mất cân đối ngành nghề?

Độc giả hỏi, hiện nay số trường đại học được thành lập nhiều trong khi Bộ chưa đủ nhân lực để kiểm định chất lượng. Việc “thả nổi”cho các trường tựchủtoàn diện về tài chính cũng nhưcông tác nhân sự, chuyên môn có phải là một biện pháp thỏa đáng không? Ông có biện pháp nào để tái cơ cấu mạng lưới các trường đại học trên toàn quốc?

Trước hết nói về việc lập trường và tự chủ. Khác với phổ thông, các trường giảng dạy theo kế hoạch và chương trình thống nhất, các trường ĐH, CĐ đào tạo các ngành nghề khác nhau, nên có tự chủ cao hơn.

Đảm bảo quyền tự chủ tương xứng với năng lực là điều Bộ đang quan tâm. Hiện, với các trường số lượng thầy cô còn ít, năng lực hạn chế, các trường không được tự thẩm định chương trình giảng dạy, mà phải mang tới các trường có đội ngũ cán bộ tốt, bề dày kinh nghiệm tốt do chúng tôi chỉ định, các trường này sẽ hướng dẫn… Toàn bộ việc mở ngành tại các trường này Bộ vẫn quyết định. Các trường lớn tự xem xét, chúng tôi sẽ thẩm định.

Còn về kiểm định, đây là công việc quan trọng để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, để các trường hoạt động tốt. Chúng tôi đã có các văn bản yêu cầu các trường tự đánh giá, tự chịu tách nhiệm. Cục khảo thí và kiểm định chất lượng cũng đã ban hành các văn bản nhưng chưa đủ, sắp tới sẽ tiếp tục hoàn thiện. Chúng tôi cũng cử cán bộ đi học nước ngoài về lĩnh vực này. Dự án Luật Giáo dục đại học có nội dung đưa kiểm định chất lượng giáo dục trở thành yêu cầu bắt buộc với các trường đại học.

Hiện nay các ngành Nông-lâm-ngư nghiệp và Sư phạm đang kém hấp dẫn hơn rất nhiều so với các ngành tài chính và ngân hàng. Do vậy, Bộ GDDT có giải pháp gì để cải thiện tình trạng này? Cho đến nay, Bộ GD-DT có con số cụ thể nào về tình trạng mất cân đối này không?

Về mất cân đối trong ngành nghề đào tạo, đây là một thực tế khi chúng ta chuyển sang cơ chế thị trường định hướng XHCN, giữa đào tạo và phân công sau khi đào tạo không gắn với nhau, gây khó khăn cho xây dựng kế hoạch đào tạo cũng như kế hoạch sử dụng nguồn nhân lực sau đào tạo của các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Đối với chính sách, bao gồm 2 loại. Cụ thể đối với ngành nông lâm ngư nghiệp và sư phạm, với giáo viên, chúng tôi có phụ cấp thâm niên đối với các giáo viên giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đào tạo, có phụ cấp đứng lớp, đối với tiểu học 25%, trung học 30%, đại học cao đẳng 25%, giáo viên Mác-Lê nin là 45%... Đối với giáo viên hoạt động ở vùng sâu, xa, dân tộc đặc biệt khó khăn, có phụ cấp thu hút cao nhất lên tới 70%. Các giáo viên giảng dạy trường chuyên biệt cũng có phụ cấp để thu hút người lao động có trình độ chuyên môn vào làm việc trong ngành giáo dục

Đối với học sinh sư phạm, được miễn học phí. Đối với các ngành Nông lâm ngư nghiệp, chúng tôi có chính sách khuyến khích học sinh giỏi quốc gia, quốc tế được miễn thi đại học vào học những ngành gần với môn học mà các cháu đạt giải.

Trong những ngành đó, có nhiều ngành liên quan trực tiếp hoặc gần với nông lâm ngư nghiệp, sư phạm cũng như các ngành khoa học cơ bản cũng như những ngành mà đất nước chúng ta cần.

Học phí khối các trường và các ngành đào tạo về nông lâm ngư nghiệp hiện nay được chỉ đạo xây dựng với mức thấp nhất trong tất cả các ngành học. Trong chính sách tới đây, như tôi nói là đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo sẽ tiếp tục ban hành theo thẩm quyền của Bộ các chính sách ưu tiên, và chúng tôi sẽ chủ động đề xuất với các bộ, ngành và Chính phủ về các chính sách cả về tài chính, tổ chức tuyển dụng và các điều kiện làm việc để thu hút, cân đối lại nguồn này.
 
Bộ đã tổ chức thanh tra, kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng theo Nghị quyết 50 của Quốc hội đối với 30 trường đại học, cao đẳng, quan điểm của Bộ trong việc xử lý các sai phạm như thế nào?

Sự vững mạnh hoặc yếu kém, thành tích hay khuyết điểm của các cơ sở nhà trường cũng là vững mạnh hoặc yếu kém, thành tích hay khuyết điểm của Bộ. Việc xử lý theo tinh thần là trị bệnh cứu người, tức là hỗ trợ, giúp đỡ, nhắc nhở, cảnh báo để các trường khắc phục, bổ sung điều kiện. Còn với các vi phạm nghiêm trọng, sai sót lớn ảnh hưởng sâu sắc mạnh mẽ tới chất lượng giáo dục thì phải có những biện pháp mạnh. Trong những trường hợp cụ thể như Đại học Hùng Vương TPHCM, phải giải quyết theo quy chế và theo pháp luật

Cháu năm nay 26 tuổi, đã tốt nghiệp đại học được gần 3 năm và hiện đang đi làm cho một cơ quan nhà nước. Sau khi tốt nghiệp đại học, thực sự cháu rơi vào một cuộc khủng hoảng vì không biết mình sẽ làm gì và làm ở đâu vì thực sự những gì cháu học khác xa rất nhiều so với thực tế. Hiện nay cháu đang học sắp xong cao học nhưng chương trình cao học quá chồng chéo, không thực chất và gây nhiều phiền toái cho những người đã đi làm. Cháu muốn hỏi bộ trưởng là trong thời gian tới Bộ đã và sẽ có những biện pháp cụ thể gì để cải thiện tình trạng trên? Công tác hướng nghiệp ở Việt Nam có phải chăng là quá kém ?

Đúng vấn đề chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của chúng ta còn nhiều điều phải bàn. Đại hội Đảng lần 11 đã khẳng định phải tiến hành đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo. Về khối đại học, như tôi đã nói, các ngành nghề, các lĩnh vực đào tạo đáp ứng các nhu cầu xã hội hết sức khác nhau. Các trường đại học có vị trí tương đối độc lập trong quyết định các ngành nghề và chương trình đào tạo.

Để khắc phục việc chồng chéo, chất lượng thấp, nội dung của chương trình đào tạo không phù hợp với nơi công tác sau tốt nghiệp, trong những năm vừa qua cũng như 2012 và các năm tiếp theo, chúng tôi chỉ đạo các trường phải xem xét và điều chỉnh lại các chương trình đào tạo cho phù hợp với nhu cầu.

Chúng tôi đưa ra quy định cao hơn về chuẩn, điều kiện mà các trường được phép tổ chức đào tạo sau đại học và tiến hành thanh kiểm tra, đối với các cơ sở giáo dục đại học không còn đủ điều kiện đáp ứng để đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ chúng tôi sẽ rút chỉ tiêu. Bộ yêu cầu và cũng tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học có chuyển đổi chương trình đào tạo từ hướng đào tạo những cái mình có năng lực sang hướng đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp.

Một hướng nữa, chúng tôi khuyến khích tạo điều kiện và yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học có mở rộng quan hệ với các trường đại học khác trong và ngoài nước, quan hệ với các cơ sở nghiên cứu cùng lĩnh vực, quan hệ với các doanh nghiệp, hệ thống các tổ chức sử dụng người lao động để tiến hành điều chỉnh lại nội dung chương trình phương pháp dạy và học. Biện pháp nữa về phía Bộ là tăng cường quản lý nhà nước, khuyến khích tạo điều kiện đối với các cơ sở đủ điều kiện và làm tốt và xử lý các cơ sở không đủ điều kiện hoặc triển khai các hoạt động đào tạo vi phạm quy chế nhằm tăng cường chất lượng đào tạo đại học cũng như sau đại học.

Đã có biện pháp để ngăn ngừa lạm thu?

Tình trạng lạm thutrong các trường học ở một số địa phương là vấn đề gây nhiều bức xúc trong phụ huynh và học sinh. Ngành GD-ĐT đã có một số biện pháp để ngăn ngừa nhưng tình trạng lạm thu được biến tướng, ngụy trang dưới nhiều hình thức nên rất khó xử lý, giải pháp nào cho vấn đề này, thưa Bộ trưởng?

Vấn đề lạm thu trong các trường học chủ yếu là ở các thành phố lớn, các thị xã hay các vùng kinh tế phát triển đang gây nên bức xúc cho người dân. Chúng tôi cũng đã có điều tra nghiên cứu về vấn đề này.

Ví dụ ở Quảng Ninh, có các giải pháp hay như họp khu phố, họp phụ huynh, ra nghị quyết triển khai việc này. Tôi cũng bố trí thời gian đến Quảng Ninh xem kỹ việc này. Các đồng chí lãnh đạo Quảng Ninh nói với tôi rằng đã làm rất tốt.

Hà Nội cũng có những giải pháp như cấp tiền cho các trường với mức độ cao hơn, trước đây đối với trường tiểu học là 80% để thanh toán tiền lương, 20 % còn lại lo các sinh hoạt khác của nhà trường, bây giờ ngân sách thành phố cấp lên là 25%. Đối với trung học phổ thông là đến 30%, để giảm việc thu của các cơ sở.

Nhiều tỉnh, thành phố cũng đã vào cuộc, có giải pháp cụ thể. Về phía Bộ, chúng tôi đã xem xét, soạn thảo, đưa lên mạng interrnet để lấy ý kiến nhân dân và cũng đã ký ban hành điều chỉnh điều lệ của hội cha mẹ học sinh. Trong đó quy định, nghiêm cấm việc hội cha mẹ học sinh đứng ra thu tiền lo việc trang thiết bị cơ sở vật chất cho nhà trường, lo việc thưởng, bồi dưỡng các thầy cô giáo.

Các phụ huynh học sinh nào có tấm lòng, điều kiện hỗ trợ giúp đỡ nhà trường, các bậc phụ huynh ấy tự mình tới gặp ban giám hiệu, phòng tài vụ ủng hộ, nghiêm cấm việc hội cha mẹ học sinh đứng ra thu tiền dưới hình thức vận động nhưng lại là tự nguyện một cách bắt buộc.

Trước góp ý của nhân dân trên phương tiện truyền thông, chúng tôi đã ký ban hành các quy định về vấn đề này. Tuy nhiên, chỉ có giải pháp về mặt hành chính chưa thể giải quyết được, mà cần những giải pháp đồng bộ, trước hết là tuyên truyền vận động của các nhà trường, trong tổ dân phố, trong các tổ chức chính trị xã hội khác để tạo đồng thuận chung trong cả hệ thống để chúng ta đấu tranh với hiện tượng này.

Học sinh lớp 1, ngày học bán trú, tối đến về nhà vẫn có bài tập, ngày thứ bảy, chủ nhật vẫn đi học thêm, theo bộ trưởng có cần thiết vậy không?

Thứ nhất, về việc dạy chữ trước, chúng tôi khẳng định, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản cấm việc dạy chữ trước ở bậc mầm non. Còn ở tiểu học, chúng tôi cũng đã có chỉ đạo về việc này.

Thứ 2, các cháu đã học 2 buổi ở trường, về nhà lại phải làm bài tập đến đêm thì tôi thấy không cần thiết. Cháu tôi năm nay học trung học cơ sở. Tôi bảo với cháu, học 2 buổi ở trường rồi, không phải học nữa. Cháu nhà tôi học lớp 8, học rất tốt. Điểm số cũng có hôm 9, 10 điểm, cũng có hôm 5, 6 điểm, có hôm 3, 4 điểm cũng không nên coi việc đó là điều gì quá ghê gớm.

 

Kết thúc buổi giao lưu trực tuyến sáng nay, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết: “Còn nhiều điều chúng tôi muốn nói sâu hơn, như đối với các cháu học sinh, sinh viên chuẩn bị thi tốt nghiệp, tuyển sinh đại học. Đối với những lực lượng xã hội giám sát, theo dõi hoạt động của ngành Giáo dục và Đào tạo, tôi rất muốn nói thêm nữa.

Về một số câu hỏi, tôi biết, nói như thế này chưa thể đáp ứng hết được yêu cầu cụ thể của độc giả. Đối với các vấn đề mà chưa thể đáp ứng được toàn bộ yêu cầu độc giả, chúng tôi rất muốn thông qua kênh đối thoại như thế này, tiếp tục nhận được thông tin, và chúng tôi sẽ trao đổi cụ thể hơn. Chúng tôi cũng mong muốn nhận được những kiến nghị, đề xuất, gợi ý của nhân dân để giúp công việc của ngành tốt hơn.

 

Hồng Hạnh (ghi)