Bộ trưởng Giáo dục: “Tôi muốn nghe tâm sự thật lòng của các thầy cô về khó khăn”

(Dân trí) - “Chúng ta dùng các mĩ từ để ghi nhận công lao của các thầy cô chưa đủ. Hãy giảm các mĩ từ đi, để nghe những tâm sự rất thật lòng của các thầy cô ở huyện đảo, về khó khăn đang gặp phải. Tôi muốn chính các thầy cô chia sẻ ở đây, người thật, việc thật, để chúng tôi không phải nghe qua trung gian nữa”.

Trên đây là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại buổi gặp mặt tuyên dương giáo viên tiêu biểu xuất sắc đang công tác tại các huyện đảo, xã đảo năm 2016 vào sáng 13/11.

Phải chấm bài dưới cột đèn đường

Trong 42 giáo viên được tuyên dương năm nay, có 25 cô giáo và 17 thầy giáo. Người nhiều tuổi nhất là cô Phan Hoàng An (sinh năm 1962, Trường THCS Phước Thể, tỉnh Bình Thuận) và người trẻ nhất là cô Quảng Thị Thúy Ngân (sinh năm 1991, giáo viên Trường Mầm non Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM).

Hai giáo viên có thời gian công tác lâu nhất tại đảo là cô Nguyễn Thị Hợi (sinh năm 1966, Trường Phổ thông cơ sở Bản Sen, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) và cô Nguyễn Thị Bích Thủy với lần lượt 29 năm 7 tháng và 29 năm.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng các giáo viên tại lễ tuyên dương (ảnh: Đăng Lương)
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng các giáo viên tại lễ tuyên dương (ảnh: Đăng Lương)

Đặc biệt, 2 giáo viên trẻ nhất được tuyên dương năm nay là Nguyễn Ngọc HạLê Xuân Quyết, cùng sinh năm 1990, hiện đang công tác tại huyện đảo Trường Sa.

Thầy Lê Xuân Quyết là một trong hai giáo viên tình nguyện ra làm giáo viên tại Đảo Song Tử Tây, thuộc huyện đảo Trường Sa đã 4 năm nay. Tâm sự tại lễ tuyên dương, thầy Quyết cho hay, lần đầu tiên thầy phải đi 14 ngày mới ra tới nơi dạy. Lúc đi trên thuyền, thầy cảm tưởng như để một chảo lạc rang thì sóng đánh mạnh tới mức không cần ai đảo, chảo lạc vẫn chín đều.

"Lần đầu tiên nhìn thấy lớp học mình dạy, tôi ngỡ ngàng bởi đó là một lớp học nhỏ xíu, lợp tôn. Thầy trò trong lớp học mà mồ hôi bê bết đầu tóc vì nắng nóng. Nhiều đêm đảo mất điện, tôi phải ôm cả tập vở học sinh chấm bài dưới cột đèn đường bởi cũng như nhiều thứ khác, điện ở đây rất hiếm", thầy nói.

Cũng khó khăn không kém, cô Nguyễn Thị Thu Thủy (Kiên Hải, Kiên Giang) đã đưa đến buổi lễ những kỉ niệm khiến nhiều người rơi nước mắt. Cô cho biết, đến nay mình đã có 29 năm công tác ở đảo. Mỗi lần đi dạy, cô phải trèo núi cheo leo từ 3-4h đồng hồ. Có những lần bị lạc đường đến đêm, may nhờ một người dân tốt bụng đã đưa cô về... Đó là những kỉ niệm mà gần 30 năm qua, cô vẫn nhớ mãi.

"Sóng biển rất nhiều nhưng sóng Internet không có"

Đó là chia sẻ của cô Nguyễn Thị Hợi, Trường PTCS Bản Sen, huyện đảo Vân Đồn, Quảng Ninh. Cô là giáo viên có thời gian công tác lâu năm nhất trong số các giáo viên dự lễ tuyên dương.

Cô Hợi chia sẻ: Chúng tôi ở đảo, sóng biển rất nhiều nhưng không có sóng Internet. (ảnh: Đăng Lương)
Cô Hợi chia sẻ: "Chúng tôi ở đảo, sóng biển rất nhiều nhưng không có sóng Internet". (ảnh: Đăng Lương)

Cô Hợi cho biết, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, trường đã được xây mới cách đây 4 năm, đã có điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, khoảng cách giữa huyện đảo và đất liền còn quá xa. “Chúng tôi ở đảo, sóng biển thì nhiều nhưng sóng Internet không có. Vì vậy, nếu Bộ GD&ĐT nghiên cứu xem xét để có sóng Internet cho trường học ở đây, học sinh sẽ rất tiện lợi trong việc truy cập thông tin trên mạng”, cô Hợi nói.

Cũng theo cô Hợi, hiện trường có 9 lớp nhưng vẫn thiếu phòng học. Do vậy, thay mặt các thầy cô giáo ở đây, cô ước mong được đầu tư xây thêm lớp học, được có phòng chức năng, phòng thí nghiệm cho học sinh.

Cô Phan Hoàng An, Trường THCS Phước Thế, Bình Thuận - cô là giáo viên lớn tuổi nhất trong số giáo viên đến dự lễ tuyên dương hôm nay cho hay, hồi mới đến dạy ở đây, điện nước không có nên cô trò rất vất vả. Nhiều học sinh phải bỏ học bám biển dù chưa đến tuổi vì nhu cầu mưu sinh cuộc sống.

“Nếu được đề xuất, tôi không mong muốn gì hơn cho mình mà chỉ mong các em học sinh những nơi như chúng tôi được miễn giảm học phí, để các em yên tâm đi học, không phải theo cha mẹ bám biển nữa”, cô An nói.

Cô Thu Thủy (Kiên Giang) cho hay, mỗi lần đi dạy, cô phải trèo núi cheo leo từ 3-4h đồng hồ. (ảnh: Đăng Lương)
Cô Thu Thủy (Kiên Giang) cho hay, mỗi lần đi dạy, cô phải trèo núi cheo leo từ 3-4h đồng hồ. (ảnh: Đăng Lương)

Thầy Đoàn Văn Kiều, có 17 năm công tác tại Trường PTCS Sơn Hải (Kiên Lương, Kiên Giang) cho biết, hiện lương của thầy ở đảo cũng bậc 6 giống như trên đất liền. Tuy nhiên, chi phí trên đảo rất đắt đỏ, giáo viên phải tốn tiền phà đò để về nhà hàng tuần cả trăm nghìn đồng, rất khó khăn. Do đó, nếu có thể được, thầy đề xuất Lãnh đạo Bộ GD&ĐT xem xét hỗ trợ tăng phụ cấp cho giáo viên vùng biển đảo.

Ngoài ra, ở trường thầy đang công tác, mặc dù khó khăn nhưng có nhiều em học rất tốt. Tuy nhiên, rất tiếc nhiều em học giỏi nhưng không có tiền để theo học đến cùng. Cũng như nhiều nơi khác, thầy Kiều cho biết, học sinh ở đây không tiếp cận được thông tin vì thiếu sóng Internet nên rất thiệt thòi khi tìm hiểu thông tin thời sự.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, các thầy cô được tuyên dương hôm nay sẽ thay mặt cho các thầy cô đang công tác trên biển đảo trực tiếp trò chuyện với Bộ trưởng. Sau khi lắng nghe, Bộ sẽ có những quyết sách hợp lý, tạo điều kiện cho các thầy cô yên tâm công tác.

Mỹ Hà