Bộ trưởng trực tiếp "cứu" thí sinh 26,5 điểm bị trượt đại học

(Dân trí) - Chiều tối ngày 31/8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã trực tiếp gọi điện chỉ đạo trường ĐH Y Dược Cần Thơ nhận thí sinh cầm biển kêu cứu vì đạt 26,5 điểm nhưng trượt đại học

Trao đổi với Dân trí, một chuyên viên Bộ GD-ĐT cho biết, chiều ngày 31/8, sau khi biết thông tin trên báo nêu về thí sinh đạt 26,5 điểm nhưng vẫn trượt nguyện vọng 1 ở Trường Đại học Y dược Cần Thơ, đứng cạnh chợ Mũi Né, TP. Phan Thiết (Bình Thuận) cầm tấm biển với nội dung “Thi 26,5 điểm nhưng vẫn không được đến trường. Xin hãy giúp em”!

Sau khi xem xét tình hình, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã trực tiếp gọi điện cho lãnh đạo Trường ĐH Y dược Cần Thơ yêu cầu xem xét vụ việc và nhận thí sinh này vào học nếu thông tin đúng như báo chí đã nêu. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay, quan điểm của bộ là các trường cần phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thí sinh.

Trước đó, như báo Pháp luật TP.HCM đưa tin, khoảng 9g sáng ngày 31-8, tại khu vực cạnh chợ Mũi Né, TP Phan Thiết (Bình Thuận), nhiều người đi đường và du khách khá bất ngờ khi thấy một thanh niên ôm trước ngực tấm bảng với nội dung “Thi 26,5 điểm nhưng vẫn không được đến trường. Xin hãy giúp em”!

C:\Users\User\Desktop\thi.jpg

"Thi 26,5 điểm nhưng vẫn không được đến trường. Xin hãy giúp em!" (Ảnh: Báo Pháp luật TP.HCM)

Qua tìm hiểu, được biết người thanh niên trên là Trần Văn Sâm, sinh năm 1991, ngụ khu phố 1, phường Mũi Né (Phan Thiết). Sâm là thí sinh được Sở Y tế Bình Thuận cử đi thi liên thông y đa khoa (Khóa 2015-2019) tại Trường Đại học Y dược Cần Thơ vào ngày 15-7 (không phải là kỳ thi THPT Quốc gia 2015 vừa qua - PV). 

Kết quả, thi ba môn, Sâm đạt được 26,5 điểm, cao nhất trong số 91 thí sinh mà Sở Y tế Bình Thuận cử đi thi. Thế nhưng khi đến Trường Đại học Y dược Cần Thơ làm thủ tục nhập học, Sâm gần như ngã quỵ khi thấy không có tên mình trong số 22 thí sinh ở Bình Thuận trúng tuyển mặc dù những người này đều có điểm thấp hơn Sâm. 

Đến Sở Y tế Bình Thuận khiếu nại thì Sâm càng tá hỏa hơn bởi được thông báo em không phải là viên chức Nhà nước nên bị loại dù có điểm cao nhất! Trong khi đó, theo thông báo của Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Y dược Cần Thơ, với số điểm của Sâm, em còn thừa đến 2,5 điểm nếu đăng ký là thí sinh tự do của Kỳ thi tuyển sinh liên thông năm 2015.

Trước sự việc nghịch lý này, Sở Y tế Bình Thuận đã có văn bản gửi Trường Đại học Y dược Cần Thơ xin đính chính lại thông tin của thí sinh Trần Văn Sâm. Theo đó Sâm chỉ là viên chức hợp đồng chưa được tuyển dụng chính thức vào biên chế Nhà nước nhưng do khi đăng ký dự thi, Bệnh viện Phan Thiết đã cập nhật thông tin nhầm lẫn! Tuy nhiên khi mang văn bản này và đơn xin chuyển sang diện thí sinh tự do, nhà trường vẫn không nhận hồ sơ và yêu cầu Sâm về khiếu nại cái gọi là nhầm lẫn đến chết người của Sở Y tế Bình Thuận.

Theo Sâm, em tốt nghiệp y sĩ trung cấp và hơn hai năm nay Sâm làm gần như không ăn lương tại Phòng khám Đa khoa Mũi Né. Mặc dù mỗi tháng được phòng khám cho 500 ngàn đồng và 4-5 tháng mới được thanh toán một lần nhưng Sâm vẫn cố gắng vượt qua dù gia cảnh rất khó khăn. Sâm cho biết do khát khao trở thành bác sĩ giúp bà con ngư dân nghèo Mũi Né nên em vừa làm vừa học ôn thi để quyết tâm thực hiện ước vọng của mình. 

Được biết, tối ngày 31-8, thí sinh Trần Văn Sâm đã nhận được thông báo của trường ĐH Y dược Cần Thơ là bổ sung em vào danh sách trúng tuyển. Ngày hôm nay (1-9), Sâm sẽ lên đường đi Cần Thơ làm thủ tục nhập học. 

Bộ trưởng tiếp tục "cứu" thí sinh cộng nhầm điểm ưu tiên

Được biết, cũng trong chiều ngày 31/8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã trực tiếp điện thoại cho giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên thông báo cho phép các thí sinh ở tỉnh này bị rớt nguyện vọng 1 do cộng nhầm điểm ưu tiên được đăng ký lại nguyện vọng 1. 

Báo Pháp luật TP.HCM đưa tin, ngay sau chỉ đạo của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, ngay trong chiều cùng ngày, Sở GD-ĐT Phú Yên đã tổ chức họp với thí sinh, phụ huynh của sáu trường hợp từ trúng tuyển thành rớt NV1 ĐH do cộng nhầm điểm ưu tiên. 

Theo đó, sau một đêm lựa chọn, vào 8 giờ sáng 1-9 những thí sinh này sẽ nộp hồ sơ đăng ký lại NV1 với điểm thực của mình vào các ngành, trường phù hợp để Sở GD-ĐT Phú Yên gửi gấp về Bộ GD-ĐT. Sau đó, Bộ sẽ can thiệp với các trường ĐH có những thí sinh này đăng ký để xét tuyển lại NV1 đối với các em.

Được biết, trong 20 thí sinh của Trường THPT Nguyễn Huệ bị cộng nhầm điểm ưu tiên, chỉ có sáu trường hợp từ trúng tuyển thành rớt NV1 ĐH sau khi được phát hiện. Phần lớn những thí sinh còn lại đã tự phát hiện Trường THPT Nguyễn Huệ nhập sai đối tượng nên các em đăng ký NV1 đúng với điểm thực của mình và không bị ảnh hưởng.

Như báo chí đã phản ánh, trong đợt làm thủ tục cho thí sinh đăng ký xét tuyển NV 1 vào các trường ĐH, CĐ, bộ phận nhập dữ liệu của Trường THPT Nguyễn Huệ đã cộng nhầm điểm ưu tiên đối với 20 thí sinh. Thay vì chỉ nhập khu vực 1- có hộ khẩu thường trú tại vùng bãi ngang ven biển (được cộng 1,5 điểm), Trường THPT Nguyễn Huệ lại nhập thêm đối tượng 1- học sinh đồng bào dân tộc thiểu số (để cộng thêm 2 điểm).

Sau khi phát hiện sai sót, các trường ĐH đã hạ 2 điểm khiến sáu thí sinh từ trúng tuyển trở thành rớt NV1. Sở GD-ĐT Phú Yên đã có văn bản báo cáo Bộ GD-ĐT để thông báo đến các trường ĐH, CĐ bỏ điểm ưu tiên đối với 20 thí sinh trên. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT đã đưa ra hướng giải quyết như trên. 

Hồng Hạnh (tổng hợp)