Bốn năm làm phụ hồ quyết tâm thi đỗ HV Cảnh sát

(Dân trí)- Ba năm liền thi vào Học viện Cảnh sát đều đạt 20,5 điểm khối C và đều không đủ điểm đỗ. Không xét tuyển nguyện vọng 2 để theo học trường khác vì nhà nghèo không theo nổi. 4 năm làm phụ hồ và ôn thi với quyết tâm trở thành học viên HV Cảnh sát.

Đó câu chuyện đầy cảm động của chàng trai nghèo Đào Văn Vũ ở huyện Kinh Môn (Hải Dương). Kỳ thi tuyển sinh năm nay, Vũ đã đỗ vào HV Cảnh sát với 22 điểm. 

4 năm xách vữa, bốc gạch nuôi ước mơ

Gặp tôi trong căn nhà nhỏ ở xã Phạm Mạnh (huyện Kinh Môn, Hải Dương), Đào Văn Vũ không giấu nổi hết niềm vui khi cầm tờ giấy báo nhập học trên tay sau 4 năm đặt quyết tâm. Vừa vui nhưng cũng không cầm nước mắt vì tủi thân, Vũ tâm sự: “Gia đình em nghèo quá, không có tiền đi học thêm, chứ nói chuyện học đại học khác ngoài quân sự nên em phải quyết tâm thi đậu  Học viện Cảnh sát. Đỗ trường này,  không phải đóng học phí  mà sau được phân việc. Thế là từ nay em không vất vả với cảnh bốc gạch thuê nữa rồi…”.

Đào Văn Vũ là con thứ hai trong gia  đình có hai chị em. Bố mẹ Vũ đều làm nông nghiệp. Cả năm trông chờ vào 6 sào ruộng, bố mẹ đau ốm thường xuyên, chị đi lấy chồng sớm nên một mình Vũ phải cáng đáng tất mọi việc trong gia đình. Xong vụ gặt, cày, cấy Vũ lại đi làm thuê, xách vữa, bốc gạnh lấy tiền mua sách ôn thi. Suốt 12 năm học phổ thông, Vũ luôn là học sinh giỏi. Năm lớp 12, Vũ đã đoạt giải ba kỳ thi Học sinh giỏi tỉnh môn Địa lý.

Do cả gia đình làm nông trông chờ vào sào ruộng nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Lúc nào rảnh rỗi, Vũ  lại đi bốc gạch, xách vữa thuê lấy tiền học cũng như góp phần vào phụ gúp gia đình. Mỗi ngày chủ thợ trả cho em 100 ngàn đồng. Tuy nhiên để có số tiền tròn trĩnh ấy em phải làm việc ngày hơn 8 tiếng. Công việc này khá vất vả nhiều hôm nắng to mệt quá em định xin nghỉ việc. Thế nhưng rồi lại không dám nghỉ vì lo sau này đỗ đại học biết lấy đâu ra tiền lo chi phí.

Vậy là, suốt 4 năm trời, ngày thì đi làm, tối Vũ lại miệt mài ôn thi. Nhiều hôm do ôn bài  quá khuya nên sáng ra Vũ đi làm sớm vẫn còn buồn ngủ nên có lúc để gạch rơi vào chân sưng vù mấy tuần liền mới khỏi. Giờ đây chân tay Vũ chứa đầy những vết sẹo của nhiều lần tai nạn với nghề.

Bốn năm làm phụ hồ quyết tâm thi đỗ HV Cảnh sát - 1
Dù ba lần thi trượt Học viện Cảnh sát, Đào Văn Vũ vẫn không từ bỏ quyết tâm trở thành học viên trường này.

Ba lần thất bại vẫn không từ bỏ ước mơ

Cả ba lần thi vào Học viện Cảnh sát Vũ đều đạt 20,5 điểm nhưng không đỗ. Bạn bè khuyên Vũ thi vào trường khác hoặc nộp xét tuyển nguyện vọng 2 của trường khác. Thế nhưng Vũ vẫn để mặc ngoài tai và quyết tâm làm phụ hồ và tiếp tục ôn thi.

Vũ kể lại: “Sau những lần thi không đậu đó, nhiều bạn bảo em là thằng hâm, thi được điểm cao thế tội gì mà ở nhà, nộp xét tuyển vào trường nào đó mà học lấy cái bằng còn hơn ở nhà đi bốc gạch thuê”.

Trước lời khuyên bảo đó, Vũ suy nghĩ trăn trở rất nhiều. Nhưng nghĩ về hoàn cảnh của mình, Vũ lại càng phải quyết tâm theo đuổi ước mơ hơn nữa.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Đào Văn Tuân - bố của Vũ cho biết: “Nhiều lúc thấy cháu quyết tâm thi vào Học viện Cảnh sát, không đậu lại vất vả làm thuê chờ sang năm thi tiếp, gia đình thấy thương con nên khuyên cháu thi trường khác mà  học. Bố mẹ sẽ vay mượn cho con  học. Tuy nhiên em bảo cứ thi cho được 6 năm nếu không đậu nữa thì đi học nghề. Chứ học các trường khác lấy tiền đâu ra mà học. Còn nếu học thì ra trường không biết xin được việc hay không. Thấy con quyết tâm nên tôi cũng tùy cháu quyết định”.

Ước mơ trở thành cảnh sát điều tra

Khi chúng tôi hỏi trong những ngành mà Học viện Cảnh sát đào tạo, em thích nhất là ngành gì, Vũ nhanh miệng nói: Cảnh sát điều tra. Bởi từ lâu Vũ có mong ước thích khám phá, những uẩn khúc đằng sau sự việc bất thường. Khi chúng tôi nói về những vất vả của nghề Cảnh sát, Vũ nói: “Vất vả mấy em cũng chịu được dù học được làm Cảnh sát là em vui lắm”.

Không chỉ là tấm gương sáng của nghị lực vươn lên hoàn cảnh, Đào Văn Vũ được người dân trong xã quý mến đặt cho biệt danh “Giáo làng Mạnh” vì em nhận dạy miễn phí cho nhiều đứa trẻ trong xã. Hiện nay nhiều em trước kia học kém nhưng sau  khi được Vũ dạy các em học tập tiến bộ, trở thành học sinh khá, giỏi.

Chia tay xã Phạm Mạnh, mà chúng tôi không khỏi lưu luyến và cảm phục trước nghị lực đáng khâm phục của chàng trai trẻ. Chúc Đào Văn Vũ thành công với ước mơ đã chọn.

Tuấn Đức