Cả một đời thắp chữ trên non

(Dân trí) - Gần như cả cuộc đời ông đã gắn bó bằng tất cả trái tim và nhiệt huyết để thắp cái chữ làm ấm lên biết mấy miền sơn cước vốn rất hoang vắng này. Trìu mến và trân trọng, người vùng cao Văn Chấn lâu nay đã gọi nhà giáo ưu tú Nguyễn Duy Thanh là “Ông giáo người Kinh”.

Tuổi 20, chàng thanh niên của miền quê lúa Thái Bình hăm hở khoác túi lên đường theo lệnh điều động của ngành giáo dục. Mường Mít - Than Uyên hiện ra trước mắt với thăm thẳm và lãnh lẽo đại ngàn đã từng làm chàng thanh niên ấy có lúc chững lại.

 

Rồi ở miền sơn cước âm u và khắc nghiệt ấy, người thanh niên 20 tuổi của năm nào giờ tóc đã điểm bạc và đã là một Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới - Hiệu trưởng trường Dân tộc nội trú Văn Chấn (Yên Bái), nhà giáo ưu tú Nguyễn Duy Thanh.

 

“Nếu bây giờ “vác bồ chữ” về xuôi trong khi con em dân tộc còn đói cơm, đói chữ thì thật hổ thẹn, không xứng đáng là thanh niên miền xuôi đem ánh sáng của Đảng lên miên núi...”.  Đã không biết bao lần nản lòng, thầy giáo trẻ Thanh phải tự nhủ mình như thế và anh đã quyết định ở lại với Than Uyên. Lúc ấy là năm 1968.

 

Bốn năm sau, thầy lại tạm gác giáo án lên đường nhập ngũ làm nhiệm vụ tại chiến trường C ác liệt. Sinh tử bao lần, thầy trở về với Văn Chấn làm thầy giáo vùng cao dạy cho bà con dân bản không chỉ riêng cái chữ mà còn hướng dẫn họ biết cách vận động gia đình bỏ trồng cây thuốc phiện, sống định canh định cư, tận dụng đất trống đồi trọc làm trang trại , xây dựng cuộc sống đầm ấm cho không biết bao gia đình ở nơi đây...

 

Hơn 30 năm trôi qua, thầy giáo Thanh đã đi qua nhiều bản làng lắm. Giờ làm hiệu trưởng được 15 năm nhưng tấm lòng thầy Thanh dành cho học trò vẫn nồng hậu và nhiệt thành như thời trai trẻ. Thầy bảo: “Các em đều ở những vùng sâu vùng xa, động viên các em đến trường đã khó, muốn giữ các em ở lại mình phải cùng ăn, cùng chơi, cùng học với các em”. Vì “ba cùng” này, thầy đã xoay sở mọi cách sao cho các em được tăng khẩu phần ăn hằng ngày, biết bộc lộ năng khiếu và thích ganh đua nhau trong học hành.

 

Những công việc ấy, thầy gọi là “những công việc khó gọi thành tên, thầy giáo, cô giáo nào cũng đều làm được ấy mà”. Nhưng, danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới mà Nhà nước phong tặng cho thầy Nguyễn Duy Thanh vào năm 2001 thì chắc hẳn không phải thầy cô giáo nào cùng có được.

 

Bây giờ chàng thanh niên 20 tuổi của cuối những năm trong thập kỷ 60 ngày đó đã không còn sững sờ trước đại ngàn thăm thẳm với vời vợi non cao nữa...

 

 

Mai Minh