Cả Trung Quốc khen ngợi một đề văn lạ

Gần như cùng thời gian với kỳ thi THPT của Việt Nam, những ngày vừa qua các học sinh THPT Trung Quốc cũng đã trải qua một kỳ thi đầy cam go. Các đề thi năm nay, đặc biệt đề thi văn, đã nhận được sự khen ngợi.

>> Thi văn ở Trung Quốc và những bài văn điểm 10

Đề bài không có trong chương trình

Phần đề tập làm văn thuộc môn ngữ văn của Bắc Kinh năm nay đã khiến 120.000 thí sinh thủ đô và cả nước ngỡ ngàng.

Nguyên đề văn như sau:

Đọc đề bài dưới đây

"Tế vũ thấp y khan bất kiến. Nhàn hoa lạc địa thính vô thanh" (tạm dịch: Mưa mong manh thấm áo nhìn không tỏ. Hoa rụng đất nhẹ nhàng nghe không thấu) là câu thơ trích trong bài Biệt nghiêm sĩ Nguyên (tạm dịch: Tặng nghiêm sĩ Nguyên khi từ biệt) của nhà thơ đời Đường Lý Trường Khanh.

Có những lý giải khác nhau như sau về bài thơ:

1. Đây là bài thơ ca ngợi vẻ đẹp mùa xuân.

2. “Mưa mong manh”, “cánh hoa rụng” đặc tả nỗi cô đơn không người thấu hiểu.

3. “Nhìn không tỏ”, “nghe không thấu” không chỉ thái độ sống buông xuôi, mà thể hiện cách xử thế không màng danh lợi.

4. Quan niệm sống trong bài thơ không còn thích hợp với cuộc sống ngày nay...

Bằng cảm nhận của riêng mình về hai câu thơ, anh/chị hãy viết một bài văn theo những yêu cầu sau:

1. Đề bài tự đặt.

2. Thể thức hành văn không giới hạn.

3. Bài văn không dưới 800 chữ.

Ngay khi ngày thi kết thúc, “đề văn tốt nghiệp Bắc Kinh” đã lập tức trở thành chủ đề nóng trên toàn quốc. Bởi lẽ hai câu thơ được trích dẫn làm đề không hề có trong sách giáo khoa, các tài liệu luyện thi hay tham khảo nào.

Tác giả Lý Trường Khanh chỉ được chọn giới thiệu trong sách giáo khoa cấp I qua một bài thơ khác của ông. Hơn nữa, Lý Trường Khanh không phải là một tác giả đời Đường quen thuộc cỡ Lý Bạch, Đỗ Phủ.

Các em thí sinh mười mấy tuổi liệu có thể trong một thời gian ngắn thông hiểu câu thơ được viết từ nghìn năm trước, nắm bắt được cái thần của bài thơ mình chưa từng đọc qua? Liệu có thể giải thích “mưa nhỏ”, “hoa rụng” có nội hàm gì? Ai oán, u sầu hay tươi đẹp ở đâu?

Những cuộc phỏng vấn, trưng cầu ý dân, những nhà phê bình lần lượt vào cuộc. Kỳ thật, từ năm 2002 khi bắt đầu tự ra đề, đây là lần đầu tiên Bắc Kinh sử dụng thơ Đường (văn học cổ) làm đề văn. Cũng là lần đầu tiên trên toàn quốc có một đề bài sử dụng văn bản... không được giảng qua trong sách giáo khoa. Vậy vì sao nó lại được hoan nghênh?

Đề thi “rất biết tôn trọng thí sinh”

Năm ngoái, Bắc Kinh ra đề văn “Biểu tượng của Bắc Kinh” bị chê là quá “nịnh” Olympic, ngoài ra đề bài thiên về kiểm tra kiến thức địa lý, lịch sử, tính đặc sắc địa phương. Nhưng năm nay đề văn thuần túy mang tính văn học, hơn nữa bắt đầu hé lộ một bước tiến nữa trong tiến trình cải cách đề thi tốt nghiệp đã được tiến hành hơn 30 năm của giáo dục Trung Quốc: khuyến khích học sinh hành văn tự do, tự nhiên.

Người ra đề cho học sinh hẳn bốn hướng đi, bốn cách lý giải này đều đúng (vì thế đáp án công bố sau đó cho học sinh cũng có bốn phần). Học sinh chỉ cần tự chọn cho mình một ý để phát triển mở rộng bài viết. Nếu chỉ đơn thuần phân tích từ hai câu thơ này (không sử dụng các dẫn chứng từ các bài thơ khác), với lý giải (1) học sinh có thể sử dụng lối văn tả, tả cảnh mùa xuân đẹp, hấp dẫn lòng người, từ đó có thể tán dương vẻ đẹp mùa xuân như biểu tượng một xã hội.

Những học sinh nào chọn ý (2), (3) có thể sử dụng văn chứng minh và phát biểu cảm nghĩ để so sánh và đối chiếu quan niệm sống, giá trị quan giữa xưa và nay. Những học sinh nào chọn cảm nhận (4) có thể dùng văn nghị luận.

Như thế, đề thi văn này tuy mang tính thử nghiệm, hai câu thơ chọn lựa tuy rất xa lạ với học sinh nhưng vẫn là đề mở, chỉ trong một đề thi đã đưa ra cho học sinh chọn bốn cách viết với nội dung khác nhau. Từng học sinh có thể chọn cách thức hành văn thuộc sở trường của mình (văn tả, văn phát biểu cảm nghĩ, văn phân tích hay văn nghị luận) để phát huy bút lực.

Giáo sư Đại học Sư phạm Bắc Kinh Vu Đan, người có công lớn trong toàn ngành giáo dục Trung Quốc năm qua với cuốn sách Tôi đọc Luận ngữ bán chạy hơn cả Harry Potter, “bắt” cả dân Trung Quốc phải chạy đi mua sách lời dạy của Khổng Tử, khẳng định đề thi năm nay “rất biết tôn trọng thí sinh”.

Một đề thi nhưng có thể tạo cho học sinh cơ hội tự do phát biểu, đồng thời khảo sát học sinh ở nhiều mặt. Học sinh không thể dựa vào việc học tủ cứ thế chép ra, mà phải tự vận dụng cao độ tính sáng tạo. Thông qua cách lý giải đa dạng khác nhau của thí sinh đối với những nhà văn, tác phẩm nổi tiếng, một câu thơ mà từ đó kiểm tra kiến thức văn học tổng hợp của học sinh. Và nhất là từ đây học sinh Trung Quốc sẽ phải nghiêm túc hơn trong việc học thông đọc thạo những tác phẩm văn học cổ nước mình.

Theo Lê Nga Linh
Tuổi Trẻ