Đắk Lắk:

Cả trường "vỡ òa" vì lần đầu có học sinh đỗ thủ khoa đại học

(Dân trí) - Sau 4 năm thành lập, lần đầu tiên Trường THPT Phạm Văn Đồng (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) có học sinh đỗ thủ khoa đại học. Đó là em Bùi Xuân Diệu, học sinh lớp 12A1, đỗ thủ khoa Trường ĐH Sài Gòn với 26,5 điểm, trong đó môn Lịch sử đạt 9,5 điểm.

Những ngày qua, Trường THPT Phạm Văn Đồng (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) như "vỡ òa" khi hay tin cô học trò Bùi Xuân Diệu đỗ thủ khoa vào Trường ĐH Sài Gòn với 26,5 điểm, trong đó: Sử 9,5 điểm; Văn và Địa cùng đạt 8,5 điểm. Xuân Diệu là học sinh đầu tiên của Trường THPT Phạm Văn Đồng đỗ thủ khoa đại học sau 4 năm trường được thành lập.

Cả trường vỡ òa vì lần đầu có học sinh đỗ thủ khoa đại học
Em Bùi Xuân Diệu đỗ thủ khoa vào Trường ĐH Sài Gòn, với điểm số là 26,5 điểm, trong đó: Sử 9,5 điểm; Văn và Địa cùng đạt 8,5 điểm.

Chia sẻ với PV Dân trí, thầy Vương Xuân Hồng - hiệu phó Trường THPT Phạm Văn Đồng, xúc động nói: “Diệu là một trong 3 học sinh học khối C xuất sắc nhất của khối lớp 12. Hai năm lớp 11 và lớp 12, Diệu đều dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ văn. Bây giờ em lại đỗ thủ khoa đại học, các thầy cô công tác ở trường cảm thấy rất vui”.

Trong khi đó, thầy Giáp Thanh Việt - giáo viên chủ nhiệm của em Diệu tâm sự: “Các phong trào của lớp, nhìn chung Diệu khá năng nổ và rất nhiệt tình. Nói chung, qua đánh giá của các giáo viên bộ môn, 3 năm học phổ thông, em Diệu là học sinh chăm chỉ và học các môn xã hội tương đối tốt. Em Diệu là học sinh đầu tiên của nhà trường đỗ thủ khoa đại học, từ hôm có kết quả đến nay, nhà trường rất phấn khởi”.

Xuân Diệu cho biết, cả 3 môn Văn, Sử và Địa trong quá trình dự thi vào trường ĐH Sài Gòn em đều làm được bài. Sau khi làm bài xong, qua dò đáp án, em dự tính sẽ đạt điểm số cao và chắc chắn sẽ đỗ vào trường. Tuy nhiên, với điểm số 26,5 điểm - rồi đỗ thủ khoa của trường ĐH Sài Gòn đã khiến em khá bất ngờ.

“Sau khi nhận được tin đỗ thủ khoa Trường ĐH Sài Gòn, cả đêm hôm đó em trằn trọc không ngủ được! Em thì mừng, còn bố mẹ em thì cũng mừng, nhưng không khỏi lo lắng cho chặng đường học tập tiếp theo của em. Nhà em có 3 chị em gái đều đang tuổi đi học, nên em hiểu bố mẹ đang nghĩ gì”, em Diệu suy tư.

Ngoài thời gian học, Diệu rất chăm chỉ làm việc nhà phụ giúp bố mẹ.
Ngoài thời gian học, Diệu rất chăm chỉ làm việc nhà phụ giúp bố mẹ.

Diệu tâm sự, trong kỳ tuyển sinh năm nay, ngoài việc dự thi vào ngành Luật Trường ĐH Sài Gòn, em còn đăng ký dự thi vào Trường ĐH Luật TPHCM. Ngày đi thi, em cầm trên tay cả 2 giấy báo dự thi để lên đường vào TPHCM. Tuy nhiên, vào “phút cuối”, em đã quyết định chọn thi Trường ĐH Sài Gòn. Cô thủ khoa chân tình chia sẻ là vì “bản thân chưa tự tin lắm! Nên cần một giải pháp an toàn”.

Tân thủ khoa trường ĐH Sài Gòn cho biết, để chuẩn bị cho kỳ thi đại học, em chưa bao giờ ôn thi ở “lò luyện”, mà chỉ đăng ký ôn thi ngay tại trường. “Học khối C theo em là không nên học tủ, học lệch, khi học chỗ nào cảm thấy khó ghi nhớ thì cần chép ra giấy một vài lần cho nhớ. Bản thân em thường thường chỉ học đến 22h thì đi ngủ, em luôn quán triệt rằng là cần học vừa sức, không học ép, không học quá khuya, và thường thức dậy buổi sáng để học bài”, Diệu chia sẻ.

Là người đạt điểm cao ở môn Sử, nữ thủ khoa ở tại Tây Nguyên cũng không giấu giếm chia sẻ bí quyết học thi môn học này. “Môn Sử thường khó ghi nhớ nhất là các sự kiện, cho nên, khi học cần định hình được các giai đoạn chính (1919 - 1930; 1930 - 1945; 1945 - 1954; 1954 - 1975…), rồi nắm vững các sự kiện, nội dung, kiến thức chính trong mỗi giai đoạn. Khi học cần học đi học lại nhiều lần như “động vật nhai lại” để nắm cho chắc kiến thức, điều này nhằm tránh sự nhầm lẫn”.

Clip hình ảnh thủ khoa Bùi Xuân Diệu trong cuộc sống hàng ngày và đôi lời chia sẻ về cách học môn Sử:



Qua báo Dân trí, tân thủ khoa ở tại cao nguyên Đắk Lắk cũng lưu ý các thí sinh cách làm bài thi môn Sử đạt điểm cao: “Khi làm bài Sử, điều quan trọng là cần đọc đề cho thật kỹ, xác định đề cho rõ ràng, đề ra cái gì thì cần vạch ý ra giấy để tránh thiếu sót. Khi làm bài, nội dung nào mà chưa chắc chắn thì không nên đi sâu, và đặc biệt là trình bày cho hợp lý, có đầu, có cuối về một sự kiện hay nội dung lịch sử: hoàn cảnh, diễn biến, kết quả và ý nghĩa”.
 
Thủ khoa Bùi Xuân Diệu và bố mẹ.
Thủ khoa Bùi Xuân Diệu và bố mẹ.

Được biết, Diệu là con thứ 2 trong gia đình có 3 chị em gái đều đang tuổi đi học. Chị lớn của Diệu hiện đang học điều dưỡng ở Bình Dương, còn em út của Diệu năm nay bước vào lớp 9. Nói về hoàn cảnh gia đình, bà Trương Thị Sợi (sinh năm 1969) - mẹ em Diệu cho biết: “Nhà tôi chỉ có 3 sào rẫy, cũng không chăn nuôi gì cả. Vợ chồng tôi thường đi làm mướn cho người ta để kiếm thêm "đồng ra đồng vào" cho mấy cháu đi học. Cháu Diệu đỗ đại học rồi, vợ chồng tôi mừng lắm, nhưng cũng rất lo cho các khoản tiền phải đóng đầu năm. Ngoài Diệu ra, tôi cũng còn 2 cháu đang đi học nữa, mấy đứa nhỏ đứa nào cũng ham học, có đứa nào chịu ở nhà đâu…”.

Viết Hảo