“Các cháu đi học là học chữ của Bác Hồ”

(Dân trí)- “Các cháu đi học là học chữ của Bác Hồ, không đi học không phải là con cháu của Bác Hồ” - với câu nói này, cô Hoàng Thị Nga (48 tuổi, xã Lơ Ku, Kbang, Gia Lai) đã khiến cho các em học sinh trong xã đến lớp hàng ngày.

Vừa dạy vừa học học trò

Nhiều năm đã trôi qua, nhưng cô gái người Tày Hoàng Thị Nga vẫn không thể nào quên được cảm giác sợ sệt khi lần đầu tiên đặt chân lên đất Tây Nguyên. Năm 1993, cô Nga tạm biệt đất Lạng cùng gia đình vào Gia Lai. Lúc bấy giờ, chẳng nói gì xã vùng sâu như Lơ Ku mà ngay đến trung tâm huyện cũng toàn rừng là rừng, người Kinh thì hiếm, còn người địa phương vừa thưa thớt lại hiếm có người biết nói tiếng phổ thông, cảm giác sợ sệt và muốn quay về là điều lớn nhất xâm chiếm trong đầu cô gái trẻ. Nhưng rồi do sức khỏe của bố cô hợp với thời tiết nơi đây hơn ở miền Bắc, căn bệnh thần kinh do bị thương lúc đi bộ đội của ông thuyên giảm nên cô Nga đã đồng ý ở lại Gia Lai lập nghiệp.

Thấy cô gái người Tày vừa thông minh, lại có trình độ cao nhất xã (12/12), Chủ tịch xã đến năn nỉ cô Nga vào làng dạy chữ cho trẻ em địa phương. Trước đề nghị của lãnh đạo xã, cộng với sự cảm thương khi thấy người dân nơi đây vì không biết chữ, không biết nói tiếng phổ thông, không biết làm kinh tế… nên rất nghèo nàn, lạc hậu. Vì thế, cô Nga không nỡ lòng từ chối.

Để gieo được con chữ nơi đây không hề đơn giản khi người dân vẫn chưa nhận thức được ý nghĩa của cái chữ với suy nghĩ “con chữ không làm no cái bụng bằng lên nương rẫy”, không chỉ vậy, rào cản về ngôn ngữ cũng là khó khăn không hề nhỏ. Cô thì không hiểu trò nói gì, còn trò cũng chẳng biết cô đang diễn tả cái gì bằng lời. Để diễn đạt ý nghĩ và làm quen với học trò, ban đầu cô Nga đã nghĩ ra cách dùng “ngôn ngữ” hành động và đồ vật. Sau một thời gian làm quen với học trò, hàng ngày, để truyền đạt kiến thức cho học sinh tốt hơn, cô Nga vừa dạy học trò vừa học lại ngôn ngữ của các em. Khi cô dạy các em hiểu xong một câu, chữ tiếng phổ thông, cô sẽ hỏi lại học sinh của mình từ đó tiếng Bahnar nói như thế nào để cô học.

Cứ như vậy, chẳng bao lâu tình cảm của cô trò đã trở nên gắn bó thân thiết. Ngoài dạy chữ, cô còn cắt tóc, bắt chấy và tắm cho các em bằng xà bông. Tuy được cô giáo chỉ dạy tận tâm, nhưng một số em do lớn quá tuổi mà phải ngồi học chung với những em nhỏ, khiến các em không ưng cái bụng và quyết định ở nhà đi làm rẫy. Còn một số phụ huynh thì lý giải việc không cho con đi học: “Nga đi dạy Nga có tiền, con mình đi học con mình không có tiền, nên mình cho nó ở nhà để đi rẫy”.

Cô giáo Hoàng Thị Nga kể lại câu cách níu học trò với con chữ.
Cô giáo Hoàng Thị Nga kể lại cách níu học trò với con chữ.

Lơ Ku là vùng đất cách mạng, gần nơi sinh ra anh hùng Núp, người dân nơi đây rất tôn kính Bác Hồ, nhiều câu chuyện, nhiều lời dạy của Bác Hồ được người dân truyền tai nhau. Nắm được điều này, cô Nga liền đến từng nhà học sinh vận động phụ huynh và học sinh chỉ bằng câu nói “Các cháu đi học là học chữ Bác Hồ, không đi học không phải là con cháu Bác Hồ”. Nghe lời cô giáo, từ đó trở đi không còn học sinh nào của cô Nga bỏ lớp để ở nhà đi rẫy nữa.

“Mình không phải làm cán bộ, nhưng nhờ có cô Nga mình mới được như ngày hôm nay. Mình biết cái chữ, viết cái tên, tính toán, biết làm ăn và dạy con mình nên mình rất cám ơn cô”, anh Tuênh (làng Tơ Pơng) - một học trò cũ của cô Nga tâm sự.

Bà thầy lang kiêm Chủ tịch Mặt trận xã

Không chỉ làm nghề gieo chữ nơi xã nghèo vùng sâu, mà cô Nga còn là một thầy lang chữa một số bệnh với các bài thuốc gia truyền của gia đình để lại. “Người dân nơi đây còn nghèo, lại xa các cơ sở y tế lớn nên mỗi lần thấy họ bị bệnh mà không có tiền chữa trị khiến tôi rất buồn. Vì vậy, tôi đã chữa cho họ miễn phí bằng các bài thuốc mà trước đây hồi còn nhỏ tôi hay theo bố vào rừng hái thuốc và được bố chỉ dạy”, cô Nga kể.

Biết về thuốc, nhưng cô Nga không chữa bệnh tràn lan và lợi dụng nghề này để kiếm sống. Cô chỉ chữa một số bệnh có thể trị được như: bệnh phụ nữ, bệnh đau, sâu răng, viêm khớp, viêm đại tràng, viêm xoang, viêm tai giữa, đinh càng cua, các vết sưng, bầm, và dẫm đinh, gai. “Bệnh nào chữa được tôi mới chữa, còn không chữa được thì tôi sẽ từ chối. Có người tôi không lấy tiền, có người tôi chỉ lấy họ 3 lon gạo theo phong tục, còn bây giờ thì khoảng 5 đến 10 nghìn đồng, cho nhiều hơn tôi cũng không nhận”, cô Nga bày tỏ.

Gần đây nhất, đó là một thanh niên tên Với ở làng Tơ Pơng, xã Lơ Ku sau khi đi rừng dẫm phải gai và bị nhiễm trùng uốn ván. Do quá chủ quan, nhà vừa xa lại không có tiền đi viện nên Với mặc kệ cho bệnh phát triển. Đến khi bệnh nặng, Với lên cơn co giật thì mới khiêng đến nhà cô Nga nhờ giúp đỡ. Thấy Với đang trong cơn thập tử nhất sinh, cô Nga sợ hãi và yêu cầu gia đình đưa Với đến bệnh viện nhưng không ai chịu đi, mà cứ ở lì nhà cô. Không còn cách nào khác, cô Nga liền chạy đi hái lá thuốc về đắp lên vết thương cho Với, sau một lúc Với đã cắt được cơn co giật, vết thương dịu mát. Cô Nga tiếp tục đi hái lá về đắp và chỉ vài ngày sau, cô đã “giật” được mạng sống của Với từ tay tử thần về.

Tiếng lành đồn xa, nhiều người dân trong vùng và trên địa bàn tỉnh Gia Lai thường xuyên tìm về nhà cô Nga nhờ cô hái thuốc chữa bệnh: “Tôi chữa nhiều nhất đó là bệnh phụ khoa cho chị em phụ nữ, dù viêm nhiễm đến đâu nhưng chỉ cần 3 liều thuốc của tôi là khỏi được bệnh. Bây giờ ngoài những ngày đi làm, thì ngày thứ 7, chủ nhật được nghỉ tôi lại vào rừng hái thuốc cho mọi người, mỗi lần đi hàng chục km nhưng với tôi được giúp người là niềm hạnh phúc”, cô Nga vui vẻ kể.

Công việc nhiều, một mình vừa dạy học, vừa phải đi hàng chục km vào rừng hái thuốc cho bà con, rồi nuôi dạy 2 con..., nên tháng 5/2001, cô Nga đã xin nghỉ dạy học. “Gia đình là một chuyện, nhưng nghĩ mình cũng đã có tuổi nên mình muốn nghỉ để cho các giáo viên trẻ năng động hơn dạy các em”, cô Nga nói. Không ngăn cản được cô nghỉ dạy, lãnh đạo xã liền đến thuyết phục cô về làm cán bộ xã, qua nhiều năm với các công việc khác nhau, đến nay cô Nga đang giữ chức vụ Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Lơ Ku.

Thiên Thư