Các đại sử gia chung tay "cứu” môn Lịch sử

(Dân trí) - “Việc để cho môn sử cấp giáo dục phổ thông bị sa sút có trách nhiệm liên đới của giới sử học chúng ta”. GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã tự nhận trách nhiệm về mình như vậy.

Ngày 27/3, Hội Khoa học lịch sử Việt nam đã tổ chức hội thảo “Thực trạng việc dạy và học lịch sử trong trưởng phổ thông, nguyên nhân và giải pháp”. Hội thảo có tham dự của nhiều nhà sử học, các nhà giáo thuộc nhiều thế hệ, nhà quản lý với tất cả tấm lòng yêu mến lịch sử, yêu mến lớp trẻ, với trách nhiệm sâu sắc trước nhân dân và cho việc nâng cao chất lượng dạy và học môn sử cấp phổ thông.

Vạch “tội”...sách giáo khoa!

“Trong từng bài học trong sách giáo khoa của Mỹ, bên cạnh những đọan văn trình bày nội dung thường có nhiều hình ảnh, bản đồ, đồ biểu minh họa rất ấn tượng; cuối bài thường có niên biểu tóm tắt các sự kiện chính và một minh họa quan điểm khác với quan điểm đã trình bày trong bài học, cùng thông tin hướng dẫn đọc thêm ở phụ lục cuối sách và địa chỉ trang web liên quan để học sinh đọc thêm.

 

Không đi sâu phân tích về nội dung khoa học, nhưng theo tôi, nội dung từng trang sách giáo khoa của Mỹ được viết hết sức cẩn thận, công phu, nghiêm túc, nhiều thông tin hơn sách của ta rất nhiều!

 

PGS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng ĐH KHXH& NV, ĐHQuốc gia TPHCM

Theo sự khẳng định của GS Phan Huy Lê thì chất lượng giảm sút của môn sử trong nhà trường phổ thông không thuộc trách nhiệm của học sinh, càng không phải do bản thân môn sử. GS Lê phân tích: “Khi nói về tình trạng sút kém của môn sử, trong nhận thức của không ít người thường cho rằng, do học sinh không chăm học và môn sử khô khan, phải nhớ quá nhiều năm tháng, sự kiện, nhân vật, ít tính năng động sáng tạo không phù hợp với tuổi trẻ hiện nay. Chúng ta cần làm sáng rõ vấn đề này.

Không ai phủ nhận có hiện tượng khá phổ biến là học sinh không hứng thú với môn sử, thậm chí có sự thật là nhiều học sinh không có khả năng thi vào ngành khác mới chọn khối C trong đó có môn sử. Nhưng phải đặt thêm câu hỏi tại sao học sinh không thích môn sử và phải chăng môn sử chỉ cần trí nhớ, không đòi hỏi trí thông minh? Theo tôi, với sách giáo khoa như hiện nay thì dù có sự cố gắng cải tiến phương pháp giảng dạy của một số thầy/cô giáo, nhưng học sinh không thích môn sử là điều dễ hiểu, gần như tất nhiên!”.

"Tội" của SGK môn Lịch sử còn được PGS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM chỉ ra là: “Sách giáo khoa lịch sử ở phổ thông hiện nay chất lượng rất kém cả về nội dung và hình thức, không đủ sức làm chỗ dựa cho học sinh học tốt môn sử. Chỉ cần làm một so sánh nhỏ giữa sách giáo khoa lớp 11 của ta và của Mỹ thì có thể thấy rõ những yếu kém về sách giáo khoa Sử của ta.

Về hình thức, có thể thấy ngay sự khác hẳn nhau: sách giáo khoa của Mỹ được in ấn rất đẹp, nhiều hình màu, bản đồ lịch sử, phụ lục, bìa cứng. Trong khi đó sách giáo khoa của ta hoàn toàn ngược lại: rất xấu, giấy vàng, thiếu hình ảnh và màu sắc. Sách giáo khoa của Mỹ có độ dày của hai tập là 1679 trang, còn của ta chỉ có 128 trang!

PGS Sen còn đưa ra dẫn chứng rằng: Một học sinh đã từng học lớp 11 ở ta và sau đó học lớp 11 của Mỹ đã nhận xét: văn phong sách của ta rất khô khan, thiếu hình ảnh, đọc dễ buồn ngủ; trong khi đó đọc sách lịch sử lớp 11 của Mỹ rất hấp dẫn, nhiều hình ảnh, thậm chí có cả những bài thơ lịch sử có liên quan đến bài học!

Bi, hài căn bệnh “ung thư” Sử!

GS, NGND Vũ Dương Ninh, ĐH Quốc gia Hà Nội đã đau đớn nhận xét: “Dư luận xã hội xôn xao, có cả bất bình, khi được biết điểm môn Sử trong những kỳ thi tuyển sinh đại học gần đây quá thấp, thấp đến mức không thể hiểu nổi. Song những người trong ngành thì không ngạc nhiên lắm, coi đó như một sự bộc lộ đau đớn của căn bệnh “ung thư” đã tiềm ẩn từ lâu!”.

Về căn bệnh ung thư Sử này, GS Ninh đã nêu ra nhiều điểm khá bi, hài. Chẳng hạn như việc tổ chức viết sách giáo khoa. Việc viết sách giáo khoa hiện nay là "công việc tay trái", các tác giả vừa phải đảm nhiệm công việc chính ở trường của mình, vừa phải tranh thủ thời gian làm nhiệm vụ viết sách giáo khoa. Một cuốn sách giáo khoa lịch sử hiện nay dày chừng 300 trang mà có đến hơn 10 tác giả, phân nhiều cấp bậc: Tổng chủ biên, chủ biên, đồng chủ biên… Nếu chia đều thì mỗi tác giả viết chưa đầy 30 trang. Đó là chưa kể các khâu viết sách, thẩm định sách … đều tiến hành vội vàng cho đúng kế hoạch đón đầu năm học, đúng kế hoạch của nhà xuất bản.

Còn PGS Ngô Minh Oanh, Trưởng khoa Lịch sử trường ĐH Sư phạm TPHCM nêu ý kiến: Môn học bị coi nhẹ, những người dạy sử cũng không được tôn trọng. Nhiều thầy cô bức xúc về việc đánh giá thiếu công bằng giữa giáo viên dạy sử với giáo viên các môn khác trong việc cân nhắc, đề bạt hay trong bình xét các danh hiệu thi đua. Một số trường còn bố trí giáo viên không được đào tạo chuyên ngành để dạy môn lịch sử. Việc bố trí giảng dạy trái ngành càng làm cho chất lượng dạy học môn sử thêm tồi tệ và người ta càng có cớ để coi thường môn Sử và người dạy sử.

Những người dạy sử là những người nghèo nhất về thu nhập ở trong trường phổ thông. Không thể tổ chức dạy thêm như các môn học khác, không có thu nhập gì thêm ngòai đi dạy. Có gần một phần ba số thầy cô dạy sử được hỏi (28,35%) lưỡng lự hoặc sẵn sàng chọn lại ngành khác khi có cơ hội.

Mai Minh

Địch chết bao nhiêu?

 

“Chương trình lịch sử hiện đại, hầu như không bỏ một giai đoạn nào, liên miên từ chiến dịch này đến trận đánh khác, nhiều đoạn trích dẫn nguyên văn nghị quyết đối với học sinh là rất khô khan khó hiểu, lại thêm con số địch chết bao nhiêu, thương vong bao nhiêu… Phần xây dựng kinh tế xã hội lại như một báo cáo tổng kết với những con số nối tiếp con số...Lịch sử thế giới lại càng khó, tên nước ngoài khó đọc, địa lý nước ngoài không biết, nhân vật nước ngoài chẳng rõ, nhầm lẫn lung tung...”

 

GS Vũ Duơng Ninh, ĐH Quốc gia Hà Nội

 

11 tuổi đã phải nhận xét về chính sách bóc lột của bọn đô hộ?!

 

“HS cuối năm lớp 4 đã có yêu cầu lập bảng thống kê các sự kiện, nhân vật tiêu biểu của mỗi thời kỳ trong lịch sử Việt Nam từ buổi đầu dựng nước đến giữa thế kỷ XIX. Tương tự như thế ở sách lịch sử và địa lý lớp 5, cuối phần lịch sử có bài tập lập bảng thống kê các sự kiện, nhân vật tiêu biểu của lịch sử Việt Nam từ năm 1858 đến nay, từ đó chọn ra 5 sự kiện tiêu biểu nhất và giải thích tại sao lại chọn 5 sự kiện đó.

 

Mở đầu sách lịch sử lớp 6 là những câu hỏi lớn “Lịch sử là gì ?”, “Học lịch sử để làm gì ?”. Ở tuổi 11, chắc chắn cậu bé học sinh ấy ăn chưa no, lo càng chưa tới đã phải trả lời những câu hỏi khó của người lớn như thế, thì ai dám nói người Việt Nam dốt sử.

 

Cũng ở sách lớp 6, nhiều tính từ, đại từ, ngữ khí từ được sử dụng để đặt câu hỏi cho học sinh khi học, như “Em có nhận xét gì về chính sách bóc lột của bọn đô hộ?”; “Hãy nêu nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân lương xâm lược do Triệu Quang Phục lãnh đạo”; “Nhận xét gì về quá trình thành lập và mở rộng của nước Chămpa?”; “Tại sao nói trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 938 là một chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta?”… Chắc rằng thầy cô giáo dạy sử sẽ giúp các em trả lời chính xác các câu hỏi đó, nhưng liệu các em có hiểu gì về những nội dung cốt lõi ấy và nó sẽ để lại điều gì trong cái đầu non nớt của các em ?”. 

TS Hà Minh Hồng, Trưởng khoa lịch sử trường ĐHKHXH& NV (ĐHQGTPHCM)

Dòng sự kiện: Đánh giá lại SGK