Các em học sinh cần được hướng nghiệp sớm

(Dân trí) - Trong thời điểm mà việc tư vấn tuyển sinh đang được các trường tổ chức rầm rộ, thật ngạc nhiên khi nghe lời nhận xét: công tác hướng nghiệp chưa được tổ chức tốt, hướng nghiệp mới chỉ tập trung vào lớp 12 và đôi khi giống như những lời quảng cáo.

Năm học 2006-2007, tỉnh An Giang có 38.000 học sinh bỏ học, đông nhất là ở bậc THCS; Tình trạng bỏ học ở Đồng bằng sông Cửu Long đang được báo động; Tình trạng học sinh - sinh viên ra trường làm không đúng ngành nghề được đào tạo;… Hội thảo khoa học về định hướng nghề nghiệp do Viện nghiên cứu giáo dục ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức ngày 4/3 chỉ ra rằng: nguyên nhân của những tình trạng trên là do công tác hướng nghiệp chưa tốt.

 

Tình trạng hàng ngàn học sinh bỏ học ở miền đồng bằng sông Cửu Long khi chưa qua hết lớp 9 cho thấy việc định hướng nghề nghiệp mới chỉ tiến hành cho bậc học THPT. Thạc sĩ Nguyễn Kim Nương, Văn phòng HĐND tỉnh An Giang, cho rằng phải hướng nghiệp cho các em ngay từ cấp tiểu học vì lên lớp 6 là các em đã nghỉ học.

 

Bà đưa ra con số 21.000 em học sinh bỏ học ở cấp THCS ở tỉnh An Giang năm học 2006-2007. Bà cho biết bố mẹ các em nói rằng: có học lên đại học rồi cũng thất nghiệp, nên thôi nghỉ học bán vé số. Mục tiêu đại học dường như là quá xa với những học sinh nghèo. 

 

Nhưng hướng nghiệp ngay từ khi các em chưa qua bậc tiểu học có thể vấp phải phản ứng từ phía các phụ huynh. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng hướng nghiệp sớm chính là nguyên nhân khiến các em bỏ học sớm để đi làm.

 

Hầu như những người làm giáo dục đều đồng tình rằng: phải hướng nghiệp ngay từ bậc phổ thông nhưng phải hiểu rõ khái niệm hướng nghiệp. Tiến sĩ Lưu Đức Tiến, Phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT TPHCM nói: “Hướng nghiệp hiện nay chỉ là giới thiệu các trường. Thực ra hướng nghiệp là định hướng nghề nghiệp cho người đó, phải mất vài năm chứ không chỉ qua một bài trắc nghiệm mà thôi. Chọn nghề phải đánh giá trên cơ sở phù hợp với khả năng, tính cách và nhu cầu xã hội”. 

 

“Phải xác định hướng nghiệp là làm những việc gì chứ không phải là dạy nghề nào. Phải tránh cho các em nghĩ rằng mình học dở nên phải học nghề”, thầy Dương Minh Kiên, Hiệu trưởng trường trung cấp nghề Quang Trung, nhận định.

 

Giáo sư Nguyễn Thiện Tống, Đại học Bách khoa TPHCM, thì cho rằng không nên định hướng theo kiểu học giỏi hay dở vì có những người phổ thông không giỏi nhưng vào đại học thì rất khá. Vì thế nên định hướng theo lĩnh vực, để các em có thể học lên được. 

 

Chuyện hướng nghiệp sớm dẫu có được quan tâm nhưng rất khó khả thi. Hiện tại, công việc hướng nghiệp được đưa vào chương trình giáo dục cho lớp 9 nhưng việc thực hiện cũng chưa rốt ráo. Thạc sĩ Kim Nương cho biết các trường cấp 2 cũng chẳng quan tâm học sinh sau khi tốt nghiệp sẽ học ở đâu, làm gì. Những người hướng nghiệp cho các em chủ yếu là thầy cô giáo lại làm kiểu cho xong, một phần vì thầy cô cũng không hiểu cụ thể từng nghề nghiệp được. 

 

Thạc sĩ Kim Nương nêu ý kiến: Dùng chính những phụ huynh của các em với từng ngành nghề khác nhau tư vấn cho học sinh của trường. Giáo viên không thể làm tốt công việc này bằng những người làm nghề được…

 

Hiếu Hiền