Các nhà quản lý giáo dục đang quá lạc hậu!

(Dân trí) - Đổi mới giáo dục bằng việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin là con đường, là biện pháp tất yếu và là quan trọng nhất hiện nay mà tất cả các nước đang quan tâm thực hiện. Trao đổi với phóng viên, TS. Quách Tuấn Ngọc- Giám đốc Trung tâm Tin học, Bộ GD-ĐT cho biết:

Toàn cầu hoá, công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, nền kinh tế điện tử…đang làm thay đổi mọi lĩnh vực hoạt động của con người. Sự xuất hiện nền kinh tế toàn cầu hoá và nền kinh tế tri thức đang đưa xã hội loài người tới kỷ nguyên mới, và nó cũng đòi hỏi một hệ thống giáo dục với nội dung giáo dục mới và phương pháp giáo dục mới để sao cho thích nghi được với môi trường xã hội thay đổi và chuyển dịch mô hình theo trục đo lường là chất lượng chứ không phải bằng cấp.

 

Đổi mới giáo dục bằng việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin là con đường, là biện pháp tất yếu và là quan trọng nhất hiện nay. Cụ thể là đổi mới nhận thức và tư duy về CNTT trong quản lý giáo dục, phương pháp dạy và học, chương trình đào tạo mọi ngành…

 

Vì sao trước hết là phải đổi mới nhận thức và tư duy về công nghệ thông tin (CNTT), thưa ông?

 

Chúng tôi còn nhớ tháng 12/1997, Ban CNTT của Bộ ta đi thăm Trung Quốc. Phía bạn có kể lại chuyện đổi mới tư duy: Truớc đây, khẩu hiệu của bạn là “Giáo dục con người toàn diện”. Sau một thời gian, Tổng bí thứ ĐCS Trung Quốc nói: Làm gì có con người toàn diện (tuyệt đối) vì vậy, chúng ta phải đổi mới tư duy, chuyển thành “Giáo dục toàn diện con người. Tư duy thay đổi kéo theo thay đổi vị trí hai từ trong khẩu hiệu và sau đó kéo theo sự đổi mới của cả nền giáo dục TQ về nhiều mặt chủ trương và biện pháp để được hiệu quả hơn và không duy ý chí. Đổi mới tư duy rồi mới đổi mới đến hành động và cách làm.

 

Thưa ông, nếu xét trên góc độ CNTT, những nhà quản lý giáo dục của chúng ta đang đổi mới được đến đâu?

 

Một hiện thực là các nhà quản lý giáo dục của chúng ta cho đến nay thường không bắt kịp sự tiến bộ của công nghệ. Sự lạc hậu thể hiện ở hai phương diện: tư duy quan lý và kỹ năng sử dụng. Trong khi Internet đã trở thành phổ cập đến mức các quán cafe Internet mọc ra như nấm và trẻ em học Internet, học sử dụng máy tính trong nháy mắt, ham mê chatting với cả mớ địa chỉ email trong đầu, thì nhiều nhà quản lý của chúng ta đến giờ vẫn chưa biết dùng Internet, vẫn chưa có địa chỉ email cho riêng mình. Thậm chí, liên lạc giữa Bộ GD-ĐT và các trường, các Sở chủ yếu vẫn là… điện thoại dài dài và nói chuyện dài dài!

 

Một thực tế khác ở Việt Nam, do nhận thức sai lệch của các nhà quản lý: Có nơi tổ chức thi sơ tuyển đầu vào cấp tiểu học bẳng ngoại ngữ và tin học!? Phòng máy tính được quản lý chặt chẽ tới mức chỉ được mở ra ở những giờ có môn tin học. Các giờ khác ngay cả giáo viên tin học cũng không được phép vào! Cho giáo viên tin học đi dạy giáo dục công dân vì thấy thừa!?.. Sự tụt hậu này làm quản lý giáo dục trở nên khá vất vả: thu thập thông tin thủ công, mang tính mệnh lệnh giấy tờ hành chính. Áp dụng CNTT cho quản lý là một con đường đúng và cần đẩy mạnh triển khai.

 

Và con đường đúng này được đấy mạnh triển khai thế nào, thưa ông?

 

Khi tiếp xúc với các đơn vị, chúng tôi sợ nhất là mục mua máy thì nhanh, xây dựng phần mềm và triển khai nhập tin hàng ngày thì lờ đi. Hệ thống máy tính đắt tiền thì thành đống máy chữ!

 

Các công việc cần làm để đổi mới quản lý giáo dục gồm: +Xây dựng hạ tầng cơ sở:- Mạng máy tính nội bộ (LAN) – Mạng truyền thông kết nối giữa các đơn vị ở xa, kết nối Internet - Đăng ký tên miên riêng và thiết lập hệ thống email riêng. + Tin học hoá công tác điều hành hàng ngày: quản lý công văn, theo dõi công việc, lập lịch công tác, lập báo cáo, tổng hợp, trao đổi bằng thư điện tử...

 

Tuy nhiên, trong tất cả các hệ thống mạng thông tin máy tính thì yếu tố con người vẫn là quyết định. Lãnh đạo các cấp không quan tâm tới tin học hoá quản lý thì mạng sẽ “chết”! Vì vậy, các nhà quản lý nên thay đổi cách nghĩ: “bị ép buộc phải dùng” mà nên nghĩ “quyền được hưởng, quyền được dùng”.

 

Mai Minh