TPHCM:

Các trường bán trú “quay” theo bữa ăn của trẻ

(Dân trí) - Vật giá tăng cao đã ảnh hưởng tới bữa ăn của các trường bán trú, buộc lãnh đạo các trường cũng phải “quay” đủ mọi cách để có thể tiết kiệm các chi phí mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ một cách tốt nhất.

Tăng giá suất ăn, thay đổi thực đơn sao cho tiết kiệm mà đảm bảo chất lượng suất ăn… là cách mà nhiều trường tại bán trú tại TPHCM đang áp dụng khi giá cả thị trường đang tăng cao.

Các trường bán trú “quay” theo bữa ăn của trẻ - 1

Nhiều trường bán trú đang xoay xở mọi cách để đảm bảo bữa ăn cho trẻ khi giá cả tăng (Ảnh minh họa)

Từ tháng 3, giá một suất cơm bán trú cho học sinh của Trường tiểu học Nguyễn Khuyến (Q.12) tăng thêm 1.000 đồng, từ 14.000 lên 15.000 đồng. Bà Trịnh Kiều Trang, hiệu trưởng nhà trường cho hay, giá cả thực phẩm tăng từ sau Tết, phía nhà ăn đã phải rất cố gắng cầm cự để không tăng giá. Nhưng đến nay thì không thể cố thêm được nữa, nên trường phải trao đổi với phụ huynh tăng thêm 1.000 đồng để giải quyết khó khăn trước mắt.

Với mức tăng như trên, bà Kiều Trang cho rằng không thấm tháp vào đâu so với giá cả hiện nay. Tuy nhiên, trường vẫn cố gắng hết sức để đảm bảo bữa ăn của trẻ không bị vơi đi. Ngoài ra trường cũng linh hoạt trong thực đơn bữa ăn sao cho tiết kiệm. Ví dụ bữa ăn xế của trẻ thì phần tráng miệng có thể giảm một ít trái cây, hoặc tùy vào giá cả thị trường để chọn mua trái cây thời vụ giá mềm.

“Mọi phương án bây giờ đang mang tính tạm thời chứ không nói trước được sẽ cố được đến bao giờ. Phụ huynh cũng rất thông cảm cho nhà trường”, bà Trang nói.

Tại Trường tiểu học Kim Đồng (Q. Gò Vấp), thực đơn ăn uống của học sinh cũng đang được thay đổi để thích nghi với giá cả. Trong các bữa ăn, các món canh rau nấu với thịt, xương sẽ giảm 1 - 2 bữa trong tuần.

Trước đây, phần ăn tráng miệng của trẻ thường là bánh flan, rau câu, yaourt, giờ trong cơn “bão giá” được thay thế bằng các loại trái cây như chuối, củ sắn... hay nhà bếp dùng trái cây chế biến nước ép cho trẻ.

Bà Phan Thúy Trang, hiệu trưởng nhà trường, khẳng định chất lượng bữa ăn mặn của trẻ với các món chính như tôm, cá, thịt… vẫn được đảm bảo vì các em đang ở tuổi phát triển, không thể để thiếu hụt. Một số thay đổi trong thực đơn như trên không chỉ để “ứng phó” giảm chi phí mà các loại canh ít mỡ thịt, tăng cường trái cây cũng thích hợp hơn cho trẻ trong mùa nóng.

Thời điểm này, trường chưa có ý định tăng giá suất ăn vì không muốn tạo lực cho phụ huynh khi mà nhà trường còn có thể cố gắng.

“Hợp đồng giá suất ăn tại trường sẽ được giữa nguyên hết năm học này như đã ký kết. Nhà trường và nhà bếp sẽ cố gắng khéo sắp xếp, chỉ mong chương trình bình ổn giá ngoài thị trường sẽ ổn định”, bà Trang nói.

Không chỉ về vấn đề thực phẩm, cái khó chồng cái khó của các trường là nhiều mặt hàng thiết yếu khác như nước uống, xà bông… đều tăng. Chi phí hàng tháng của các trường đều đã “dội” lên rất đáng kể.

Nếu các trường tiểu học vẫn còn có thể cố gắng cầm cự thì với yêu cầu về dinh dưỡng của trẻ khắt khe hơn nên các trường mầm non “chóng mặt” hơn khi giá cả tăng. Một số trường đã lập tức phải tăng giá suất ăn lên 2.000 - 4.000 đồng để đảm bảo lượng calo trong ngày cho trẻ theo quy định

Bên cạnh đó, không ít trường, nhất là các trường vùng ven gặp khó khăn trong việc tăng giá nên chất lượng bữa ăn của trẻ khó được giữ vững.

Hiệu trưởng một trường mầm non ở quận Bình Thạnh chia sẻ rằng khi phụ huynh không đồng ý tăng giá thì nhà trường cũng không thể ép buộc vì còn tùy thuộc vào điều kiện từng trường, từng khu vực.

“Tuy nhiên, chúng tôi luôn lưu ý phụ huynh, do lượng calo ở trường bị giảm nên bữa ăn tối phụ huynh nên tăng cường bổ sung cho các cháu. Đây cũng là một cách mà gia đình và nhà trường cùng vượt qua khó khăn”, hiệu trưởng này cho hay.

Hoài Nam