Các trường ĐH sẽ phải lên “bàn cân”

(Dân trí) - Với việc Bộ GD - ĐT chính thức ban hành bộ “Tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trường đại học” do Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) chịu trách nhiệm xây dựng, thì tất cả các trường đại học hiện nay đều phải buộc qua một quy trình kiểm định hết sức ngặt nghèo.

Và kết quả kiểm định này sẽ là một trong những tiêu chí phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh cho mỗi trường.

 

Từ tháng 8/2001, Trung tâm đảm bảo chất lượng đào tạo và nghiên cứu phát triển giáo dục thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội đã “trình làng” 10 tiêu chí đánh giá chất lượng và điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo đại học đề nghị áp dụng trong giai đoạn 2001-2005. Nhưng, 4 năm đã qua gần như trong im lặng.

 

“Tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trường đại học” có 10 tiêu chuẩn được cụ thể hoá thành 41 tiêu chí (TC) gồm: 1. Sứ mạng và mục tiêu của trường ĐH(2TC); 2.Tổ chức và quản lý (5 TC); 3. Chương trình đào tạo(4TC); 4. Các hoạt động đào tạo(5TC); 5. Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên(5TC); 6. Sinh viên (6TC); 7. Nghiên cứu khoa hoc và phát triển công nghệ (4TC); 8. Hợp tác quốc tế (3TC); 9. Thư viện, trang thiết bị học tâp và cơ sở vật chất khác(4TC); 10. Tài chính và quản lý tài chính(3TC)

 

Với  việc xây dựng bộ tiêu chuẩn kiểm định này, Bộ GD-ĐT và các trường đại học có thể quản lý chất lượng đào tạo dựa trên nguyên tắc “bảo đảm các điều kiện để đào tạo đạt kết quả tốt”. Quản lý nhà nước trong đào tạo đại học theo kiểu quản lý hành chính sẽ chuyển sang quản lý theo chất lượng và các cơ sở đào tạo đại học có thể tự quản lý chất lượng đào tạo của mình.

 

Đồng thời với việc xây dựng bộ tiêu chuẩn, Cục kiểm định chất lượng trường giáo dục cũng xây dựng quy trình kiểm định. Theo đó, việc kiểm định chất lượng đào tạo là bắt buộc với tất cả các trường đại học, kể cả những trường ngoài công lập.

 

Việc kiểm định sẽ được thực hiện theo hai hướng : thực trạng của các trường đại hoc  và những mục tiêu mà các trường hướng tới. Theo Cục kiểm định chất lượng trường giáo dục, việc thực hiện theo hai hướng này nhằm vừa đáp ứng được mục tiêu đánh giá công nhận các trường đạt chuẩn chất lượng, vừa khuyến khích các trường tiếp tục nâng cao cất lượng. Mỗi tiêu chí trong 10 tiêu chuẩn trên đều đo bằng hai mức “đạt” và “tốt”. Kết quả kiểm định của từng trường được kiểm tra, đánh giá sau thời gian từ 4 đến 5 năm và  sẽ được công bố rộng rãi, công khai.

 

Như vậy, người học là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất khi thực hiện quy trình này vì họ sẽ có được những thông tin rõ ràng, minh bạch đã được đánh giá khoa học và thống nhất về chất lượng đào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo  của trường đại học đó để chọn lựa, không bị rơi vào tình trạng lựa chọn cảm tính như lâu nay. Còn về phía các trường, bộ tiêu chuẩn này sẽ là động lực để các trường xây dựng thương hiệu cho mình.

 

Mai Minh