Các trường không công khai kết quả sinh viên đánh giá giảng viên

(Dân trí) - Vào học kỳ II năm học này, Bộ GD-ĐT yêu cầu tất cả các trường ĐH, CĐ đều triển khai việc sinh viên đánh giá giảng viên qua các môn học. Tuy nhiên, việc công khai kết quả mà sinh viên đánh giá giảng viên thì các trường không đồng ý.

Các trường không công khai kết quả sinh viên đánh giá giảng viên - 1
Sinh viên đánh giá môn học của giảng viên: (Ảnh: LAD) 
 
Ông Lê Trọng Thắng, trưởng phòng đào tạo ĐH Mỏ - Địa chất cho biết: “Hiện trường đã triển khai việc sinh viên đánh giá giảng viên ở một số lớp và nhận thấy rất hiệu quả. Tuy nhiên, khi triển khai vấn đề đánh giá này nhiều giảng viên đã phản ứng vì không có thói quen và ngại ngùng cho rằng học trò không được đánh giá thầy. Tôi thấy cũng đúng vì ý kiến của sinh viên có cái đúng, có cái sai, rất phức tạp.

Do vậy, kết quả đánh giá này không công khai cho sinh viên mà chỉ nên công khai trong nội bộ giảng viên và lãnh đạo trường vì các thầy vẫn đang làm việc. Nhưng theo tôi việc đánh giá này cần làm thường xuyên và quyết liệt hơn nữa và giảng viên hãy cho đây là vịêc làm bình thường. Vì mục tiêu của việc sinh viên đánh giá giảng viên giúp cho các thầy cô biết được những hạn chế của mình để tự điều chỉnh khắc phục chứ không phải là đánh giá thầy cô này như thế nào”, ông Thắng cho hay.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Luật Hà Nội cho rằng: “Không nên nói đánh giá giảng viên mà nên chỉ nên nói là phản hồi thì đúng hơn vì việc sinh viên phản hồi về phương pháp, nội dung thầy giáo giảng chỉ là một kênh để đánh giá giảng viên. Theo tôi không nên công khai kết quả phản hồi này cho sinh viên mà chỉ nên công khai cho giảng viên biết những mặt mạnh, hạn chế của giảng viên đó để họ tự khắc phục nhưng phải có thái độ cầu thị”.

Ông Hoà cũng chia sẻ: “Nếu các trường công khai kết quả này, tôi cho rằng phải thận trọng vì nhiều khi công khai sẽ bị phản tác dụng thông tin. Việc đánh giá này chỉ công khai cho đồng nghiệp và lãnh đạo biết là đủ. Việc đánh giá giảng viên, trường ĐH Luật Hà Nội sẽ làm đồng bộ theo đúng quy trình và theo tiêu chí thống nhất từ phản hồi của người học, của đồng nghiệp, của lãnh đạo”.

Với kinh nghiệm 2 năm thực hiện sinh viên đánh giá giảng viên. Ông Nguyễn Cảnh Lương, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Việc lấy ý kiến sinh viên đánh giá giảng viên, trường thấy sinh viên hoàn toàn đồng tình và nhận xét rất có ý thức, thể hiện tính dân chủ, giáo viên cũng rất thoải mái tiếp nhận. Hơn nữa, do sinh viên học theo tín chỉ nên rất khó công khai. Theo tôi, chỉ giảng viên và lãnh đạo trong trường biết kết quả đó và tự giáo viên chỉnh sửa những hạn chế của mình.

Theo thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý, việc sinh viên đánh giá giảng viên là một trong những biện pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng và đánh giá quản lý giáo dục đại học. Theo đó, bắt đầu từ 5/2010, các giảng viên cũng sẽ tham gia đánh giá hoạt động của lãnh đạo trường; các trường ĐH,CĐ tham gia đánh giá chỉ đạo, quản lý của Bộ GD-ĐT, Bộ chủ quản và UBND tỉnh, thành phố nơi trường đóng.

Hồng Hạnh