Các trường tự phong hàm GS, PGS: Không thỏa đáng với các nhà khoa học chân chính

Nhấn mạnh sự khác nhau về đặc điểm và cách thức quản lý giữa hệ thống giáo dục đại học trong và ngoài nước, PGS.TS Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng việc giao cho các trường tự phong hàm GS, PGS cần chọn thời điểm thích hợp, chưa nên thực hiện ngay lúc này.


PGS.TS Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

 

PGS.TS Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

 

PV: Nhiều ý kiến so sánh việc phong GS, PGS ở các nước tiên tiến là do trường đại học tự thực hiện. Vậy theo bà, Việt Nam có nên triển khai theo xu hướng này?

PGS.TS Nguyễn Thanh Hải: Ở nước ngoài GS, PGS thường gắn liền với tên tuổi của trường đại học nơi họ được công nhận. Thậm chí có cả những sinh viên mới ra trường nhưng đạt thành tích đặc biệt xuất sắc thì cũng được xem xét  công nhận chức danh GS, PGS của trường đại học. Chức danh này không phụ thuộc vào tuổi tác và có thể đặc cách hoặc theo những tiêu chí riêng của mỗi trường. Có những GS chỉ công tác nửa năm, một năm, nhưng không đạt yêu cầu thì trường có thể mời GS khác thay thế.

Các trường tự phong hàm GS, PGS: Không thỏa đáng với các nhà khoa học chân chính - 2

Trường ĐH Tôn Đức Thắng “tự phong” GS, PGS gây xôn xao dư luận thời gian qua

Điều này đồng nghĩa với chức danh GS không phải tồn tại mãi mãi như ở Việt Nam. Với nước ta, hệ thống quản lý giáo dục khác với các nước, chức danh GS, PGS do Nhà nước phong tặng cũng có ý nghĩa khác với GS của các trường đại học nước ngoài. Bởi vậy việc giao tự chủ cho các trường là quan điểm đúng, nhưng để các trường tự phong hàm GS, PGS thì phải cân nhắc thời điểm nào thực hiện cho phù hợp.

Vậy bà đánh giá thế nào trước ý kiến cho rằng quy trình công nhận và bổ nhiệm chức danh GS, PGS hiện nay mang tính độc quyền?

Quy trình công nhận và bổ nhiệm chức danh GS, PGS của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) bắt nhập xu hướng chung nên đã được thay đổi để nâng dần tính tự chủ của các trường đại học. Hội đồng chỉ công nhận các ứng viên có đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh GS, PGS hay không, còn việc bổ nhiệm chính thức thì do các trường đại học quyết định. Các trường tùy theo nhu cầu của mình có thể đồng ý hoặc không đồng ý bổ nhiệm các ứng viên này.

Quy trình này dành cho các trường một phần tự chủ nhưng thực tế, chỉ trường đại học lớn, có thương hiệu mới được hưởng lợi. Các trường quy mô nhỏ hơn, ít tiếng tăm, ở địa bàn không thuận lợi… khó có thể mời được GS, PGS về trường mình?

Tôi hoàn toàn hiểu vấn đề khó khăn của các trường đại học này. Rõ ràng ở nước ngoài, việc tự phong GS, PGS có ưu điểm là xây dựng được một đội ngũ chuyên môn cao, phù hợp với nhu cầu, định hướng riêng của mỗi trường đại học. Ở Việt Nam, việc các nhà khoa học, GS, TS khi đạt được học hàm, học vị như vậy thì tất yếu sẽ tìm đến những trường danh tiếng, có điều kiện thuận lợi để họ nghiên cứu, phát triển.

Các trường không phải là chất lượng kém mà có thể là nằm ở vị trí địa lý không thuận lợi cũng không thể thu hút nhà khoa học. Nếu được tự chủ phong GS, PGS, các trường hoàn toàn có thể tìm được những người phù hợp với đặc điểm riêng của trường. Tuy nhiên, với kinh nghiệm là người đã công tác trong ngành giáo dục, là đại biểu Quốc hội, việc để các trường tự phong GS, PGS ở thời điểm này thì chưa thể yên tâm.

Bà có thể nói rõ hơn lý do vì sao chưa thể yên tâm giao cho các trường?

Hiện nay hệ thống giáo dục đại học của nước ta chưa được phân cấp, phân tầng rõ ràng. Chất lượng chuyên môn, đào tạo cũng không đồng đều. Nếu cùng tồn tại song song hai chức danh GS, PGS do Nhà nước phong tặng và chức danh GS, PGS do các trường tự phong sẽ dẫn tới nhầm lẫn. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tâm tư của các nhà khoa học chân chính.

Vậy làm sao có thể giải quyết vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên ở các trường thiếu những điều kiện thuận lợi?

Tôi cho rằng cần có sự quy hoạch lại hệ thống các ngành với quy định tương xứng về chỉ tiêu GS, TS. Làm sao để tránh tình trạng tập trung quá đông nguồn lực các nhà khoa học vào một ngành, một trường. Việc điều chỉnh chính sách phải theo hướng dịch chuyển cơ cấu các nhà khoa học tham gia vào các cơ sở đào tạo để nâng cao chất lượng giáo dục đại học cả nước. Việc tự chủ phong hàm GS, PGS nếu xét theo ý nghĩa này thì phần nào đáp ứng được yêu cầu nhưng tôi vẫn khẳng định là chưa thể triển khai việc để các trường tự phong hàm GS, PGS vào thời điểm hiện tại khi chưa có sự chuẩn bị đầy đủ.

Xin cảm ơn bà!

GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH DL Hải Phòng: Chỉ có 1, 2 GS, TS mà thành lập Hội đồng phong GS là không hợp lý

Các trường tự phong hàm GS, PGS: Không thỏa đáng với các nhà khoa học chân chính - 3

Để các trường tự chủ trong việc công nhận, bổ nhiệm chức danh GS, PGS hiện nay là không phù hợp. Nhất là khi các giảng viên trẻ, chưa nhiều người có học hàm, học vị mà đứng lên để thành lập Hội đồng phong chức danh GS, PGS là rất bất hợp lý. HĐCDGSNN  hiện nay vẫn đảm nhận tốt vai trò đánh giá chất lượng, đảm bảo mặt bằng chung về trình độ GS, PGS của các trường đại học trong cả nước.

Do vậy các trường hoàn toàn có thể lựa chọn bổ nhiệm GS, PGS phù hợp với yêu cầu của mình dựa vào một đội ngũ đã được công nhận chất lượng ở cấp độ quốc gia.

Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội: Quy định cụ thể để hạn chế tiêu cực

GS, PGS là các chức danh khoa học cao quý của các nhà giáo trong hệ thống giáo dục quốc dân. Ngày 31-12-2008, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ban hành Quy định về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS.

Tiếp theo đó, Thủ tướng Chính phủ lại ban hành Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định này, trong đó ghi rõ: Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, có trách nhiệm xét công nhận hoặc hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS.

Cũng theo các văn bản trên, để được phong hàm GS, PGS người được phong hàm đều phải có những tiêu chuẩn và quá trình bổ nhiệm theo quy định. Mặc dù Luật Giáo dục đại học không cấm các trường tự phong GS, PGS và trong thực tế, việc tự phong GS khá phổ biến ở nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến. Tuy vậy, tại các nước này, chức danh GS luôn được đi kèm tên trường chứ không chung chung như tại Việt Nam.

Việc các trường tự bổ nhiệm chức danh GS, PGS có thể là quyền tự chủ của các trường. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, việc thí điểm ở một trường với chất lượng giảng dạy và học tập không phải hàng đầu như  Đại học Tôn Đức Thắng cần phải cân nhắc kỹ nhằm đảm bảo tính công bằng, minh bạch.

Bên cạnh đó, GS, PGS là chức danh của các nhà giáo đang giảng dạy, đào tạo trình độ ĐH, Thạc sỹ, Tiến sỹ…, là chức danh khoa học cao nhất của nhà giáo.

Nếu các trường đồng loạt áp dụng mô hình của Đại học Tôn Đức Thắng thì chẳng mấy chốc, số lượng GS, PGS sẽ phát triển tới mức khó kiểm soát được, vô tình đánh đồng về trình độ, năng lực giữa GS các trường tự phong và GS do Nhà nước phong tặng.

Từ trước đến nay, GS, PGS là những chức danh rất vinh dự, cao quý với quy trình, thủ tục phong tặng khá chặt chẽ. Trước khi cho phép các trường đại học tự phong tặng các chức danh này, cơ quan có thẩm quyền cần ban hành các văn bản pháp luật quy định cụ thể và chi tiết về vấn đề này nhằm đảm bảo tính thống nhất.

Như vậy cũng tránh được tình trạng mỗi trường thực hiện một kiểu và hạn chế các hiện tượng tiêu cực như một số cá nhân sẽ sử dụng chức danh này để phô trương, quảng bá tên tuổi nhằm mục đích xấu.

Theo An ninh Thủ đô