Bài dự thi Ký ức học đường:

Cái tát

Đó là một buổi sáng đầu tháng 5 năm 1966. Sau một đêm thức trắng cùng đội du kích địa phương làm nhiệm vụ chiến đấu đánh tàu chiến Mỹ thả biệt kích, sáng hôm ấy, tôi lên lớp như một người mất hồn. Đầu đau như búa bổ. Mắt tối sầm lại, thân mình uể oải, mỏi nhừ như rã ra.

Tôi đang giảng bài thì em Úy trêu chọc bạn rồi cười ầm lên. Tôi bảo em yên lặng nhưng không nhịn được cười, Úy lại cười phá lên, reo to hơn. Thế là tôi tát một cái vào má trái của Úy. Úy tái mặt. Cả lớp cúi sầm mặt xuống. Vốn đã quá mệt, tôi như hoa mắt lên, ngồi khuỵ xuống ghế. Lớp học im lặng kéo dài. Bốn bề chỉ có tiếng gió thổi. Lá tràm, lá phi lao khô bay vèo theo chiều gió, bay qua bờ luỹ tràn vào lớp học.

 

Bỗng một học sinh hét to lên: “Máy bay! Máy bay!” Cả lớp bật lên như một cái lò xo. Tôi cũng bình tĩnh lại và nhanh chóng chỉ huy học sinh chạy vào các hầm chữ A. Mấy loại bom nổ chỉ cách lán học hơn năm trăm mét. Lượn vòng rồi bốn chiếc phản lực bay ra phía biển. Mười giờ. Tôi vội vàng cho học sinh nhanh nhẹn phân tán theo các ngả giao thông hào quy định để ra về.

 

Ba giờ chiều hôm đó, trong lúc tôi đang dạy thay cho một giáo viên thì một tốp máy bay đến ném bom vào vùng bờ biển phía nam của xã cách lán học tôi đang dạy hơn một cây số. Bom Mỹ đã giết hại năm người trong đó có em Úy học sinh lớp tôi. Ngay từ khi biết tin đó, hình ảnh Úy hiện lên trước mắt tôi. Tôi cho học sinh ra về và lao ngay đến nhà Úy. Úy nằm trên một chiếc chiếu và đắp một chiếc chiếu mỏng. Hai bàn chân Úy vàng nhợt và dính đầy máu.

 

Đau đớn và cả sự sợ hãi nữa ập đến với tôi. Tôi chạy như bay về nhà trọ ăn cơm tối để lại ra chiến hào cùng trung đội du kích. Từ hôm đó và cả đến mấy tháng sau, lúc nào tôi cũng thấy hình ảnh của Úy với cái tát của tôi và đôi bàn chân vàng dính đầy máu. Ban ngày thì ít thấy. Ban đêm càng thấy nhiều. Hình ảnh Úy cứ ám ảnh tôi. Nỗi đau đớn, sợ hãi, dằn vặt, hối hận, tiếc thương... cứ xoáy vào lòng tôi.

 

Và mỗi lần nghĩ như thế, hình ảnh Úy lại hiện về. Đôi mắt Úy vẫn nhìn tôi với vẻ sợ hãi, ăn năn, không chút giận hờn. Vốn dĩ đôi mắt của Úy rất hiền lành. Và thực chất, trong sâu thẳm lòng mình, tôi cũng chỉ mong Úy nhìn tôi với đôi mắt dịu hiền như thế để phần nào làm khuây khoả phần nào nỗi đau mất trò, nỗi hối hận lỗi lầm về một cái tát.

 

Nỗi ám ảnh ấy và hình ảnh Úy vẫn đi suốt cuộc đời làm thầy giáo của tôi.

 

Trần Hải Hồng

Thôn Trung Nghĩa - Thạch Thắng

Thạch Hà - Hà Tĩnh