Cái tát... nhẹ

Trong giờ học văn của lớp 9/7 Trường THCS Phú Mỹ, Q. Bình Thạnh, cô giáo N.T.H đề nghị học sinh lấy giấy ra làm bài kiểm tra. Ở một góc lớp vẫn lao xao trong khi cô giáo viết đề lên bảng.

Cô giáo H. quay lại thì thấy học sinh L.C.T đang loay hoay dưới lớp. Cô la học sinh T. đã làm mất trật tự trong lớp. T. trả lời là không phải em. Bực tức, cô đã “tát nhẹ vào má T.” vì cho là em đã vô lễ, cãi lời cô và đuổi T. ra khỏi lớp. Bị oan, em học sinh này gạt cô giáo qua một bên để chạy ra ngoài. Hành động bất ngờ này làm cô giáo loạng choạng suýt té.

 

Kết quả là học sinh L.C.T bị kỷ luật cảnh cáo toàn trường. Giáo viên cũng bị nhắc nhở vì đã “tát nhẹ” học trò. Sự việc này gây bất ngờ cho nhiều người vì L.C.T vốn không phải là học sinh cá biệt và cô giáo H. là giáo viên có chuyên môn vững, đã dẫn dắt đội tuyển học sinh giỏi văn của trường đạt được thành tích cao.

 

Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thu Thủy, hiệu trưởng nhà trường, cho rằng: Về nguyên tắc, giáo viên không được phép đánh học trò nhưng vì trách nhiệm, lương tâm, muốn hoàn thành tốt tiết học nên khi thấy các em thiếu tập trung trong giờ học, giáo viên bức xúc và đã cư xử quá tay.

 

Tuy nhiên, chính cư xử quá tay của cô giáo đã có tác dụng ngược và đẩy sự việc đi quá xa. Lẽ ra khi khiển trách đúng thì học sinh sẽ ăn năn hối cải và ngoan ngoãn nghe lời cô.

 

Thiết nghĩ, đây là một trường hợp cụ thể về cách cư xử với học sinh mà mỗi giáo viên cần suy nghĩ để rút kinh nghiệm cho sự nghiệp trồng người của mình.

 

Theo Diệu Hằng

Người Lao Động