Cấm học sinh đi xe máy: Phụ huynh và học sinh nói gì?

(Dân trí) - Ngày mai 2/2, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ tổ chức Hội nghị hiệu trưởng các trường THPT để bàn biện pháp cấm học sinh đi xe máy tới trường. Liệu có chấm dứt được tình trạng này? Dưới đây là ý kiến của học sinh và phụ huynh.

“Mặc dù chúng em chưa đến tuổi đi xe máy nhưng em nghĩ không nên cấm vì không phải học sinh nào cũng lạng lách. Nếu cấm, các bạn nhà xa phải đi xe buýt nhưng có phải lúc nào xe buýt cũng đúng giờ đâu, nếu tắc đường là chúng em muộn học” - Em Nguyễn Thạc Ân, học sinh lớp 10A2 trường THPT Hà Nội - Amsterdam bày tỏ.

 

Không nên cấm đi xe máy - Ngô Hoàng Nam, học sinh lớp 10A2, trường THPT Trần Phú, Hà Nội

 

Nhà em ở phố Hàng Mắm nên có thể thong thả đi xe đạp đến trường. Hiện thành phố cấm học sinh không được đi xe máy, nhưng theo em thì không nên, vì có 2 lý do:

 

Thứ nhất, nhiều bạn nhà xa, bố mẹ lại không có thời gian đưa đón đến trường nên sẽ rất vất vả trong việc đi lại. Nhiều hôm sáng học ở trường, chiều lại phải đi học thêm, nếu mà đi xe đạp thì sẽ rất mệt.

 

Thứ hai, học sinh chúng em nhiều bạn đi xe cũng rất cẩn thận, đúng luật, không lạng lách, chỉ một vài bạn là đi theo kiểu đó nên đã gây ra sự ác cảm với người lớn.

 

Vậy nên, em muốn thành phố không nên cấm học sinh đi xe máy.

 

Cấm lớp 10, còn lớp 11 - 12 thì cho đi - Nguyễn Văn Tùng, lớp 10CB5 trường THPT Việt Đức

 

Khi em vào cấp III, gia đình em đã dự định mua xe máy cho em đi để bố mẹ đỡ vất vả. Nhưng khi nhà trường cấm học sinh không được đi xe máy thì lại tăng thêm nỗi lo cho gia đình em. Thành phố và nhà trường nên có biện pháp hướng dẫn và mở lớp học giao thông cho chúng em hiểu đúng luật chứ không nên cấm. Thậm chí nếu có cấm thì chỉ cấm học sinh lớp 10 thôi, chứ lên lớp 11, 12 thì nên cho đi vì lúc đó chúng em đã lớn hơn và việc học cũng nhiều hơn, cần phải có xe máy để đi học thêm, ôn thi ở ngoài.

 

Cấm học sinh đi xe máy: Phụ huynh và học sinh nói gì? - 1

Xe đạp cũng lạng lách chứ không chỉ xe máy - Bà Nguyễn Thị Dưỡng, phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy

 

Con tôi học ở trường THPT Xuân Đỉnh, cách nhà 7km, cả năm lớp 10 nó đi xe đạp nhưng đến năm lớp 11 này tôi thấy nó đi học vất vả quá. Buổi sáng đi học về đến nhà là 12h trưa, chỉ kịp ăn cơm xong, 1h lại đi học thêm buổi chiều, không có thời gian nghỉ ngơi.

 

Gia đình đã mua cho cháu xe máy để đi học cho đỡ vất vả nhưng khi thành phố quy định cấm học sinh đi xe máy thì chúng tôi sẽ chấp hành.

 

Nhưng theo tôi khi cấm, thành phố phải tăng lượng xe buýt vì hiện nay xe buýt cũng quá tải; tăng cường dạy luật giao thông trong trường học và tuyên truyền nhiều hơn nữa cho học sinh hiểu vì hiện nay học sinh đi xe đạp cũng đua, lạng lách chứ không chỉ riêng gì xe máy!

 

Xây dựng đội xe đưa đón học sinh - Ông Nguyễn Văn Lĩnh, Phòng 407 D5, Thanh Xuân Bắc, Hà Nội

 

Tôi hoàn toàn đồng tình với việc thành phố có chủ trương cấm học sinh đi xe máy. Trước hết là để hạn chế tai nạn cho chính các em và sau đó là để giảm thiểu nạn ùn tắc trong giờ cao điểm.

 

Tuy nhiên, nếu cấm các em đi xe máy thì cũng phải nghĩ đến việc các em sẽ đi bằng gì đến trường? Bản thân chúng tôi không thể hàng ngày đưa đón con em mình được. Thêm một lí do nữa là hầu như sau giờ học chính khóa, các em đều tiếp tục học thêm, mà các lớp học thêm thì không phải lúc nào cũng ở trong trường; nên nếu một ngày các em phải đạp xe đi lại như vậy thì quả thật sẽ rất mệt.

 

Xe buýt cũng là một sự lựa chọn thay thế xe máy, nhưng nó chỉ phát huy tác dụng nếu nhà và trường học thuận đường, không mất thời gian chuyển tuyến hay đi vòng vòng.

 

Tôi nghĩ đã đến lúc các trường phải nghĩ đến việc xây dựng đội xe đưa đón học sinh cho riêng trường mình (hoặc kết hợp với trường lân cận trong khu vực), quy định các điểm đón/ trả học sinh (như một số trường chất lượng cao đã làm), có như vậy chủ trương cấm học sinh đi xe máy mới thực hiện được.

 

Hồng Hạnh
(Thực hiện)