Cam kết thúc đẩy giáo dục vì sự phát triển bền vững

(Dân trí) - Hơn 70 đại biểu đại diện cho các nhà quản lý, giáo viên/hướng dẫn viên và người học của Trung tâm học tập cộng đồng đến từ 10 tỉnh, thành phố trên cả nước, từ Bộ GD&ĐT, Hội Khuyến học Việt Nam, các Viện Nghiên cứu và các đại biểu từ Lào và Campuchia đã cam kết thúc đẩy giáo dục vì sự phát triển bền vững thông qua Trung tâm học tập cộng đồng.

Ngày 7/10, Hội nghị quốc tế “Thúc đẩy Giáo dục vì sự phát triển bền vững thông qua các Trung tâm học tập cộng đồng” tại thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) đã kết thúc, Hội nghị đã ra cam kết tiếp tục đẩy mạnh Giáo dục vì sự phát triển bền vững thông qua Trung tâm học tập cộng đồng.

Hội nghị xác định: Đổi mới giáo dục để xây dựng xã hội học tập bền vững cần đề cao/coi trọng vai trò chủ yếu của việc học tập ở cộng đồng. Học tập suốt đời thông qua Trung tâm học tập cộng đồng cần phải được tiến hành trên cơ sở hợp tác và phối kết hợp chặt chẽ của tất các các ban, ngành, đoàn thể, tất cả các lực lượng trong xã hội nhằm góp phần thực hiện Chương trình hành động Giáo dục về phát triển bền vững toàn cầu đến năm 2030 và để đạt được mục tiêu số 4 về Giáo dục trong Chương trình nghị sự về phát triển bền vững đến năm 2030.

Chúng tôi đều nhận thức được vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục và học tập suốt đời đối với sự phát triển bền vững của các quốc gia nói chung và của từng cộng đồng nói riêng. Trung tâm học tập cộng đồng chính là nơi cung cấp các hình thức học tập và các cơ hội phát triển khác nhau thông qua giáo dục xóa mù chữ, giáo dục xóa đói, giảm nghèo/tăng thu nhập, giáo dục công dân, giáo dục bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường và giáo dục các vấn đề văn hóa-xã hội khác ở cơ sở. Điểm mạnh của Trung tâm học tập cộng đồng trong việc cung cấp các chương trình giáo dục và học tập phù hợp với thực tế của địa phương, với văn hóa, ngôn ngữ của người học, đặc biệt là cho đối tượng thanh niên và người lớn cần được phát huy hơn nữa.

Các đại biểu khẳng định rằng Trung tâm học tập cộng đồng đã và đang đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy Giáo dục vì sự phát triển bền vững và xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam. Tuy nhiên, các Trung tâm học tập cộng đồng hiện nay còn phải đối mặt với nhiều thách thức để có thể đáp ứng các nhu cầu của địa phương. Để thúc đẩy Giáo dục vì sự phát triển bền vững ở cơ sở, cần thiết và cấp bách phải duy trì, củng cố Trung tâm học tập cộng đồng về mọi mặt để trở thành một mô hình của phát triển cộng đồng bền vững.


Các đại biểu tham dự hội nghị

Các đại biểu tham dự hội nghị

Với tư cách của tập thể và cá nhân, các đại biểu cam kết sẽ thúc đẩy và triển khai 6 hành động sau:

1. Đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền và nâng cao nhận thức về ý nghĩa của Giáo dục vì sự phát triển bền vững thông qua Trung tâm học tập cộng đồng và vai trò của Trung tâm học tập cộng đồng trong việc thúc đẩy Giáo dục vì sự phát triển bền vững;

2. Khuyến khích sự làm chủ của cộng đồng và hoàn thiện cơ chế quản lý phù hợp bảo đảm Trung tâm học tập cộng đồng hoạt động có chất lượng, hiệu quả và bền vững, thực sự trở thành một trường học suốt đời của người lớn, một Trung tâm thông tin-tư vấn góp phần phát triển cộng đồng bền vững.

3. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ và giáo viên của Trung tâm học tập cộng đồng bảo đảm chất lượng và hiệu quả của Giáo dục vì sự phát triển bền vững nhằm thu hút ngày càng nhiều người dân đến học tập tại Trung tâm học tập cộng đồng, đặc biệt các nhóm đối tượng thiệt thòi (phụ nữ, người nghèo, người dân tộc, người khuyết tật và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn).

4. Triển khai 5 chương trình giáo dục thường xuyên tại Trung tâm học tập cộng đồng có chất lượng và hiệu quả (Chương trình Giáo dục pháp luật; Giáo dục phát triển kinh tế-tăng thu nhập: Giáo dục bảo vệ sức khỏe; Giáo dục văn hóa-xã hội và Giáo dục bảo vệ môi trường theo Thông tư số 26/2010/TT-BGDĐT ngày 27/10/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhằm cung cấp cho người dân những kiến thức, kỹ năng cơ bản để phát triển bền vững cộng đồng của mình.

5. Tăng cường mạng lưới liên kết, phối hợp để huy động nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài lực, tin lực) nhằm thúc đẩy Giáo dục vì sự phát triển bền vững thông qua Trung tâm học tập cộng đồng;

6. Hỗ trợ và chia sẻ những kinh nghiệm tốt trong triển khai Giáo dục vì sự phát triển bền vững ở cơ sở thông qua việc thiết lập mạng lưới các TTHTCĐ trong bối cảnh học tập suốt đời cho mọi người (trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn, người già, người bị thiệt thòi.v.v…);

Để thúc đẩy Giáo dục vì sự phát triển bền vững ở cơ sở và tăng cường hơn nữa vai trò của các TTHTCĐ trong việc thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập và phát triển cộng đồng bền vững, các đại biểu đề xuất các khuyến nghị sau với Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, Ngành có liên quan và lãnh đạo địa phương các cấp, quan tâm hơn nữa đối với Giáo dục vì sự phát triển bền vững ở cơ sở. Giáo dục người lớn phải được coi là một bộ phận giáo dục ngày càng quan trọng của hệ thống giáo dục quốc dân. Đổi mới giáo dục để xây dựng xã hội học tập bền vững cần phải coi trọng học tập suốt đời của người lớn tại cộng đồng;

Tiếp tục hoàn thiện các cơ sở pháp lý và các chính sách phù hợp nhằm duy trì, củng cố và phát triển bền vững các TTHTCĐ;

Xây dựng cơ chế phối, kết hợp có hiệu quả để huy động nguồn lực hỗ trợ các hoạt động Giáo dục vì sự phát triển bền vững ở cơ sở;

Đảm bảo có ít nhất một cán bộ thường trực chuyên trách cho mỗi TTHTCĐ để chịu trách nhiệm về các công việc hằng ngày ở Trung tâm, bao gồm lập kế hoạch, triển khai thực hiện các hoạt động giáo dục vì sự phát triển bền vững ở THTCĐ;

Nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý, cán bộ, giáo viên/ hướng dẫn viên của TTHTCĐ về Giáo dục vì sự phát triển bền vững bằng cách biên soạn các tài liệu tập huấn có liên quan và tổ chức tập huấn cho họ. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ của Trung tâm học tập cộng đồng là yếu tố có ý nghĩa quan trọng bảo đảm số lượng và chất lượng của Giáo dục vì sự phát triển bền vững ở cơ sở.

Hồng Hạnh