“Cám ơn 1 triệu anh hùng của thời đại mới”

(Dân trí) - Năm 2007, một năm ngành giáo dục có một mùa hè không nghỉ khi tỷ lệ tốt nghiệp THPT tụt gần 30% so với thông lệ và toàn ngành nóng bỏng trong một cục diện mới. Rất nhiều trăn trở và sẻ chia trong lá thư dài gần 4.000 từ mà Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân vừa gửi chúc mừng các thầy cô giáo nhân ngày 20/11.

Da diết và chân thành, lá thư của Bộ trưởng Nhân luôn có những lời cảm ơn trân trọng nhất: “Xin cảm ơn 1 triệu thầy cô giáo khắp mọi miền đất nước, xin cảm ơn 80 vạn thầy cô đã nghỉ hưu mà lòng còn nặng trĩu với sự nghiệp trồng người.

Chính các thầy cô đã góp phần rất quan trọng tạo nên vóc dáng, khí phách, ý chí và trí tuệ của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20... Các thầy cô hãy tiếp tục vượt khó, cống hiến như những người anh hùng trong thời đại mới”.

Và lời cảm ơn của người đứng đầu ngành Giáo dục gửi tới các bậc cha mẹ học sinh: “Chân thành cảm ơn các bậc cha mẹ học sinh, sinh viên đã ủng hộ cuộc vận động “Hai không” của ngành, mà năm học này có thêm 2 nội dung: Nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc học sinh ngồi sai lớp. Đó cũng chính là vì tương lai của các em học sinh, sinh viên, vì tương lai của dân tộc”.

“Chất lượng yếu kém thuộc về trách nhiệm ngành giáo dục trong nhiều năm qua và hôm nay

Có thể nói, kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên của cuộc vận động “Hai không” và câu hỏi phải làm gì để nâng cao chất lượng giáo dục đã chiếm mối quan tâm đặc biệt nhất của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân.

“Ngành giáo dục thật vui, khi đã bắt đầu làm được lời hứa với Đảng, Chính phủ và nhân dân: Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Nhưng cả ngành giáo dục đều day dứt, tuy không quá bất ngờ trước kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Không phải 93% tốt nghiệp như năm 2006 mà là 66,6%. Không phải cứ 14 em đi thi thì 13 em đậu, 1 em rớt, mà là cứ 3 em đi thi, 1 em rớt. Có 6 tỉnh miền núi, cứ 10 em đi thi chỉ đậu 2 đến 3 em. Có 12 tỉnh tỷ lệ đậu dưới 50%. Suy cho cùng thì trách nhiệm lớn nhất của thực tế chất lượng yếu kém này thuộc về ngành giáo dục trong nhiều năm qua và hôm nay”.

Không chỉ trăn trở với chất lượng ở các lớp cuối cấp, mà ở tất cả các lớp dưới, theo ông Nhân, “nguy cơ chất lượng thật thấp hơn điểm số cũng rất lớn”. Chính vì thế mà ngành giáo dục có một mùa hè 2007 không nghỉ với các lớp bồi dưỡng, ôn tập cho các em học sinh yếu kém. Và sự nỗ lực, hy sinh của các thầy cô giáo, sự nỗ lực của các em học sinh, sự chia sẻ của gia đình đã mang lại kết quả đáng khích lệ cho toàn ngành.

Bộ GD-ĐT nhận lỗi trước các thầy, cô

Phòng học tạm bợ, nhà công vụ cho giáo viên khó khăn, chất lượng giáo viên, phương pháp học tập của học sinh, sinh viên tiếp tục là nối băn khoăn trăn trở trong mạch suy tư của Bộ trưởng. Vì thế, ông viết:

“Ngành giáo dục chúng ta bước vào năm học mới với một cục diện mới. Nhân dân tin chúng ta hơn, xã hội đồng lòng với ngành là cần phải dạy tốt hơn, học tốt hơn, chăm lo cho giáo dục thiết thực hơn. Nhưng các khó khăn, yếu kém của ngành không thể khắc phục trong ngày một ngày hai...”

Hàng trăm ngàn phòng học thiếu thốn, tạm bợ; hàng chục ngàn nhà ở công vụ cho giáo viên ở các vùng núi, vùng khó khăn… “Chúng ta sẽ còn phải chịu đựng 10 năm hoặc lâu hơn nữa việc trường chưa ra trường, lớp chưa ra lớp cho đến khi tất cả phòng học đã được kiên cố hóa, không còn phòng học 3 ca, học nhờ, học tạm. Trong bối cảnh đó, chất lượng và lương tâm của thầy cô giáo và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục”.

Trước sự hy sinh của những giáo viên cắm bản ở vùng sâu, vùng xa, Bộ trưởng viết: “Bộ Giáo dục và Đào tạo có lỗi với các thầy giáo, cô giáo đã công tác ở miền núi, ở vùng khó khăn vốn không phải là quê nhà mà không được trở về vùng thuận lợi hơn sau khi đã hoàn thành trách nhiệm của mình: thầy giáo phục vụ 5 năm, cô giáo phục vụ 3 năm.

Năm học này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm việc với Bộ Nội vụ, với các tỉnh, thành phố để thiết kế cơ chế, chính sách đảm bảo cho mỗi nhà giáo phải làm tròn bổn phận nghề nghiệp của mình, nhưng cũng được hưởng quyền lợi chính đáng”.

Sự trưởng thành của học sinh là hạnh phúc lớn nhất của nhà giáo

“…Hãy làm sao mỗi giờ các em tới trường là một giờ khám phá, nhận thức được nhanh, sâu sắc thế giới tự nhiên, cuộc sống văn hóa, lịch sử dân tộc và nhân loại. Hãy nói không với đọc và chép từ cấp trung học cơ sở trở lên. Học không phải là đọc và chép lại những điều đã có trong sách giáo khoa. Học không phải chỉ là thuộc một phần những gì đã có trong sách giáo khoa. Phải thuộc để biết, nhưng quan trọng hơn là hiểu và quan trọng nhất là phải biết vận dụng vào cuộc sống hàng ngày để mình sống có ích, để hoàn thành công việc được giao, để tự chịu trách nhiệm trước chính bản thân mình và những người xung quanh.

Khi thi ở bậc đại học, các thầy, các cô nên giảm dần việc hỏi các em những điều đã có trong sách, mà yêu cầu các em vận dụng các tri thức, kỹ năng đó vào giải quyết những nhiệm vụ giả định hoặc thực tế của ngành. Chắc chắn các thầy cô sẽ vất vả hơn nhiều khi ra đề thi, đề kiểm tra khi cho các em được mở sách. Nhưng các em sẽ trưởng thành rất nhanh và đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của nhà giáo” - Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân nhắn nhủ tới 1 triệu nhà giáo đang nhận sứ mệnh đặc biệt mà xã hội giao phó: Gieo chữ, trồng người!

Mai Minh