Phú Yên:

Cảm phục chuyện học của thầy trò xã miền núi An Lĩnh

(Dân trí) - “Mùa mưa đi học sợ lắm, nhưng ở nhà không được học chữ thì buồn lắm nên bọn cháu ai cũng muốn đến lớp hết. Những ngày mưa to quá, trường cho nghỉ học cứ mong nước cạn để được lại được đến lớp thôi cô ạ”.

Đó là tâm sự của em Nguyễn Thị Mai, học sinh lớp 6A, Trường THCS Nguyễn Hoa, xã An Lĩnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.  

Xã miền núi An Lĩnh nằm lọt giữa trập trùng đồi núi, người dân quanh năm quần quật với nương rẫy mới mong đủ ăn. Khó khăn là thế, thầy trò nơi đây vẫn khiến mọi người nể phục với nỗ lực gieo chữ, học chữ.

Trò dậy từ 3 giờ sáng đi học 

Mới 3 rưỡi sáng, con gà trống trong chuồng còn chưa cất tiếng gáy, cô bé Linh (13 tuổi) đã lục đục dậy chuẩn bị mọi thứ để đến lớp. 4 giờ sáng, sương núi còn giăng mắc khắp không gian, bên ngoài trời còn tối, Linh đã bấm đèn pin soi đường đến trường. Qua nhà Hương, Linh í ới gọi bạn, Hương ôm cặp chạy vội ra. Bóng đôi bạn nhỏ ẩn hiện trong trời lờ mờ sáng.

Vừa đặt chân đến lớp đã nghe tiếng trống đánh vào lớp. Mồ hôi còn chưa kịp ráo trên hai tấm áo trắng, các em đã ngồi ngay ngắn vào bàn, lắng nghe như nuốt từng con chữ thầy giáo giảng.

Ở An Lĩnh, để đến với cái chữ, mỗi ngày các em phải đi bộ gần 30km qua những con đường gập gềnh sỏi đá, thưa thớt dân cư. Sáng đi học từ khi trời còn mù mịt. Tối về đến nhà là đã qua bữa cơm tối. Bởi thế, trong cặp sách của học trò ở An Lĩnh ngoài sách vở và đồ dùng học tập lúc nào cũng có thêm một chiếc đèn pin và ít gói mỳ tôm chống đói.

Cảm phục chuyện học của thầy trò xã miền núi An Lĩnh - 1
Mỗi ngày các em học sinh ở An Lĩnh phải đi bộ gần chục km mới đến được trường.

Một người dân sống ven đường kể rằng: “Ngày nào cũng đúng 6 giờ tối là cô gặp một đứa nhỏ khoảng lớp 6 đi bộ qua đây, vừa đi vừa khóc rấm rứt. Cô hỏi thì nó nói phải đi bộ 1 tiếng nữa mới về đến nhà. Trời tối thì tối, nó thì đi một mình, thấy thương lắm! Trẻ con vùng này kiếm được cái chữ là bao nhiêu khổ cực ”.

Cũng có gia đình “khá giả” sắm được cho con mình chiếc xe đạp, nhưng đi được dăm hôm là đành chịu. Địa hình hiểm trở, toàn đường núi, sỏi đá lởm chởm, con dốc nào cũng dài và cao đến mức phải “cắm mặt mà đi” thì đi xe đạp cũng chỉ còn nước dắt bộ.

Gần đến giữa trưa, trên những con dốc sỏi đá, chúng tôi gặp từng tốp học sinh đang gò mình leo dốc. Vượt qua con dốc, các em ngồi bệt ngay vệ đường thở hổn hển, tay quệt mồ hôi đang chảy ướt đầm khuôn mặt.

Mùa nắng là thế, mùa mưa cái cực còn nhân đôi khi các em phải lội qua những con suối chảy xiết, nước từ thượng nguồn đổ về ào ạt, qua hết suối là áo quần, sách vở coi như ướt hết. Có mùa mưa lớn, nước ngập cao đầu, các em bị mắc kẹt lại phía bờ bên này, phải chờ nước rút mới về nhà được. 

Thầy “cơm đùm gạo nắm” leo non gieo chữ

Trường THCS Nguyễn Hoa có 22 giáo viên, số ít là dân địa phương, còn lại là thuộc các xã khác, có thầy cô ở cách An Lĩnh gần 30, 40 km. Mỗi ngày các thầy cô lặn lội leo non cõng cái chữ cho các em học sinh, đi đi về về cũng cả trăm cây số. 

Khi chúng tôi đến thăm trường, thầy Xuân (giáo viên dạy Lý) đang ăn vội bữa cơm trưa cho kịp vào tiết dạy buổi chiều, thầy cười nói: “Bà xã mình phải dậy tự sớm để nấu đấy, bà cũng cẩn thận, gói gém kỹ nên trưa rồi vẫn cơm vẫn còn ấm, ăn cũng không đến nỗi”.

An Lĩnh heo hút, quán xá không có, cũng có một cái chợ thì 8, 9 giờ đã tan hết cả, các thầy cô ở lại buổi trưa không có cơm ăn nên mới “cơm đùm gạo nắm” mang lên đến tận trường như thế.

Vừa rót ly nước mời khách, thầy Xuân vừa tâm sự: “Trường cũng có khu nhà nội trú cho các giáo viên ở xa đấy, nhưng ở lại nhớ vợ con lắm, không chịu nổi nên ai cũng về”.

Cảm phục chuyện học của thầy trò xã miền núi An Lĩnh - 2
Một lớp học ở Trường THCS Nguyễn Hoa. Tình trạng học sinh bỏ học ở An Lĩnh trong thời gian qua đã giảm bớt chính là một phần nhờ công sức của các thầy cô giáo.

Mùa mưa lũ, học trò không qua suối được, các thầy phải xắn quần cõng từng em đưa qua. Học trò lớp 7, lớp 8 cũng không nặng lắm nhưng nước lớn đến thắt lưng, lại chảy xiết khiến có lúc người thầy cũng muốn trôi theo. Ngón chân bíu chặt những hòn sỏi dưới lòng suối, các thầy dò dẫm từng bước mà lòng cứ thắc thỏm lo chuyện không may...

 

Khi các học trò qua bờ an toàn hết, các em tíu tít vòng tay cảm ơn thầy, thầy gật gật: “Thôi về nhanh đi kẻo tối, nguy hiểm!”.

 

Mặt thầy cô nào cũng cố tỏ vẻ bình thường nhưng trong lòng thương học trò muốn rớt nước mắt. Nhìn lại mình ướt sũng, phóng xe máy về đến nhà lúc tối mịt mù, mưa giăng kín, lạnh thấu da nhưng các thầy chỉ mong đúng một điều “Ngày mai sĩ số lớp vẫn được giữ nguyên”.

Trường THCS Nguyễn Hoa hiện có 2 điểm trường, cách nhau 4km, nên hàng ngày các thầy cô giáo phải như thoi; chạy đi chạy lại mấy lần qua các điểm trường để dạy học. Hầu hết các thầy đều thường xuyên trong tình trạng buổi sáng dạy 2 tiết đầu ngoài điểm trường mới, 2 tiết sau lại vào điểm trường cũ, đến chiều lại chạy ra điểm trường mới.

Việc phân thời khóa biểu sao cho khoa học, tạo điều kiện tốt nhất cho anh em giáo viên cũng là chuyện khiến thầy hiệu phó Nguyễn Văn Lai “đau đầu”.

Khi được hỏi sao không nhập học sinh lại học một điểm cho các thầy cô đỡ vất vả, thầy Lai trả lời giản dị: “Thầy mà sướng thì học trò khổ, tập trung lại một điểm thì các em đi học xa lắm, thôi thì các thầy cô ráng chịu cực thay học sinh vậy”.

Giữa núi non trùng điệp, để gieo được cái chữ lên mầm, ngoài tri thức các thầy cô còn mang trong mình rất nhiều tâm huyết. Tình trạng học sinh bỏ học ở An Lĩnh trong thời gian qua đã giảm bớt chính là một phần nhờ công sức của các thầy cô giáo. Sợ các em nghỉ học, mất cái chữ sau này sẽ khổ, nhiều thầy cô giáo phải lặn lội đến từng nhà để thuyết phục các em quay trở lại lớp.

Tạm biệt thầy trò ở An Lĩnh, tôi đi về giữa núi non ngút ngàn, nhìn lên con dốc trước mặt miên man nghĩ: Hình như trong gian nan, tình thầy trò trở nên vô cùng thiêng liêng, đến mức một người thầy có thể quên đi sinh mạng vì học trò thân yêu. Lòng thầy đã thế, thì hà cớ gì học trò không vượt qua được những con dốc dài kia để học cao hơn?

Bài và ảnh: Khánh Hằng - Thành Chung