Cảm phục nghị lực nữ thí sinh nặng 16kg

(Dân trí) - Cao chỉ 104cm và cân nặng 16kg, có lẽ em Võ Thị Thanh Thảo là thí sinh “tí hon” nhất của mùa thi ĐH năm nay. Đến đâu Thảo cũng được mọi người yêu thương không chỉ vì khuôn mặt dễ thương như em bé mà vì ngưỡng mộ nghị lực vượt khó và niềm tin yêu cuộc sống của em.

Cảm phục nghị lực nữ thí sinh nặng 16kg
Trông thấy Thanh Thảo, nhiều người nhầm tưởng em là học sinh tiểu học vì chiều cao chỉ 104cm, nặng 16kg.
 
Theo dự kiến, ngày 12/7, hai chị em Thương - Thảo sẽ về quê. Thanh Thảo tâm sự: “Em rất nhớ cha mẹ, về thăm nhà và nghỉ ngơi sau kì thi vừa rồi. Em cũng còn rất nhiều việc còn chưa làm xong”.

 

“Tính là thế nhưng hiện trong túi hai chị em chỉ còn tầm 500 ngàn đồng. Mua vé tàu về Đà Nẵng, rồi bắt xe lên Đại Lộc - Quảng Nam thì sẽ không đủ”, Minh Thương tính đường về quê bằng xe buýt.

 

Cám cảnh thay, với thể trạng yếu ớt cộng với chứng say xe của Thảo thì hành trình về quê sao mà xa vời vợi và chông chênh quá. Thương đang rất lo lắng vì chuyến hồi hương phải tạm gác lại, nhường vào đó là tìm cách xoay xở ra tiền để đưa em về quê đảm bảo sức khỏe.

 

Thương chia sẻ thêm từ Tết tới giờ nhà em cũng gặp nhiều chuyện không may. Cha đi rừng bị rắn cắn, bị ong chích và vừa rồi còn bị té xe nữa. Hai chị em mong muốn về sớm xem sức khỏe của cha thế nào.

Với ước mơ trở thành một nhà tư vấn tâm lý, Thanh Thảo dự thi vào ngành Tâm lý học của trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM đợt 2 này.
 
“Em sẽ tư vấn tâm lý cho những người cần đến mình”, Thảo dí dỏm. Một góc độ chia sẻ từ gia đình, Thảo mong muốn sẽ tư vấn tâm lý cho những người có số phận kém may mắn như em.
 
Thanh Thảo đến với cuộc đời như một sự sắp đặt của số phận. Em sinh năm 1995. Hồi ấy, mẹ của Thảo mang thai em đã vài tháng nhưng không hề biết. Vì vất vả mưu sinh, lao động nặng nhọc, mẹ Thảo bị động thai nên sinh thiếu tháng.
 
Thảo được sinh ra tại bệnh viện, nặng 700gram. Lúc ấy Thảo được chăm sóc trong lồng kính. Và như thế, sau 3 năm được nuôi dưỡng tại bệnh viện, Thảo mới được về nhà.
 
Sau này đi khám bệnh thì bác sĩ mới cho kết luận rằng, Thanh Thảo bị thiếu hormon sinh trưởng nên không thể phát triển bình thường như bao người khác.
 
Trong phòng thi, Thảo được sắp xếp một bàn riêng để em thoải mái làm bài thi.
Trong phòng thi đại học, Thảo được sắp xếp một bàn riêng để em thoải mái làm bài thi.

Nghị lực vượt khó từ thuở bé

Bạn đọc có thể gửi lời động viên, chia sẻ tới em Thanh Thảo qua số điện thoại của chị Thương (chị gái em Thảo): 0984 911 274

Thảo sinh ra trong gia đình có hai chị em gái. Cha mẹ Thảo vất vả làm lụng để nuôi hai chị em ăn học.
 
Năm nay, cha mẹ em đều đã ngoài 50 tuổi nhưng như bao năm qua, cha Thảo vẫn tháng tháng ngày ngày đi làm phu trầm, công việc thu nhập không ổn định và cũng lắm rủi ro. Còn mẹ em thì “trung thành” với thúng bánh bèo, bánh nậm đi bán dạo khắp nơi để kiếm vài chục ngàn đồng nuôi chị em ăn học. Cái nghèo vẫn cứ đi theo gia đình.
 
Vui cười cùng các anh chị tình nguyện viên sau khi hoàn thành bài thi.
 
Vui cười cùng các anh chị tình nguyện viên sau khi hoàn thành bài thi.
Thanh Thảo vui cười cùng các anh chị tình nguyện viên sau khi hoàn thành bài thi.

Thương cha mẹ vất vả, đồng tiền mồ hôi nước mắt, Minh Thương - chị gái Thảo, chăm chỉ học hành, giờ đã là sinh viên năm 4 trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Ngay từ bé, Thảo hay quấn quýt theo chị. Em gái có số phận không may mắn như bao người khác nên Thương hết mực yêu thương, chăm sóc em.

Theo như tâm sự của người chị gái, ngay từ tấm bé Thảo đã tỏ ra ham học, suốt ngày lẽo đẽo theo chị học bài. Hồi ấy khi chị Thương đang chuẩn bị cho kì thi kể chuyện sắp đến, môi lần lấy sách ra đọc nhẩm lại thì Thanh Thảo cứ ở bên, thế là câu chuyện ấy Thảo cũng thuộc nằm lòng. Và tất nhiên, những câu chuyện ấy được Thảo kể lại cho cả nhà cùng nghe.

Tay trong tay với chị gái, Thảo vui cười chia tay mọi người đã hết lòng hỗ trợ em trong kì thi.
Tay trong tay với chị gái, Thảo vui cười chia tay mọi người đã hết lòng hỗ trợ em trong kì thi.

Chưa đến tuổi đi học mẫu giáo mà Thảo đã biết đọc, biết viết. Gia đình thấy Thảo quá nhỏ nên nghĩ em sẽ không đi học được như các bạn cùng lứa. Thế nhưng, khi lên 5 tuổi, Thảo cứ nằng nặc đòi đi học cho bằng được. Thấy vậy, ba mẹ mới dẫn em đến trường và nói nếu viết được tên cô giáo thì sẽ cho đi học. Lúc ấy, Thảo nhanh nhảu ghi tên cô và không quên tặng thêm dòng chữ “cô giáo kính yêu” khiến ai ai cũng bất ngờ vì sự láu lỉnh này.

Lúc được đi học, Thảo nặng chỉ 7kg, “bé hạt tiêu” nhất lớp. Thời đi học ở quê Thảo được bạn bè đèo trên chiếc xe đạp. Đến cấp 3, Thảo ở trọ tại nhà người bạn cùng lớp trên thị trấn học cho tiện. Suốt thời gian học, Thảo luôn được thầy cô, bạn bè yêu thương, hỗ trợ rất nhiều.

Các anh chị tình nguyện viên tặng quà kỉ niệm cho Thảo.
Các anh chị tình nguyện viên tặng quà kỉ niệm cho Thảo.

Năm học lớp 10, một vụ tai nạn giao thông đã không may làm gãy chân trái của Thảo. Nằm viện điều trị, Thảo phải chậm lại một năm học. Di chứng bây giờ là còn nguyên con ốc vít trong đùi của em. Mỗi khi thời tiết thay đổi, cơn đau lại hành hạ em. Bản thân Thảo sức khỏe cũng không được tốt lắm. Em hay đau bụng, dị ứng khi ăn đồ ăn lạ. Chính vì thường xuyên đau nên Thảo chẳng bao giờ đi học thêm cả.

Vượt qua 12 năm đèn sách có thể xem là "kỳ tích" với Thảo. Suốt 12 năm học phổ thông, em luôn đạt thành tích học sinh tiên tiến, học sinh giỏi và đặc biệt nhiều người cảm phục hơn bởi khả năng viết chữ rất đẹp của Thảo.

Có lẽ, chỉ có nghị lực phi thường và ý chí mạnh mẽ mới có thể giúp một cô bé yếu ớt và quá mong manh như em vượt lên tất cả để mỉm cười với cuộc sống và thực hiện ước mơ của mình.

Quyết tâm thực hiện ước mơ

Sau kì thi tốt nghiệp, Thảo xuống TP Đà Nẵng ở với chị Thương để ôn thi đại học. Quảng đường từ nhà đến trung tâm tới mười mấy cây số, hai chị em đèo nhau trên chiếc xe đạp. Thỉnh thoảng, chị Thương mượn được xe máy của bạn thì đoạn đường đến lớp học đỡ vất vả.

Nhiều người cảm phục trước nghị lực của sĩ tử “tí hon” nên tranh thủ chụp tấm ảnh và chia tay em.
Nhiều người cảm phục trước nghị lực của sĩ tử “tí hon” nên tranh thủ chụp tấm ảnh và chia tay em.

Thấu hiểu hoàn cảnh và nghị lực vượt khó của Thảo, phía trung tâm luyện thi đã miễn tiền học phí cho em. Không chỉ thế, trước ngày đi thi, Thảo được cán bộ, thầy cô trung tâm hỗ trợ 3 triệu đồng làm chi phí đi lại và sinh hoạt cho 2 đợt thi đại học ở TPHCM.

Được sự giúp sức của Tỉnh đoàn Quảng Nam, Thảo nhận được tấm vé tàu vào thành phố. Chị Thương sát cánh bên em cùng mùa thi đầy cam go này. Vào Sài Gòn hai chị em ở phòng trọ của một người chị đồng hương. Hằng ngày, Thương đi chợ nấu ăn để đảm bảo sức khỏe cho em gái.

Trong kì thi khối A1, Thảo dự thi vào ngành Quản lý nhà nước của Học viện hành chính. Theo Thảo thì đây là đợt thi để lấy kinh nghiệm cho đợt thi khối D1 vào ngành Tâm lý học mà em hằng ao ước. Tại trường thi, Thảo được sắp xếp một bộ bàn ghế riêng. Thầy cô, anh chị sinh viên tình nguyện viên hỗ trợ Thảo rất nhiều trong kì thi này.

Vì ở trọ tại quận Bình Thạnh, trường thi cách khá xa, hai chị em Thảo nhờ người chở đi. Hôm qua thi môn Toán, Thảo bị đau bụng tí nữa là không thể hoàn thành bài thi, đến buổi chiều vẫn còn xanh lét vì sáng đó Thảo đi ăn ở ngoài. Thế là để đảm bảo sức khỏe thi môn cuối cùng, chị Thương phải dậy thật sớm nấu cơm cho em gái nhỏ.

Nụ cười tươi tắn, đầy lạc quan của em, chào tạm biệt Sài Gòn và hẹn gặp lại.
 Nụ cười tươi tắn, đầy lạc quan của em, chào tạm biệt Sài Gòn và hẹn gặp lại.

Vui mừng sau khi hoàn thành bài thi môn Văn, Thảo cho biết em làm bài khá tốt. “Trong 3 môn thì Toán với Văn thì khá hài lòng. Môn ngoại ngữ năm nay hơi khó nên cũng chưa yên tâm lắm. Kết quả phải chờ thời gian nữa, trước mắt em muốn về thăm ba mẹ. Xa quê một thời gian cảm thấy rất nhớ. Em sẽ hoàn thành một số công việc trước đó mà do bận rộn với kì thi em chưa kịp làm”, Thảo chia sẻ.

Mong muốn của Thảo là được trở thành sinh viên, bản thân em sẽ ở KTX, tự chăm lo cho mình. Chị gái Thảo cho biết em có tính tự lập rất cao và luôn cố gắng thực hiện tốt quyết tâm của mình. Thảo chia sẻ, nếu chẳng may thi không đậu năm nay thì năm sau em ấy sẽ tiếp tục ôn thi để thực hiện bằng được ước mơ của mình.

Quốc Anh - Lê Phương