Lào Cai:

Cảm phục thầy cô vượt ngàn đưa nước sạch về trường cho học sinh

(Dân trí) - Để có nước sạch cho hàng trăm em học sinh dân tộc bán trú tiểu học Mản Thẩn (huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai), toàn bộ giáo viên nhà trường đã không quản khó khăn vác vật liệu, đi bộ lên đỉnh núi, tự tay lắp đường ống đưa nước sạch về.

Ngôi trường “khát” nước

Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Mản Thẩn nằm trên một con dốc nhỏ ngoằn nghèo. Nhờ huy động được xã hội hóa giáo dục nên cơ sở vật chất giờ đã khang trang hơn trước rất nhiều. Tuy vậy, cả thầy và trò nơi đây đều chưa thể quên được những kỷ niệm gian khó về những tháng ngày thiếu nước sạch. Vì chỉ cách đây hơn 1 tháng trước, nước sạch luôn là thứ xa xỉ đối với trường Mản Thẩn. Với một trường học ở đồng bằng, thiếu nước đã là vấn đề nghiêm trọng, nhưng đối với một trường học ở miền núi xa xôi có hàng trăm học sinh, giáo viên bán trú thì nước còn là cả một vấn đề sống còn. Vậy mà trong hàng chục năm trời, hàng trăm con người luôn phải khổ sở vì nguồn nước khan hiếm.

Thầy giáo Vũ Ngọc Hải, Hiệu trưởng nhà trường kể lại, mùa mưa thì thầy và trò huy động xô, chậu, can đi hứng nước mưa từ trên các mái nhà chảy xuống, đợi nước mưa lắng hết bụi bẩn thì chắt phần nước sạch bên trên để sử dụng.

Nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời vì mùa khô đến lại tiếp tục “khát” nước. Thầy trò phải đi hứng nước từ mạch nước nhỏ tại phân hiệu Sẻ Mản Thẩn, có khi hứng một buổi sáng mới được 1 can nước 10 lít. Nhiều giáo viên sáng sớm đi dạy học tranh thủ mang can, bình nhựa đi xin nước của nhà dân quanh vùng rồi chở đến trường.

Nhiều học sinh ở bán trú thì chủ động mỗi ngày 3 đến 4 lần, chủ yếu là vào sáng sớm, buổi trưa và chiều tối, các em học sinh lại đi bộ tay xách xô hoặc can đi hứng nước. Lấy nước xong, các em lại hành trình đi bộ trở về trường, nấu cơm, đun nước uống để tiếp tục học tập.

Em Giàng Thị Cá, học sinh lớp 5B nhớ lại: “Mỗi ngày em đi lấy nước hai lần, buổi tối em lấy nước cho sáng ngày mai và buổi trưa thì em lấy nước dùng cho buổi tối. Có ngày em phải đi xách 3 lần mới đủ nước nấu cơm và nấu nước uống. Chỗ lấy nước xa nên chúng em phải tranh thủ những lúc không học để đi xách nước. Nắng như thế này, mệt lắm nhưng không có nước thì không nấu được cơm mà ăn. Chúng em thường rủ nhau đi theo nhóm, vừa đi vừa nói chuyện cho đỡ mệt chứ đi một mình thì vất vả lắm”.

Toàn bộ giáo viên trường Mản Thẩn vác ống lên đỉnh núi để dẫn nước sạch về trường.

Toàn bộ giáo viên trường Mản Thẩn vác ống lên đỉnh núi để dẫn nước sạch về trường.

Có một công thức “đặc biệt” mà thầy trò nhà trường áp dụng đó là: nước sạch chỉ dùng nấu cơm, đun nước uống, đánh răng, rửa mặt. Nước sau khi rửa rau dùng để rửa chân, tay, sau đó để tưới cây. Còn nước mưa hứng được dùng giặt giũ quần áo.

Sang đến năm 2013, thầy giáo viên và học sinh vất vả vì phải đi hứng nước, xin nước, nhà trường đã quyết định mua nước của nhà dân quanh vùng để có nguồn nước ổn định hơn. Thầy Hiệu Trường tâm sự: “Ban đầu người dân không đồng ý vì họ sợ ảnh hưởng đến nguồn nước của gia đình. Nhà trường cùng với lãnh đạo xã đã tới tận nơi vận động mua nước với giá 10.000 đồng/khối. Tuy nhiên, nguồn nước thì nhỏ mà nhu cầu sử dụng nước của hơn 100 em học sinh bán trú lại lớn nên “điệp khúc” thiếu nước vẫn diễn ra”.

Toàn bộ giáo viên vượt ngàn dẫn nước sạch về trường

Việc mua nước từ các hộ dân xung quanh nhằm hạn chế phần nào những ảnh hưởng tới sức khỏe của học sinh nhà trường. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời. Thiếu nước sạch vẫn luôn là nỗi lo thường trực của nhà trường.

Trước những trăn trở đó, đầu năm 2015, thầy cô trường Mản Thần đã quyết định mở đường dẫn nước từ trên núi xuống các điểm trường.

Thầy hiệu trưởng Vũ Ngọc Hải chia sẻ: “Qua khảo sát, chúng tôi thấy muốn có nguồn nước ổn định thì phải lấy nước từ đỉnh Say Sáng Phìn. Việc vận chuyển đường ống và nguyên vật liệu gặp muôn vàn khó khăn. Nhân công thi công là toàn bộ giáo viên, nhân viên nhà trường, phải đi bộ hơn 2 tiếng đồng hồ từ bể chứa lên tới đỉnh cao nhất. Đoàn đi mang theo đường ống, máy móc, nước uống và đồ ăn. Bình thường, các giáo viên chỉ biết đến bảng đen, phấn trắng, giờ lại được thử sức với công việc không mấy nhẹ nhàng này nên ai nấy không khỏi lúng túng. Không ít giáo viên chưa từng cầm cuốc xẻng đào đất đá”.

Trong quá trình đi lên đỉnh, đường đồi núi dốc cao, nguy hiểm, nhiều thầy cô vấp ngã, bị thương nhưng vẫn quyết tâm làm tới cùng. Sau hơn 1 tuần cần mẫn đào đắp hơn 3 km đường rãnh, gùi cõng vận chuyển hàng tấn đường ống để lắp đặt chạy vòng qua các quả đồi dẫn nước về trường, đường ống nước nối từ đỉnh Say Sáng Phìn về tới điểm trường chính đã được hoàn thiện. Chi phí hơn 20 triệu đồng sử dụng từ nguồn kinh phí huy động từ giáo viên, cán bộ nhà trường.

Cô giáo Phạm Thị Thúy nghẹn ngào nhớ lại: Khi dòng nước đầu tiên thông từ đầu nguồn chảy về, tất cả thầy cô giáo ai nấy không giấu khỏi sự vui mừng, mọi người dùng tay vốc lên đầu lên mặt, tận hưởng thành công sau những ngày miệt mài lao động”.

Nở nụ cười mãn nguyện khi nhìn thấy dòng nước mát chảy về trường, thầy hiệu trưởng Vũ Ngọc Hải bùi ngùi nói: Công trình nước sạch là mơ ước bao lâu nay của các thế hệ học sinh, giáo viên gắn bó ở ngôi trường này. Với sự nỗ lực của giáo viên, nhân viên nhà trường, sự ủng hộ của chính quyền địa phương và phụ huynh học sinh, công trình nước sạch đã được hoàn thiện, đảm bảo nước sinh hoạt cho 135 em học sinh bán trú của nhà trường cùng với 2 điểm trường khác trong xã (trường Mầm non Mản Thẩn và trường THCS Mản Thẩn)”.

Từ năm học 2015, các em học sinh trường Mản Thẩn đã có nước sạch để dùng.

Từ năm học 2015, các em học sinh trường Mản Thẩn đã có nước sạch để dùng.

Nhờ có công trình nước sạch, học sinh và giáo viên có nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt, không phải chịu cảnh vất vả như trước.

Em Thào Chí Minh, học sinh lớp 5A vui mừng nói: Vậy là từ giờ chúng em không phải đi xách nước về dùng. Dù vậy chúng em vẫn được các thầy cô hướng dẫn sử dụng hợp lý, tránh lãng phí nguồn nước”.

Giờ đây, dòng chảy của nước sạch dường như cũng là dòng chảy niềm vui của thầy trò nhà trường. Đây sẽ là nguồn động viên to lớn giúp giáo viên và học sinh gắn bó với trường lớp hơn, phụ huynh học sinh yên tâm hơn khi gửi gắm con em mình.

Hạ Âu - Lê Tú