Cấm thi vào lớp 6: Triệt tiêu sự cạnh tranh lành mạnh?

Với công văn yêu cầu các Sở GD&ĐT tuyệt đối không được cho phép thi tuyển sinh vào lớp 6, Bộ GD&ĐT đã khiến nhiều cán bộ quản lý giáo dục cũng như nhiều người dân có con đang học lớp 5 lo lắng.

Nhà trường đau
đầu tìm giải pháp

Nhà trường đau đầu tìm giải pháp

Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội là một trường phổ thông thực hành của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Vì thế, dù là trường công lập nhưng trường tuyển sinh không theo tuyến cũng như không phải làm nhiệm vụ phổ cập THCS trên địa bàn như hầu hết các trường công lập khác của Hà Nội. Là một trường có tiếng nên những năm trước số phụ huynh muốn đăng ký cho con mình vào học đông hơn gấp nhiều lần so với chỉ tiêu tuyển sinh. Vì thế, để tuyển sinh, trường đã phải tổ chức thi tuyển, sau đó xét trúng tuyển theo danh sách từ điểm cao xuống thấp. Năm ngoái, chỉ tiêu vào lớp 6 của trường là 240 học sinh, trong khi số hồ sơ đăng ký dự thi là gần 2.600 hồ sơ.

Theo một cán bộ quản lý của trường, nếu năm nay lượng học sinh đăng ký vào trường cũng cao gấp nhiều lần so với chỉ tiêu thì việc tìm giải pháp nào để tuyển sinh trong khi Bộ GD&ĐT không cho phép tổ chức thi là điều không hề đơn giản. “Chúng tôi đang phải chờ ý kiến chỉ đạo của Ban giám hiệu Trường ĐH Sư phạm Hà Nội”, vị cán bộ này cho biết.

Trên địa bàn Hà Nội, ngoài trường Nguyễn Tất Thành còn có nhiều đơn vị khác mà việc tổ chức thi tuyển sinh hàng năm là một đòi hỏi khách quan: THCS Marie Curie, THCS Lương Thế Vinh, khối THCS của trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam… Như Trường THCS Lương Thế Vinh năm ngoái tuyển 500 học sinh trong khi tổng số đăng ký dự thi là hơn 3.500 em.

Còn trường THCS Marie Curie trung bình mỗi năm có số lượng thí sinh đăng ký vào trường ở mức từ 1.200 đến 1.500 em trong khi chỉ tiêu khoảng 300 em. Năm học tới, “cuộc đua” vào trường dự báo sẽ căng thẳng hơn khi mà Trường Tiểu học Marie Curie có 4 lớp 5 với 120 em sẽ lên lớp 6, theo đó chỉ tiêu tuyển ở bên ngoài cho lớp 6 sẽ chỉ còn khoảng 150 em. Nan giải nhất là khối THCS của Hà Nội - Amsterdam. Đây là khối học được mở ra nhằm tạo nguồn cho trường chuyên lớn nhất của Thủ đô nên là mục tiêu cho rất nhiều học sinh giỏi hướng tới. Năm ngoái, có hơn 4.000 thí sinh đã đăng ký dự thi vào trường này trong khi chỉ tiêu chỉ là 200 em.

Trao đổi với báo giới, lãnh đạo các trường này đều cho biết hiện họ rất lúng túng trong việc tìm giải pháp tuyển sinh vừa đáp ứng được quyền được chọn lựa những học sinh khá nhất trong số những em có nhu cầu vào trường, vừa đảm bảo công khai, minh bạch và công bằng trong tuyển sinh với học sinh. PGS Văn Như Cương chia sẻ: “Nếu kiểm tra IQ hay EQ sẽ rất phức tạp, cũng không thể xét theo học bạ vì từ năm học này cấp tiểu học chỉ có hai mức đánh giá học lực của học sinh là đạt và không đạt mà hầu hết các em hoàn thành chương trình tiểu học sẽ ở mức đạt”.

Còn bà Vũ Thị Nhung, Phó Hiệu trưởng trường THCS Marie Curie cũng cho biết hiện trường đang phân vân vì chưa chọn được phương án khả thi. “Chúng tôi sẽ phải tuân thủ quy định là không tổ chức thi tuyển các môn văn hóa, nhưng chắc chắn phải tìm một hình thức sàng lọc nào đó”, bà Nhung khẳng định.

Nhà trường đau
đầu tìm giải pháp
Lấy gì đảm bảo ngôi trường danh tiếng này sẽ tuyển chọn được các tài năng đích thực như mọi năm, nếu không phải là thi tuyển. Trong ảnh: Các học sinh khối 6 và khối 10 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam trong ngày nhập trường năm học 2014 - 2015.Ảnh: Việt Hùng.

Bộ “đá bóng” cho Sở?

Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, mọi năm Hà Nội vẫn xin phép UBND thành phố để được tổ chức thi tuyển vào lớp 6 cho khối THCS của trường Hà Nội - Amsterdam. Tuy nhiên, sau khi nhận được công văn gửi các Sở GD&ĐT của Bộ GD&ĐT mới đây, lãnh đạo Sở này cùng các phòng chức năng đang đau đầu tìm giải pháp. “Sắp tới chúng tôi sẽ họp bàn về việc này. Còn hiện thì vẫn đang nghe ngóng, mong chờ sự hiến kế từ dư luận xã hội, trong đó có các cơ quan báo chí”, ông Phạm Văn Đại nói.

Dù dư luận xôn xao nhưng khi trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển vẫn khẳng định, chủ trương của Bộ GD&ĐT là cấm tuyệt đối các trường tổ chức thi tuyển vào lớp 6 THCS. “Lựa chọn hình thức khác tuyển sinh như thế nào là nhà trường xây dựng phương án, trình cơ quan quản lý có thẩm quyền của địa phương quyết định, nhất thiết không phải là kiểm tra kiến thức ở tiểu học”, Thứ trưởng Hiển nói.

Về thắc mắc liệu các trường THCS tư thục có được quyết định phương án tuyển sinh của mình hay không, Thứ trưởng Hiển trả lời: “Các cơ sở giáo dục THCS dù công lập hay ngoài công lập đều được thành lập phù hợp với quy hoạch phát triển giáo dục của địa phương, do cơ quan quản lý giáo dục địa phương phê duyệt kế hoạch tuyển sinh hằng năm, trước hết đảm bảo nhiệm vụ phổ cập; bao nhiêu lớp, bao nhiêu chỉ tiêu cũng phụ thuộc vào năng lực đáp ứng của nhà trường. Để bảo đảm giáo dục toàn diện và khắc phục tiêu cực trong việc dạy học quá tải ở tiểu học thì tất cả các cơ sở này đều không được thi tuyển sinh vào lớp 6”.

Theo PGS Văn Như Cương, trong câu trả lời của Thứ trưởng Hiển có chứa sự mâu thuẫn và là một động thái “đá quả bóng trách nhiệm cho Sở”. “Đúng là việc tuyển sinh là việc của trường nên Bộ không thể lo giúp. Tuy nhiên, Bộ không lo chuyện này nhưng Bộ làm cho các trường lo”, PGS Văn Như Cương bình luận.

Còn theo TS Giáp Văn Dương (người sáng lập trường học trực tuyến mở Giapschool), việc cấm thi tuyển sinh vào lớp 6 là một biện pháp không tưởng, vì nó mâu thuẫn với thực tiễn giáo dục cũng như quy luật cạnh tranh sống động của xã hội. “Thực tiễn xã hội là có một số trường mà số thí sinh muốn theo học lớn hơn rất nhiều so với khả năng tiếp nhận của nhà trường. Vì vậy, việc một số thí sinh bị loại trong quá trình tuyển sinh là điều tất yếu. Nếu nhà trường không tổ chức lựa chọn thì họ phải làm thế nào đây? Phải chăng là cho các em bốc thăm hoặc quay số may mắn như quay xổ số? Nếu bốc thăm thì sẽ chỉ tạo ra sự bình đẳng giả tạo về mặt hình thức, vì thực tế là vẫn có một phần thí sinh bị loại, và không tối ưu được việc sử dụng nguồn lực của nhà trường. Bốc thăm để có công bằng chỉ là giải pháp của sự lười biếng”.

“Cạnh tranh là quy luật chi phối sự phát triển mạnh nhất của xã hội. Giáo dục cũng không nằm ngoài sự chi phối của quy luật này. Thi tuyển là một hình thức cạnh tranh lành mạnh trong tuyển sinh, cấm thi tuyển là triệt tiêu sự cạnh tranh lành mạnh, vì thế là giải pháp không tưởng. Giải pháp đúng phải là giải pháp duy trì và khuyến khích sự cạnh tranh, chứ không phải thủ tiêu cạnh tranh để tạo ra bình đẳng giả tạo”.

TS Giáp Văn Dương

Phụ huynh bức xúc

Chị Nguyễn Thị Hoa có con học lớp 5 một trường tiểu học ở quận Tân Bình, TPHCM bức xúc nói: “Cấm thi sao không nói sớm, đến giờ mất hai năm ôn luyện khổ ải, tốn một đống tiền giờ phải theo học ở nơi cư trú”.

Theo chị Hoa, do nhận thấy năng lực con mình tốt, muốn cho con vào trường chuyên Trần Đại Nghĩa để phát triển tư duy nên ngay từ khi còn học lớp 4 chị đã cho cháu luyện thi.

Trong khi đó, anh Trần Văn Thành đang cho con luyện thi ở một trung tâm bồi dưỡng văn hóa quận 1 bức xúc nói: “Nếu thi vào Trần Đại Nghĩa, con tôi cũng chưa chắc trúng tuyển nhưng dù sao có thi cũng là có hy vọng, giờ không thi là coi như hết bởi mình không thuộc địa bàn tuyển sinh của trường”.

Một giáo viên của trường chuyên Trần Đại Nghĩa cũng tỏ ra bức xúc khi nghe thông tin cấm thi, bởi việc này có thể sinh ra tiêu cực. “Trường chúng tôi nổi tiếng xưa nay về chất lượng nên ai cũng muốn vào, vì thế chỉ có thi là công bằng. Giờ mà không thi thì lấy tiêu chí gì để xét, bởi riêng học sinh trên địa bàn quận 1 này cũng đã lên đến cả ngàn học sinh”, giáo viên này nói.

Theo thông tin chúng tôi nắm được, mỗi năm tuyển sinh, trường chuyên Trần Đại Nghĩa luôn nhận được từ 3.500 - 4.000 hồ sơ, trong khi chỉ tiêu tuyển chỉ 320 đến 360 học sinh. Theo ông Lâm Triều Nghi, Hiệu trưởng trường Trần Đại Nghĩa, việc tuyển sinh vào trường do UBND và Sở GD&ĐT thành phố quyết định. “Chúng tôi đang chờ kế hoạch tuyển sinh đầu cấp từ UBND thành phố để thực hiện”, ông Nghi cho biết.

Trong khi đó, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, Sở đã tính đến việc trường Trần Đại Nghĩa không thi tuyển vào lớp 6 mà thực hiện theo đúng chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. “Tuy nhiên, trường Trần Đại Nghĩa là mô hình đặc biệt, nên Sở đang xây dựng phương án thay thế, trong đó, có phương án cho học sinh làm bài khảo sát năng lực bằng tiếng Anh để tuyển đầu vào trình UBND phê duyệt”, ông Hoàng nói.

Theo Tiền Phong