Cân bằng giữa việc học thêm và tự học

(Dân trí) - “Tôi thực sự không thiết tha với việc gò ép con mình học ngày học đêm, ngoài việc học ở lớp, ngày cuối tuần cháu được thỏa sức vui chơi với bạn bè quanh xóm... Tôi luôn tâm niệm để con học hành với niềm vui, niềm hứng khởi chứ không phải vì bảng điểm đẹp dành cho bố mẹ”.

Nhớ ngày nào tôi còn là một học sinh cấp ba chuyên, ngoài việc học chính khóa ở trường, chúng tôi học thêm ba môn chính: Văn, Toán, Tiếng Anh từ lớp 10. Kiến thức đi học thêm chủ yếu là nâng cao, thực sự một học trò từ quê ra tỉnh như tôi thường lâm vào tâm trạng hoang mang khi mình càng học càng đuối so với các bạn ở thị xã. Bài học chính ở lớp thì chưa kịp nắm chắc, nắm rõ đã phải lao đầu vào giải các bài nâng cao. Vậy là việc học luôn trong tình trạng dang dở, những bạn vượt lên tốp đầu của lớp, tham gia thi đội tuyển quốc gia chỉ một vài bạn đạt giải mới mong được tuyển thẳng vào đại học, số còn lại chông chênh vì mất quá nhiều thời gian dành ôn thi đội tuyển, các môn chính thi tốt nghiệp đều bị sao nhãng.

 

Tôi còn nhớ một anh khóa trên đạt giải ba Văn toàn quốc nhưng lúc thi tốt nghiệp PTTH suýt trượt vì được điểm 3 môn Lịch sử. Câu chuyện học lệch dường như không phải bàn đến trong trường chuyên, lớp chọn nữa. Học sinh chúng tôi lúc đó đi học thêm rất nhiều, để tham gia các kì thi cấp tỉnh, cấp quốc gia mang về thành tích cho bản thân, danh dự của gia đình và nhà trường. Áp lực học hành đối với chúng tôi gấp 3 lần các bạn trường thường nhưng kết quả cuối cùng là vượt vũ môn vào đại học thì không phải là con số ấn tượng.

 

Tôi nhớ như in lớp tôi ngày đó, đội tuyển Văn có 10 bạn thi quốc gia thì chỉ có 3 bạn đạt giải, các bạn được tuyển thẳng vào đại học, 7 bạn còn lại trầy trật thi vào ĐH SP Hà Nội, ĐH KHXH & NV Hà Nội đều rớt, các bạn chấp nhận học Cao đẳng Sư phạm tỉnh nhà. Trong khi đó, hai bạn khác không nằm trong đội tuyển, lực học khá trong lớp, chưa bao giờ nằm trong danh sách các ngôi sao xuất sắc của lớp thì nghiễm nhiên đỗ ĐH Sư phạm khoa Văn ngay năm đầu. Tôi cho rằng thành công của các bạn chính là việc kết hợp học thêm ở trường và chăm chỉ ôn luyện lại bài vở tại nhà. Hai môn Sử, Địa lý là các môn cần nắm chắc kiến thức, những con số ngày tháng, sự kiện cần được học tỉ mỉ, đào sâu kiến thức. Các bạn đội tuyển Văn thì học theo kiểu tài tử nên kiến thức Sử, Địa hổng rất nhiều.

 

Khi đối chiếu kết quả thi đại học giữa lớp chuyên tỉnh và lớp chọn trường huyện khóa tôi theo học, tôi nhận thấy không có sự chênh lệch nhiều. Các bạn trường cấp ba huyện nhà năm đó thi đỗ đại học đạt thành tích cao, ngay cả sau này khi các bạn theo học đại học hòa nhập vào môi trường thành phố cũng năng động, nhạy bén, sắc sảo không thua kém gì các bạn lớp chuyên tỉnh. Môi trường học ở trường huyện êm đềm, không chịu quá nhiều sức ép như ở thành phố. Tôi cho rằng ngoài phấn đấu học hành thì vấn đề sức khỏe tinh thần của các bạn tốt hơn tôi lúc đó rất nhiều. Các bạn sống trong môi trường học tập ổn định, gần gũi gia đình, người thân, khi có khúc mắc trong cuộc sống các bạn tìm được sự sẻ chia, động viên kịp thời. 

 

Bản thân tôi không bài xích việc học thêm, học thêm là để nâng cao nhận thức, các bạn tiếp cận được thầy giỏi sẽ khuyến khích việc tìm tòi mở mang kiến thức, giúp các bạn tự tin trong hành trình tri thức. Giảng đường đại học luôn là niềm mơ ước lớn của rất nhiều học trò. Chỉ có điều phụ huynh các em và chính bản thân mỗi em học sinh cần có định hướng cụ thể cho việc học thế nào là đủ, học thế nào cho phù hợp với năng lực bản thân. Học thêm chỉ giúp các em hướng gợi mở của thầy cô, còn tự học chính là việc ôn luyện miệt mài tại nhà để biến kiến thức của thầy cô thành kiến thức của mình. Đơn giản như lực học của bạn khá, bạn có thể tìm cho mình trường vừa sức để dự thi. Nếu bạn cứ nhất định bắt mình phải thi đỗ các trường đại học tốp đầu thì bạn sẽ ôm mãi nỗi thất vọng hoài nghi bản thân. Khi các bạn theo đuổi ước mơ với tâm trạng âu lo, mệt mỏi thì việc học hành thi cử quả là một gánh nặng, là ám ảnh đau khổ đến nỗi cứ mỗi mùa thi đại học đến tôi đều đọc được tin có em quẫn trí tự tử. 

 

Việc học thêm được xem như “vấn nạn” hiện nay. Tôi cho rằng, phụ huynh đang chạy theo trào lưu phải cho con học thêm thật nhiều để con giỏi, con có giỏi bố mẹ mới mát mặt. Các em mới học lớp 1, lớp 2 có khi chỉ được xả hơi buổi tối thứ 6. Thứ 7 con học văn toán tại nhà cô chủ nhiệm, chủ nhật con học thêm Tiếng Anh. Nhìn các em quay cuồng với một mớ kiến thức mà tôi chạnh lòng. Giáo trình Tiếng Anh thậm chí được mở rộng tới tận các lớp mẫu giáo lớn. Tôi thực sự không thiết tha với việc gò ép con mình học ngày học đêm, ngoài việc học ở lớp, ngày cuối tuần cháu được thỏa sức vui chơi với bạn bè quanh xóm. Buổi tối, tôi dành thời gian hướng dẫn cho cháu bài vở, thỉnh thoảng trong câu chuyện vui, hai mẹ con ôn luyện vài câu đố vui về phép tính toán học. Những lúc rảnh rỗi, tôi ngồi đọc báo Nhi đồng cùng cháu, hai mẹ con tranh luận vui vẻ. Tôi luôn tâm niệm để con học hành với niềm vui, niềm hứng khởi chứ không phải vì bảng điểm đẹp dành cho bố mẹ. 

 

Mỹ Đức

(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)

 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!