Cần bắt buộc các cơ sở giáo dục ĐH kiểm định chất lượng

(Dân trí) - “Kiểm định chất lượng đào tạo là hoạt động nhằm mục đích bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo, do vậy phải trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các cơ sở giáo dục đại học”.

Đó là ý kiến trong báo cáo thẩm tra sơ bộ của của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng về Dự án Luật giáo dục đại học (GDĐH) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến chỉ đạo.
 
Dự thảo Luật GDĐH đã dành hẳn chương VII quy định về bảo đảm chất lượng đào tạo, trong đó có quy định về kiểm định chất lượng GDĐH. Tuy nhiên, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng cho rằng: “Các quy định liên quan đến vấn đề này trong Dự thảo Luật mới chỉ dừng lại ở mức độ đề ra các nguyên tắc cơ bản và khái quát, chưa đủ cụ thể và cũng chưa đề cập rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ sở GDĐH trong công tác kiểm định chất lượng đào tạo”.
 
Thường trực Ủy ban đề nghị quy định hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục là bắt buộc đối với cơ sở GDĐH và áp dụng các hình thức kiểm định chất lượng bắt buộc, kiểm định chất lượng tự nguyện theo hướng hoạt động kiểm định chất lượng đào tạo phục vụ nhu cầu quản lý nhà nước thì do cơ quan quản lý nhà nước về GDĐH chỉ định. Còn việc kiểm định nhằm đáp ứng nhu cầu bảo đảm và nâng cao chất lượng thì cơ sở GDĐH tự lựa chọn về thời điểm và tổ chức kiểm định chất lượng đào tạo.
 
Cần quy định rõ trong Luật về quy trình và chu kỳ kiểm định, quy trình công khai hóa kết quả kiểm định chất lượng; chính sách ưu tiên, khuyến khích các cơ sở GDĐH tham gia kiểm định chất lượng đào tạo nhằm phấn đấu bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, nhà trường, xã hội và người học; quy định việc sử dụng kết quả kiểm định làm căn cứ để phân loại chất lượng đào tạo của cơ sở GDĐH, trên cơ sở đó có chính sách đầu tư, giao nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu KH - CN và trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở GDĐH cũng như chế tài đối với cơ sở GDĐH không đạt yêu cầu kiểm định chất lượng đào tạo.  Cần có các quy định về điều kiện thành lập các cơ sở kiểm định chất lượng độc lập; việc công nhận kết quả kiểm định chất lượng giáo dục giữa các tổ chức kiểm định chất lượng đào tạo; giải quyết tranh chấp về kết quả kiểm định, chất lượng đào tạo; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kiểm định viên….

Đồng thời, Thường trực Ủy ban đề nghị ban hành một bộ chuẩn quốc gia về chất lượng GDĐH và yêu cầu về chất lượng tối thiểu đối với các chương trình đào tạo đại học. Theo đó, Luật cần quy định chỉ cho phép thực hiện những chương trình bảo đảm yêu cầu  về chất lượng tối thiểu và khuyến khích các cơ sở GDĐH nâng cao chất lượng đào tạo, hướng đến chuẩn quốc gia và chuẩn quốc tế.

Cần bắt buộc các cơ sở giáo dục ĐH kiểm định chất lượng  - 1
Cần bắt buộc các cơ sở giáo dục ĐH kiểm định chất lượng để người học lựa chọn.

Tại buổi thảo luận về Dự thảo Luật GDĐH của Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận tán thành vấn đề kiểm định chất lượng là bắt buộc và chính đáng nhưng người đứng đầu ngành giáo dục đề nghị Thường vụ Quốc hội cân nhắc lại.

Bộ trưởng Luận giải thích: “Chúng tôi khảo sát 150 nước, có khoảng 200 tổ chức kiểm định thấy rằng nước nào cũng quan tâm tới kiểm định chất lượng và đều có tổ chức kiểm định nhà nước nhưng mà tuyệt đại bộ phận tất cả các nước đó trừ Hungary có tổ chức kiểm định bắt buộc còn 149 nước có tổ chức kiểm định nhưng là hoạt động khuyến khích để các trường tham gia”.

Tán thành với ý kiến của Ủy ban VH GD TNTN&NĐ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “Cần có kiểm định chất lượng giáo dục bắt buộc. Nhà nước cần phải đưa ra quy định bắt buộc về kiểm định và công bố chuẩn toàn quốc, phân loại trường theo các cấp độ khác nhau. Trên cơ sở phân loại đó cần có tổ chức kiểm định độc lập, nhà nước kiểm tra, giám sát và công bố hoặc các trường tự kiểm định, tự công bố trên bộ chuẩn của Nhà nước thì người học mới tin và lựa chọn vào học như vậy mới xã hội hóa được”.

Hồng Hạnh