Cán bộ chấm thi hay "thợ" chấm?

“Chấm miệt mài, chấm sao cho kịp với thời gian mà Bộ qui định. Một ngày chấm hàng trăm bài, tiếp xúc hàng trăm nét chữ, con số, câu văn..., nếu yếu thần kinh thì chắc không trụ nổi!”, đó là tâm sự của một giảng viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM.

Với một công việc đòi hỏi phải tỉnh táo, trong khi khối lượng bài thi nhiều và căng thẳng, liệu cán bộ chấm thi ĐH có đảm bảo yêu cầu số một là tính chính xác hay không?

 

Mỗi giám khảo phải chấm trên 500 bài!

 

Nguồn cán bộ mà các trường sử dụng trong mùa chấm thi này chủ yếu vẫn là mời giáo viên từ các trường THPT và giảng viên các trường ĐH, CĐ. Thậm chí có trường phải mời các cán bộ trường ĐH khác về làm tổ trưởng tổ chấm thi hoặc gửi bài qua trường khác nhờ chấm giúp. Trong đó, như Trường ĐH Ngân hàng TPHCM phải nhờ 150 giáo viên các trường THPT trong toàn thành để chấm.

 

Trường có 9.353 thí sinh dự thi, nghĩa là có 28.059 bài thi cần phải chấm. Như vậy, bình quân một cán bộ chấm thi phải chấm khoảng 187 bài. Trường ĐH Luật có 68 cán bộ chấm thi, trong đó khối A có 26 cán bộ và khối C có 42. Nếu ở khối C phải chấm 21.783 bài và khối A phải chấm 5.313 bài thì một cán bộ chấm thi khối A phải chấm hơn 200 bài và khối C phải chấm đến hơn 500 bài! Tại những trường có lượng thí sinh dự thi cao như ĐH Nông lâm TPHCM với 35.151 thí sinh, số bài thi phải chấm lên đến 105.453 bài.

 

Trường chỉ có khoảng 200 cán bộ chấm thi, nghĩa là bình quân mỗi cán bộ phải chấm 527 bài. Chưa kể theo qui định, mỗi bài thi phải chấm hai vòng độc lập và tất nhiên người cán bộ chấm thi cũng phải làm việc gấp đôi.

 

Trong khi đó theo qui định của bộ, các trường phải công bố điểm thi trước ngày 10-7, nghĩa là khối A chỉ có khoảng 25 ngày để chấm và các khối B, C, D có khoảng 20 ngày. Áp lực về thời gian đối với các trường có nhiều thí sinh dự thi đã buộc nhiều trường sau khi thi là tổ chức chấm ngay cho kịp. Chính vì thế mà Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TPHCM) phải ra qui định không cho cán bộ chấm thi là giảng viên của trường đi chấm cho trường khác, trừ phi đã hoàn thành nhiệm vụ với trường.

 

Tất nhiên muốn có nhiều giáo viên nhận lời chấm thi cho trường mình thì thù lao cũng phải kha khá một chút. Theo lời của một trưởng khoa tại Trường ĐH C., có người sau mùa chấm thi đã nhận đến 9 triệu đồng, kể cả chấm thêm cho các trường CĐ, ĐH khác. Đó không phải là trường hợp phổ biến, nhưng quả là một món tiền không nhỏ!

 

 

"Đôi lúc tôi tự hỏi: mình là cán bộ chấm thi hay thợ chấm?- một cán bộ chấm thi môn văn tâm sự - Ngày trước chấm thi môn văn còn hứng thú, bây giờ mệt mỏi lắm, giám khảo phải bám sát theo đáp án của Bộ GD-ĐT. Cán bộ chấm thi thứ nhất phải chấm đến 17 cột điểm; cán bộ chấm thi lần hai lại chấm chi tiết ngay trên bài thi của thí sinh, sau đó phải tính toán và liệt kê ra. Nếu cứ chấm theo kiểu này thì sẽ có không ít người trở thành SV nhưng câu cú vẫn lủng củng, rối rắm...".

Nhiều trường vẫn chưa tìm đủ giám khảo

 

Với gần 13.000 thí sinh dự thi nhưng đến ngày 17/7 (sau buổi thi tuyển sinh cuối cùng), Trường CĐ Tài chính - kế toán 4 vẫn chưa ký được hợp đồng mời giám khảo chấm thi. Ông Phan Văn Chánh, trưởng phòng đào tạo trường, cho biết: “Mời giáo viên chấm thi ở khu vực Thủ Đức, TPHCM bây giờ rất khó!

 

Trường đã liên hệ với năm trường THPT ở khu vực gần trường nhưng ban giám hiệu các trường này không dám hứa vì phải chờ giáo viên chấm thi ĐH xong mới có thể sang chấm ở các trường CĐ”.

 

Đóng trên địa bàn Q.9 nhưng năm nay trường vẫn phải tiếp tục mời nhiều cán bộ chấm thi vốn là “mối ruột” nhiều năm từ các quận huyện cách xa trường hàng chục kilômet: Cần Giờ, Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi. Dự kiến trường bắt đầu triển khai chấm thi từ 22-7 nhưng chưa thể chắc chắn đến ngày đó trường có tập trung đủ cán bộ chấm thi hay không!

 

Cũng trên địa bàn Q.9, Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật công nghiệp 2 không khỏi lo lắng vì mới tìm được chưa tới 30 vị giám khảo (chủ yếu là “cây nhà lá vườn”), trong khi trường cần gấp đôi số đó. Tình hình càng căng thẳng hơn khi đến thời điểm này, nhiều trường ĐH mới bắt đầu chấm thi và kéo dài đến đầu tháng tám mới kết thúc. Trường ĐH Văn hóa TPHCM cho biết phải nhờ cán bộ chấm thi từ Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM) và ĐH Sư phạm TPHCM, nhưng cũng phải chờ họ chấm thi ĐH xong mới có thể sang hỗ trợ trường.

 

Ở khu vực nội thành, công việc tìm kiếm cán bộ chấm thi có phần dễ thở hơn nhưng để có thể bắt đầu khâu chấm thi ngay sau khi thi xong, Trường CĐ Kinh tế đối ngoại và CĐ Kỹ thuật Cao Thắng cũng phải nhanh chân đi ký hợp đồng với giám khảo trước đó 3-4 tuần. Trong khi đó, một số trường THCN lại tiếp tục lâm vào cảnh bị động ngồi chờ như mọi năm.

 

Mặc dù tổ chức thi hệ THCN ngày 22/7 nhưng dự kiến phải đến đầu tháng tám Trường CĐ Kinh tế TP.HCM mới có thể bắt đầu chấm thi. Kết thúc đợt chấm thi tuyển sinh ở các trường THCN thì cũng là lúc khép lại một mùa hè tất bật “chạy sô” đi chấm thi của nhiều giáo viên THPT.

 

Theo N. Phan – P.Điền

Tuổi Trẻ