Kết thúc tuyển sinh 2011:

Cần cải tiến thi “3 chung”

(Dân trí) - Mùa tuyển sinh 2011 vừa qua, không ít trường đại học cả công lập và dân lập lao đao vì thiếu thí sinh và phải tạm thời đóng cửa nhiều ngành học. Trước thực trạng trên, lãnh đạo nhiều trường đều kiến nghị cải tiến “3 chung”.

Mùa tuyển sinh thất bại

Tuyển sinh 2011, nhiều trường đại học công lập lớn thiếu hàng trăm thậm chí hàng nghìn chỉ tiêu như ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Đà Lạt, ĐH Đồng Tháp, ĐH Sao Đỏ, ĐH Hồng Đức, ĐH Nông lâm Bắc Giang, ĐH Văn hóa TPHCM, ĐH Văn hóa Hà Nội, ĐH Kinh tế tài chính TPHCM, ĐH An Giang…

Kỷ lục nhất là trường ĐH Đồng Tháp, do thiếu chỉ tiêu trầm trọng nên trường đã thông báo không mở các lớp thuộc 17 ngành đào tạo, trong đó 11 ngành ĐH và 6 ngành CĐ. Các ngành ĐH gồm: Sư phạm (SP) Vật lý, SP Kỹ thuật công nghiệp, Khoa học máy tính, SP Tin học, SP Kỹ thuật nông nghiệp, SP Hóa học, Quản lý văn hóa, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung Quốc, SP Lịch sử, Khoa học thư viện. Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng đã đóng cửa ngành SP Giáo dục chính trị và Văn hóa học. Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng thông báo đóng cửa ngành tiếng Anh.

Đặc biệt, Trường ĐH Phú Yên, mặc dù được Bộ GD-ĐT cho áp dụng Điều 33 Quy chế tuyển sinh, song vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Trường đã đóng của 2 ngành Việt Nam học (hệ ĐH) và Kỹ thuật điện - điện tử (hệ CĐ) vì không tuyển đủ chỉ tiêu để mở lớp.
 
Cần cải tiến thi “3 chung” - 1
Tuyển sinh 2011, nhiều trường đại học "tung chiêu" để hút thí sinh.

Với các trường ĐH ngoài công lập thì khỏi phải nói bởi hầu hết trường nào cũng thiếu chỉ tiêu, thậm chí có trường chỉ tuyển được 1/3 chỉ tiêu. “Khát” thí sinh, Trường ĐH Thành Tây đã có thông báo khẩn về NV3 với 520 chỉ tiêu. Thí sinh nào bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT đều được gọi nhập học. Trường còn tuyên bố miễn học phí 1 tháng đầu tiên với thí sinh trúng tuyển vào trường.

Lãnh đạo nhiều trường ĐH ngoài công lập than rằng: “Tuyển sinh 2011 là mùa tuyển sinh buồn và thất bại nhất, bởi nguồn tuyển không có. Nguyên nhân cơ bản, là hệ lụy của việc tuyển sinh “3 chung. Các trường luôn bị rơi vào tình thế bị động. Thí sinh nộp hồ sơ vào trường rồi lại rút ra nộp trường khác làm nhiều trường như ngồi trên đống lửa vì số lượng thí sinh ảo”.

Cần cải tiến “3 chung”

GS Trần Hữu Nghị - hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng, là người có kinh nghiệm nhiều năm trong tuyển sinh cho rằng: “Tuyển sinh “3 chung” sau nhiều năm cũng có mặt tích cực nhưng hiện nay cần phải làm thế nào để cải tiến lại vì không còn phù hợp với thực tế. Chúng ta hiện nay quá bảo thủ, câu nệ về đầu vào ĐH. Tuy ai cũng biết đầu vào quan trọng nhưng quan trọng nhất vẫn là khâu ra đề thi hiện nay chưa thỏa đáng, chưa phù hợp với thực tế”.

“Hãy cho các trường được tự chủ thực sự. Theo đó, cho các trường được tuyển chọn sinh viên và nhà nước giám sát đầu ra. Khi các trường được tự chủ, tự quyết thì các trường sẽ chịu trách nhiệm trước toàn xã hội” - GS Nghị đề nghị.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Lê Trọng Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Mỏ Địa chất góp ý: “Trước mắt “3 chung” vẫn tốt vẫn có nhiều mặt tích cực. Nhìn vào điểm thi ĐH năm nay thấy chất lượng kém thì không phải, điểm thi phụ thuộc vào đề thi. Đề thi không phù hợp đã ảnh hưởng rất nhiều đến thành tích đã có của “3 chung”. Do vậy, nên cấu trúc lại đề thi ĐH cho hợp lý, phù hợp với thực tế học sinh hiện nay. Ra đề thi như thế nào để học sinh có lực học trung bình khá đều đạt 15 điểm. Đặc biệt, cải tổ “3 chung” theo hướng tự chủ đề phù hợp với đào tạo tín chỉ hiện nay”.

Trong tuyển sinh “3 chung”, những trường ĐH ngoài công lập có lẽ là khổ nhất bởi mùa tuyển sinh nào cũng hồi hộp lo lắng chờ điểm sàn của Bộ, lo lắng chờ đợi thí sinh, rồi đưa ra đủ “chiêu” quảng bá để cạnh tranh hút thí sinh nhưng chẳng thấm vào đâu khi vẫn thiếu thí sinh.

Ông Nguyễn Viết Hải, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Chu Văn An, kiến nghị: “Cần “mềm hóa” điểm sàn, “mềm hóa” khối thi để các trường tuyển được thí sinh. Đặc biệt, cần nghiên cứu lại điểm chênh lệch giữa các khu vực giảm khoảng 1 điểm đề học sinh miền núi, vùng khó khăn có cơ hội vào ĐH nhiều hơn”.

Đồng quan điểm, GS Vũ Minh Giang, phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng: Bộ GD-ĐT phải chấp nhận xu hướng thế giới là sự phân tầng. Việc hạn chế nhu cầu của xã hội, ở đây là hạn chế bằng điểm sàn, là không đúng quy luật, vì nguồn nhân lực cũng tùy thuộc vào các thang bậc khác nhau của xã hội. Nên để các trường tự đối mặt với nhu cầu xã hội và khẳng định với xã hội bằng chất lượng đầu ra. Như vậy sẽ có cạnh tranh lành mạnh giữa các trường. Nếu Bộ chưa chấp nhận phân tầng thì sẽ còn lúng túng trong việc chỉ đạo cũng như điều hành tuyển sinh.

Hồng Hạnh