Cần chấm dứt tình trạng dạy thêm học thêm

"Cho dạy thêm, học thêm nhưng cấm thầy giáo chính quy tham gia. Người có thể dạy thêm nên là sinh viên đại học hoặc những thầy giáo đã về hưu", giáo sư Trần Văn Thọ - Tiến sĩ kinh tế học, Giáo sư Đại học Waseda, Tokyo đã viết về tình trạng dạy thêm và học thêm.

Thứ nhất là cần nhanh chóng tạo lập lại quan hệ truyền thống giữa thầy và trò, nhất là ở các bậc tiểu học, trung học: Thầy cô yêu quý học trò như con em mình, học trò kính yêu thầy cô như cha mẹ mình.

 

Hai nguyên nhân của tình trạng đáng buồn hiện nay là khó khăn về đời sống của người dạy học và cơ chế quản lý giáo dục có nhiều bất cập. Cần tăng quỹ lương tới mức đủ để bảo đảm cuộc sống bình thường của giáo viên bằng cách tăng ngân sách cho giáo dục và tổ chức hoá để đưa vào quỹ các khoản thu (chính thức và không chính thức) mà hiện nay phụ huynh phải phụ đảm.

 

Việc tăng ngay ngân sách cho giáo dục dĩ nhiên có ảnh hưởng đến các mặt khác, nhưng giáo dục ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều thế hệ cần phải được ưu tiên hàng đầu.

 

Điều cần làm ngay nữa là chấm dứt tình trạng dạy thêm do chính giáo viên chính quy phụ trách.

 

Học thêm là một nhu cầu chính đáng cho những học sinh kém, không theo kịp bài giảng ở trường, hoặc cho những học sinh đặc biệt giỏi muốn phát huy năng khiếu về một lĩnh vực nhất định.

 

Nhưng người có nhu cầu học thêm này nói chung phải là số ít. Nền giáo dục mà để tình trạng học thêm phổ biến thì có thể xem là thất bại rồi. Tệ hơn nữa là người dạy thêm lại chính là  thầy giáo dạy chính quy ở trường.

 

Cho dạy thêm, học thêm nhưng cấm thầy giáo chính quy tham gia. Người có thể dạy thêm nên là sinh viên đại học hoặc những thầy giáo đã về hưu.

 

Thứ hai là về giáo dục đại học, vấn đề lớn hiện nay là phải nhanh chóng tăng chất lượng đào tạo. Có 2 việc có thể làm ngay được.

 

Một là đưa yếu tố cạnh tranh vào hoạt động giảng dạy của giáo viên, hai là phân bố lại nguồn nhân lực của xã hội để tăng chất lượng đội ngũ giáo viên.

 

Cạnh tranh là động lực của phát triển. Trong học đường cũng vậy. Giáo dục đại học ở Việt Nam hầu như thiếu hẳn tính chất này. ở mỗi khoa, các khoá học được chia thành các lớp (tuỳ theo lĩnh vực chuyên môn hẹp trong một khoa) và sinh viên mỗi lớp học các môn giống nhau với cùng các giáo viên như nhau.

 

Nói dễ hiểu hơn, việc tổ chức như vậy không khác gì ở bậc tiểu học, trung học. Sinh viên không được chọn lựa môn học, không được chọn thầy để học.

 

Do vậy, đại học không tạo cơ chế cho giáo viên luôn luôn phấn đấu, cố gắng để dạy tốt hơn, và đào thải những giáo viên thiếu trách nhiệm nghề nghiệp, những giáo viên không có khả năng cải tiến năng lực chuyên môn và năng khiếu giảng dạy.

 

Tôi đề nghị cải thiện ngay cơ chế hiện tại, đưa nguyên lý cạnh tranh vào việc giảng dạy. Chẳng hạn sinh viên cần 100 đơn vị học trình để tốt nghiệp thì đại học cung cấp số môn học tương đương với độ 150 đơn vị học trình để sinh viên chọn lựa.

 

Những môn học liên tiếp trong 2 hoặc 3 năm có quá ít sinh viên theo học sẽ bị loại bỏ, thay bằng môn học khác hoặc giáo viên khác.

 

Được biết là hiện nay sinh viên Việt Nam phải học một chương trình khá nặng, nặng về số lượng mà kém về chất lượng. Do đó việc cải cách như tôi đề nghị sẽ không tốn thêm ngân sách.

 

Việc phân bổ lại nguồn lực có thể có các nội dung sau: Một là, kết hợp nghiên cứu với giảng dạy. Hiện nay ở Việt Nam có hai hệ thống hoạt động song song: các viện nghiên cứu và các đại học.

 

Tôi đã có dịp đề nghị từng bước sáp nhập phần lớn các viện nghiên cứu vào trong các đại học nhưng việc này cần thời gian. Việc có thể làm ngay là tạo cơ chế giao lưu mật thiết giữa hai hệ thống để những người nghiên cứu giỏi có điều kiện tham gia trực tiếp vào việc giảng dạy ở đại học.

 

Dĩ nhiên hiện nay đã có sự giao lưu này (nhiều cán bộ nghiên cứu ở các viện có giờ dạy ở các đại học) nhưng nhìn chung chưa có hiệu quả. Các cán bộ nghiên cứu được mời đến đại học phần lớn tập trung dạy 5-6 tiết trong ngày, dạy xong là đi về ngay.

 

Tôi đề nghị là nên tạo sự giao lưu chặt chẽ hơn, chẳng hạn cán bộ nghiên cứu ở các viện có thể tạm chuyển sang biên chế ở đại học 1-2 năm và trong thời gian đó làm việc ở đại học là chính.

 

Ngược lại, những giáo viên ở đại học, nhất là những giáo viên trẻ, cũng được tạm chuyển sang biên chế ở các viện nghiên cứu, trau dồi chuyên môn trước khi trở về đại học.

 

Hai là, cơ hội du học (bằng ngân sách nhà nước hay bằng học bổng cấp ở nước ngoài) để lấy các bằng cấp cao (như tiến sĩ chẳng hạn) trước mắt nên ưu tiên cho giáo viên dạy đại học hoặc những nghiên cứu sinh có hoài bão đóng góp vào sự nghiệp giáo dục.

 

Các cơ hội du học ở nước ta hiện nay có khuynh hướng trải rộng sang nhiều lĩnh vực, có lĩnh vực mà cán bộ không cần bằng cấp cao (như quản lý ở các cơ quan nhà nước) nhưng vẫn được tạo điều kiện đi du học.

 

Sau khi về nước họ lại không dùng đến kiến thức khoa học đã hấp thu ở nước ngoài. Đây là một phí phạm lớn về nguồn nhân lực. Chính phủ cần quan tâm phân bổ các cơ hội du học đến những giáo viên hiện tại và tương lai.

 

Thứ ba, cần cải cách phương pháp tuyển chọn giáo viên đại học. Theo nhận xét của tôi, các đại học công lập hiện nay có khuynh hướng tự đào tạo giáo viên lấy từ những người vừa mới tốt nghiệp.

 

Việc này cũng cần thiết nhưng không nên có nhiều. Khi thiếu giáo viên,  các đại học nên công khai chiêu mộ để thu hút những người có khả năng (như  những người được nói đến ở điểm thứ hai). Tránh trường hợp sinh viên mới tốt nghiệp mà đã có tư cách giảng dạy hay trợ giảng.

 

Họ phải phấn đấu vào làm việc ở các viện nghiên cứu, sau đó tham gia ứng cử vào biên chế giảng dạy.

 

Giáo sư Trần Văn Thọ

Tiến sĩ kinh tế học, Giáo sư Đại học Waseda, Tokyo

Theo Tiền Phong