Cần có chế tài mới thực hiện được Hội đồng trường

(Dân trí) - Để mô hình HĐT sớm đi vào thực tiễn, Bộ GD & ĐT ngoài vai trò lập quy pháp lý, còn phải tổ chức hướng dẫn thực thi, bồi dưỡng năng lực ra quyết định cho HĐT của các trường ĐH, tổng kết rút kinh nghiệm những điển hình tiên tiến, giám sát việc thực thi điều lệ trường ĐH, kể cả chế tài đối với những trường ĐH nào không thực hiện.

Đó là kiến nghị của PGS.TS. Nguyễn Huy Vị và Ths. Lê Bạt Sơn Trường đại học Phú Yên.


Sinh viên được tham gia vào Hội đồng trường?

Sinh viên được tham gia vào Hội đồng trường?

Nhiều hạn chế trong quy định Hội đồng trường

Mặc dù Chính phủ và Bộ GD & ĐT đã có nhiều nỗ lực về mặt lập quy pháp luật, khẳng định sự nhất quán của Nhà nước về chủ trương đổi mới quản trị đại học. Tuy nhiên, vì thiếu sự hướng dẫn thực hiện và kiểm tra, giám sát về mặt thực thi chính sách, thiếu chế tài nên mô hình HĐT khó có thể trở thành hiện thực.

Chính vì vậy, PGS.TS. Nguyễn Huy Vị đã khuyến nghị với Bộ GD&ĐT phải tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về Hội Đồng trường trong các trường đại học ở Việt Nam. Trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia và phản hồi từ thực tiễn triển khai mô hình HĐT của các trường đại học, Bộ GD & ĐT nên tiếp thu, nghiên cứu, chọn lọc để hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động của HĐT.

Theo đó, về vấn đề quản trị, PGS.TS. Nguyễn Huy Vị cho rằng nên xem xét bổ sung và làm rõ hơn, dẫn giải ý kiến của TS. Phạm Thị Ly, ông Vị cho rằng, Điều lệ Trường đại học (ĐH) đã cải thiện thẩm quyền của Hội Đồng Trường (HĐT) theo hướng tiến đến gần hơn với thực tiễn quốc tế.

Dù vậy, có một điều hạn chế là thành phần HĐT không bao gồm cán bộ quản lư cấp trung gian, cựu sinh viên và sinh viên. Đây là một điều đáng tiếc, sinh viên là đối tượng chịu tác động trực tiếp nhất bởi các quyết định của nhà trường và HĐT cần lắng nghe quan điểm của họ.

Hạn chế nữa của Điều lệ trường ĐH hiện nay là chưa qui định thẩm quyền cho HĐT bổ nhiệm và miễn nhiệm hiệu trưởng như thông lệ quốc tế. Ngoài việc chấp hành quyết nghị của HĐT, hiệu trưởng phải thực thi những nhiệm vụ chính trị do cấp trên giao (cơ quan chủ quản có thẩm quyền bổ nhiệm và miễn nhiệm hiệu trưởng).

"Trong trường hợp những quyết nghị của HĐT không tương hợp với nhiệm vụ chính trị do cấp trên giao, hiệu trưởng sẽ rơi vào trạng huống khó xử. Và như vậy, vô hình trung, HĐT có “nguy cơ” trở thành hội đồng tư vấn cho hiệu trưởng. Bởi lẽ, trong trường hợp này, hiệu trưởng buộc phải thực hiện nhiệm vụ được giao bởi cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm mình, chứ không phải thực thi những quyết nghị của HĐT" - PGS Vị nhấn mạnh.

Về trách nhiệm giải trình, vẫn tiếp tục dẫn ý kiến của TS Phạm Thị Ly, theo PGS.TS Vị, điểm yếu nhất của Điều lệ Trường ĐH là về trách nhiệm giải trình của trường ĐH. Trong hai thập kỷ qua, vấn đề tự chủ ĐH đã và vẫn đang là trọng tâm chính sách cần cải thiện. Nhưng tự chủ mà tách rời trách nhiệm giải trình thì sẽ là một thảm họa.

Điều lệ chỉ đòi hỏi các trường thực hiện việc báo cáo, công khai và giải trình “theo các quy định của pháp luật”, một cụm từ thường được dùng để thu hẹp ngoại diên của các chủ thể pháp lí mà nhà trường phải có trách nhiệm giải trình với họ.

Nói cách khác, chừng nào pháp luật còn chưa quy định cụ thể về trách nhiệm giải trình của các trường, thì các trường không việc gì phải bận tâm. Còn các bên liên quan, chẳng hạn những người dân đóng thuế để nuôi các ĐH công, hay những người nông dân đã chắt chiu từng đồng đóng học phí cho con vào các trường ĐH tư, sẽ không có ý nghĩa quyền lực gì vào việc tác động đến hoạt động quản lý đào tạo của nhà trường.

Do đó, để mô hình HĐT sớm đi vào thực tiễn, PGS.TS Vị kiến nghị: "Bộ GD & ĐT ngoài vai trò lập quy pháp lý, còn phải tổ chức hướng dẫn thực thi, bồi dưỡng năng lực ra quyết định cho HĐT của các trường ĐH, tổng kết rút kinh nghiệm những điển hình tiên tiến, giám sát việc thực thi điều lệ trường ĐH, kể cả chế tài đối với những trường ĐH nào không thực hiện …, nhằm không chỉ từng bước nâng cao năng lực quản trị, năng lực tự chủ cho HĐT, cho các trường ĐH mà còn nhằm tạo ra sự thống nhất, đồng bộ trong toàn hệ thống".

Tạo cơ chế giám sát

PGS. TS. Lý Hoàng Ánh và TS. Trần Mai Ước Trường đại học ngân hàng TP Hồ Chí Minh cho biết, từ những khó khăn trong quá trình triển khai HĐT tại ĐH Ngân hàng TP.HCM cho rằng, việc xây dựng HĐT và khi HĐT đi vào hoạt động cũng sẽ xuất hiện những băn khoăn, lo lắng cần tập trung tháo gỡ và làm sáng tỏ. Cụ thể: thực tế khi xét về nội hàm thì HĐT trong các trường đại học công lập có quyền lực rất lớn (theo tự chủ đại học) nhưng thực tế lại không hoạt động hiệu quả.

Tư duy phổ biến trong giai đoạn hiện nay là quyền lực vẫn tập trung vào hiệu trưởng hoặc lãnh đạo trường đại học. Với tư duy này, vấn đề tự chủ đại học vẫn chưa thể phát triển được.

Chức năng giữa HĐT và Hiệu trưởng đang có sự chồng lấn (Tại các trường công lập, nhà nước luôn là chủ sở hữu, do vậy ở các trường công lập cả Hiệu trưởng lẫn Hội đồng trường đều cùng là đại diện cho nhà nước ).

PGS.TS Ánh cho rằng, vì có sự chồng lấn về chức năng giữa Hiệu trưởng và Hội đồng trường như vậy, nên phần lớn hiệu trưởng không muốn tiếp nhận cơ chế Hội đồng trường. Nếu phải chấp nhận thành lập Hội đồng trường thì chỉ xem như là một tổ chức tư vấn của mình.

Chính việc thành lập các HĐT là một trong những nguyên nhân cơ bản gây khó khăn cho Nhà nước khi muốn trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học.

Hội đồng trường trong các ĐH công lập được giao quyền lực rất lớn, nhưng không có quyền bầu và miễn nhiệm Hiệu trưởng (đây là quyền của cơ quan chủ quản). Vì vậy, Hiệu trưởng không phải chịu trách nhiệm trước Hội đồng trường. Bên cạnh đó, Đảng ủy trường là cơ quan lãnh đạo trực tiếp, toàn diện các hoạt động của trường và chưa có quy định về mối quan hệ cụ thể với Hội đồng trường.

Do đó, HĐT, trong điều kiện và chừng mực nào đó vẫn chỉ dừng lại ở hình thức, chưa thể hiện hết được vị trí, vai trò của mình, và hầu như không thể hiện được vai trò của một tổ chức quyền lực.

Để hướng đến phát huy tốt vai trò của HĐT, theo PGS.TS Lý Hoàng Ánh, tách việc quản trị ra khỏi việc quản lý, hướng đến đảm bảo việc quản trị không bị chi phối trực tiếp bởi các lợi ích vật chất. Cơ cấu thành viên của HĐT phải thể hiện tính chung thật sự của chủ sở hữu. Do đó số lượng các thành viên “ngoài trường” trong HĐT cần chiếm tỷ lệ tương đối (phải đạt từ 50% trở lên).

Đồng thời, tạo ra cơ chế giám sát hợp lý, đúng qui định, nâng cao trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm xã hội của người quản lý, nhất là của chủ tịch HĐT.

Nhật Hồng