Căn cứ để đòi bồi thường 36 triệu có hợp lý không?

(Dân trí) - Trước cách giải quyết khó hiểu của trường ĐH Y Dược TPHCM về việc <a href="http://dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2007/7/188057.vip">đòi bồi thường 36 triệu</a> đối với bác sĩ Nhã Uyên, Dân trí đã có buổi gặp gỡ lãnh đạo nhà trường để tìm hiểu rõ lí do, căn cứ mà trường từ chối không xác nhận hồ sơ cho bác sĩ Uyên.

Đại diện cho trường, ông Lý Văn Xuân, Trưởng phòng đào tạo vẫn giữ quan điểm khi trao đổi với phóng viên: Chúng tôi không xác nhận hồ sơ là do quy định của Bộ GD-ĐT, bất cứ sinh viên đã tốt nghiệp hay chưa tốt nghiệp nếu đi định cư ở nước ngoài thì phải bồi hoàn kinh phí cho nhà trường. 

Giải thích về điều này, ông Xuân cho hay: “Theo đúng công văn của Bộ, nếu đã bồi hoàn thì nhà trường xác nhận còn chưa thì nhà trường chưa xác nhận. Việc yêu cầu bồi thường này là để cho trường đào tạo người khác. Những người đi định cư nước ngoài về thì chúng tôi hoàn trả tiền lại (ông dẫn chứng 1 trường hợp). Chúng tôi đã có sai sót là đã không yêu cầu bác sĩ Nhã Uyên bồi hoàn kinh phí đào tạo ngay khi nghỉ việc”. 

Để minh chứng cho việc làm đúng với quy chế của Bộ, ông Xuân đã đưa ra 3 văn bản mà ĐH Y Dược làm căn cứ giải quyết vấn đề bác sĩ Nhã Uyên. Ông Xuân cũng cho biết thêm: “3 văn bản này cũng được trường ĐH Y Dược TPHCM gửi cho Bộ GD-ĐT ngày 12/7/2007”.

Dân trí xin giới thiệu nội dung từng văn bản và những điều khoản cụ thể được ĐH Y Dược vận dụng để yêu cầu gia đình bác sĩ Nhã Uyên bồi thường kinh phí đào tạo.  

1. Thông tư 07/TT/TS/QLHS ngày 13/6/1988 của Bộ Đại học - Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề về việc cấp giấy chứng nhận học phần cho học sinh xin xuất cảnh ra nước ngoài và cho học lại đối với trường hợp tự nguyện ở lại đất nước lâu dài.  

Trong thông tư này có qui định: “Những học sinh đã xuất cảnh hợp pháp ra nước ngoài, nay có đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận học phần hoặc bằng tốt nghiệp (nếu được tốt nghiệp), được đại sứ quán Việt Nam tại nước đó hoặc Hội Việt kiều (đối với những nước mà nước ta chưa có quan hệ ngoại giao) chứng nhận có đề nghị thì được trường xét cấp giấy chứng nhận học phần, hoặc bằng tốt nghiệp (nếu học sinh đó đã bồi hoàn kinh phí)”. 

2. Quy chế công tác học sinh, sinh viên trong các trường đào tạo ban hành theo quyết định số 1584/GD-ĐT ngày 27/7/1993 của Bộ GD-ĐT. ĐH Y Dược TPHCM đã vận dụng khoản 1 điều 5 có quy định: “Khi có nhu cầu phân công công tác, HS-SV tốt nghiệp đều phải nghiêm chỉnh chấp hành sự phân công đến làm việc tại nơi qui định trong một thời gian nhất định. Nếu không chấp hành phải bồi hoàn toàn bộ kinh phí đào tạo cho trường (trừ phần học phí đã đóng góp trong quá trình đào tạo)”. 

3. Nội dung trả lời của Bộ GD-ĐT đối với công văn số 93/YD/ĐT/CV ngày 15/5/1993 của ĐH Y Dược TPHCM hỏi về việc cấp bằng tốt nghiệp và bồi hoàn học phí.

Trong công văn này trường ĐH Y Dược có xin ý kiến Bộ GD-ĐT như sau: “Theo phản ảnh của một số sinh viên, bác sĩ, dược sĩ về việc bồi hoàn học phí để du học tự túc như hiện nay là bất hợp lý. Kính xin Bộ Giáo dục và Đào tạo cho ý kiến về việc bồi hoàn học phí của các trường hợp xin du học tự túc hiện nay”. 

Phía dưới công văn này là nội dung trả lời với dòng chữ viết tay của Vụ trưởng Vụ HS-SV đề ngày 21/9/1993 có con dấu, chữ kí của nhưng không thấy có tên của người viết.

Căn cứ để đòi bồi thường 36 triệu có hợp lý không?  - 1
Công văn trả lời là dòng chữ viết tay, không có tên người viết. 

Nội dung của phần trả lời này như sau: “Theo chủ trương hiện hành những người đi học tự túc rồi trở về làm việc tại Tổ quốc không phải bồi hoàn chi phí đào tạo, còn những người xuất cảnh rồi ở lại hẳn thì phải bồi hoàn chi phí đào tạo trước khi xuất cảnh”. 

Theo quan điểm của chúng tôi, việc áp dụng những văn bản này để yêu cầu gia đình bác sĩ Nhã Uyên bồi thường kinh phí đào tạo là còn khiên cưỡng và chưa thỏa đáng.  

Thứ nhất, thông tư 07/TT/TS/QLHS đã ra vào thời điểm năm 1988 rất lâu và tình hình lúc này cũng khác trước rất nhiều. Thông tư này chỉ đề cập đến việc cấp giấy chứng nhận học phần (được hiểu là khi học sinh nghỉ học giữa chừng) và bằng tốt nghiệp. Trong khi đó, BS Nhã Uyên đã tốt nghiệp và đơn của gia đình BS Nhã Uyên chỉ là xin trường xác nhận hồ sơ sinh viên mà bên tổ chức ECFMG gửi cho ĐH Y Dược TPHCM.  

Thứ hai, nội dung trả lời công văn 93/YD/ĐT/CV của Bộ GD-ĐT chỉ là dòng chữ viết tay và không có tên người viết, người kí. Vậy có đáng tin về mặt pháp lý?

Giả sử là văn bản này hợp pháp thì đây là câu trả lời của Bộ GD-ĐT về vấn đề sinh viên du học tự túc. Trong khi đó, trường hợp của BS Nhã Uyên là xin định cư tại Hoa Kỳ và chuyển việc làm sang đó.  

Thứ ba, về vấn đề phân công công tác, ông Xuân có đưa cho Dân trí xem văn bản quyết định phân công công việc chung cho 316 bác sĩ khóa 1993 -1999 (khóa BS Nhã Uyên). Tuy nhiên lại không có văn bản nào xác nhận sinh viên đã được nhận công tác hay từ chối nhận công tác.

Căn cứ để đòi bồi thường 36 triệu có hợp lý không?  - 2
Quyết định phân công công việc các bác sĩ khóa 1993-1999 của ĐH Y Dược TPHCM chỉ để lưu trong hồ sơ.  

Mặt khác, khi trao đổi với gia đình BS Nhã Uyên thì được biết là cô không nhận bất kì quyết định nào của trường về việc phân công công tác. 

Khi được hỏi: Nếu như việc phân công công tác là có thật thì BS Nhã Uyên phải làm việc trong bao nhiêu năm thì mới đủ thời gian quy định? Ông Xuân phân trần: “Điều này tôi cũng không biết, có thể áng chừng là 25 năm hoặc ít hơn”. 

Với qui định còn chưa rõ ràng như vậy, thiết tưởng ĐH Y Dược TPHCM có nên làm khó cho những trí thức trẻ hay không?  

Sau khi đọc được bài viết "Xin xác nhận phải bồi thường 36 triệu đồng", chiều ngày 18/7, Bác sỹ T.Đ.L đã tìm đến Dân trí phản ánh việc mình cũng bị ĐH Y Dược TPHCM đòi bồi thường 36 triệu đồng mới cấp bảng điểm.

 

"Sau khi biết được thông tin BS Nhã Uyên đã được trường ĐH Y Dược cấp bảng điểm mà không phải đóng số tiền trên. Tôi đã đến xin bảng điểm vào đầu tháng 6/2007. Sau 4 lần đi đi về về đến giờ tôi vẫn chưa thể có được bảng điểm của mình", anh L cho biết.

  

"Giải thích về việc làm này, trường ĐH Y Dược cũng đã viện vào công văn  1584/GD-ĐT ngày 27/7/1993. Cụ thể, là do sau khi tốt nghiệp vào năm 1993 tôi đã chịu sự phân công công tác của ĐH Y Dược TPHCM nên giờ khi nghỉ việc ở bệnh viện thì tôi phải bồi hoàn kinh phí đào tạo cho trường", anh L cho biết thêm.  

 

Tuy nhiên, anh L cho hay: "Sau khi về tỉnh tôi phải tự kiếm việc. Tôi vẫn còn giữ Quyết định ngày 29/09/1993 của ĐH Y Dược TPHCM về việc phân công tôi đến nhận công tác tại Sở Y tế tỉnh".

 

"Nếu nói là có phân công thì chỉ có Sở Y tế mới có quyền phân công tôi làm việc gì. Nhưng sinh viên thời đó và ngay cả bây giờ, mấy ai được Sở phân công việc. Nếu nói thời gian nhất định là bao lâu? Cho dù giả sử là trường có phân công thì sau 8 năm làm việc ở cơ quan nhà nước thì tôi cũng đã gọi là chấp nhận phân công công việc rồi. Vậy tại sao tôi phải đóng tiền bồi thường?" - anh L bức xúc.

Hiếu Hiền - Thảo Nguyên