Cần cương quyết khống chế điểm sàn

(Dân trí)-Bộ GD-ĐT cần cương quyết khống chế điểm sàn. Nếu không khống chế điểm sàn thì nguy cơ vài năm nữa sẽ cho ra kỹ sư, cử nhân... tràn lan mà chất lượng lại quá kém. Đó là ý kiến của nhiều độc giả góp ý về xây dựng điểm sàn ĐH-CĐ 2013 của Bộ GD-ĐT.

Chú trọng đến chất lượng! 

Độc giả trongquangtlsk@gmail.com đưa ra ý kiến mong Bộ GD-ĐT duy trì điểm sàn ĐH. Vì đây là yếu tố đảm bảo chất lượng đầu vào cho đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật... cho đất nước trong tương lai.

Độc giả Trọng Quang cho rằng: “Điểm sàn nên để mức 15 điểm = 3 môn để điểm sàn sẽ giúp nhiều học sinh khá có cơ hội chọn trường nếu không đậu nguyện vọng 1. Nhiều trường không có học sinh đăng ký nguyện vọng 2, 3 là do trường đó chưa tạo được uy tín về chất lượng đầu ra, chất lượng cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giảng viên… Nhưng trường này nếu cần nên tạm dừng tuyển sinh”.

Bạn đọc ở địa chỉ mail nguyenthindothico@gmail.com kiến nghị: “Bộ GD-ĐT cần phải khống chế mức điểm sàn tối thiểu. Có như vậy thì mới đáp ứng được chất lượng đầu vào. Những người có chất lượng thật sự thì mới đáp tốt góp phần xây dựng đất nước. Tuy điều này sẽ làm các trường không uy tín không tán thành. Nhưng vì mục tiêu chung là phát triển đất nước, trọng dụng người tài nên Bộ cần cương quyết khống chế điểm sàn. Nếu không khống chế điểm sàn, tôi tin rằng vài năm nữa sẽ cho ra kỹ sư, cử nhân... tràn lan mà chất lượng lại quá kém”.

Đồng quan điểm, độc giả nguyencongphuc843@gmail.com khẳng định: “Không nên bỏ điểm sàn. Theo tôi, Bộ GD-ĐT nên lấy mức điểm sàn cho năm 2013 đối với bậc Đại học là 15 điểm, lấy trung bình cộng của 3 môn thi. Đó là mức điểm sàn rất phù hợp, đánh giá đúng thực lực của học sinh”.

Độc giả Nguyễn Công Phúc cho rằng, ngành giáo dục của chúng ta nên chú ý đến chất lượng đào tạo hơn là số lượng. Hiện nay các trường đang đào tạo một lượng lớn sinh viên, mỗi năm cho ra trường hàng nghìn, hàng vạn sinh viên trong khi đó chất lượng sinh viên ra trường trôi nổi, không đảm bảo chất lượng. Cho nên tỉ lệ sinh viên ra trường không đáp ứng nhu cầu của công việc rất lớn và số lượng sinh viên không có việc làm khá cao, làm lãng phí nguồn tài chính của xã hội, của bản thân sinh viên. Điều này cùng xuất phát từ nguyên nhân tuyển sinh không chú trọng đầu vào, cứ tuyển sinh ồ ạt. Theo dõi tình hình qua các năm tôi thấy điểm thi của học sinh tăng qua từng năm và điểm sàn của Bộ cũng tăng. Cho nên điểm sàn tuyển sinh năm 2013 cần phải tiến tới ngưỡng điểm trung bình cộng của ba môn là 15 điểm là rất hợp lý, đối với Đại học khối A và D1 là 15 điểm, khối B và C là 16 điểm; đối với Cao đẳng khối A và D1 là 13 điểm, khối B và C là 14 điểm. Bộ GD-ĐT nên đưa ra một mức điểm sàn cố định như vậy để đảm bảo chất lượng đào vào của thí sinh, thật sự tuyển những thí sinh đủ kiến thức và trình độ vào học ở các trường đại học, cao đẳng.

Nên quản lý điểm sàn theo từng ngành

Đồng quan điểm không bỏ điểm sàn, độc giả Trần Anh Duy ở đường Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng: “Bộ không nên bỏ điểm sàn mà thậm chí còn phải quản lý điểm sàn cho từng ngành chứ không phải là cho các khối A, B, C, D như bây giờ”.

Độc giả Anh Duy hiến kế: “Hàng năm, dựa vào quy hoạch nguồn nhân lực, dựa vào nhu cầu lao động của xã hội trong tương lai mà phân bổ chỉ tiêu cho từng ngành, sau khi có kết quả tuyển sinh sẽ xây dựng phương án điểm sàn cho từng ngành. Đồng thời điều chỉnh xê dịch chỉ tiêu tuyển sinh hướng thí sinh đến với các ngành có nhu cầu nhiều nhưng không được quan tâm bằng cách hạ thấp điểm sàn của các ngành đó và nâng cao điểm sàn của các ngành được cho là “hot” mà thí sinh đang “đổ xô” vào. Song song với việc quản lý điểm sàn cho từng ngành, bộ cần phải chỉ đạo cho các trường đào tạo tập trung, đúng chuyên môn bằng cách không phê duyệt cho các trường có chỉ tiêu đào tạo nhỏ đối với một ngành nào đó, có như vậy mới nâng cao được chất lượng giáo dục”.

Một giáo viên dạy Hóa học ở địa chỉ vietbac80@gmail.com với kinh nghiệm nhiều năm dạy học và theo dõi học sinh ôn thi đại học đã đưa ra 2 nhận xét: Đối với học sinh tốp trên, học sinh khá, giỏi thường đặt chỉ tiêu điểm từ 16 trở lên, để đỗ vào các trường tốp cao, số lượng này còn ít. Còn đại đa số là học sinh ôn tập để có gắng vượt, hoặc bằng điểm sàn đại học do Bộ GD-ĐT quy định.

Vị giáo viên này phân tích: “Qua khảo sát trên, chúng ta cần nghiên cứu cụ thể các vấn đề về tuyển sinh đại học năm 2013 để đưa ra con số điểm sàn hợp lý nhất. Theo tôi, năm nay cần giữ mức điểm sàn như năm 2012 là 13, tránh trường hợp điểm sàn thấp quá sẽ để số lượng học sinh có chất lượng học tập thấp vẫn chỉ hi vọng vào may mắn, không cố gắng học tập để hy vọng có cơ hội đạt được điểm sàn. Thực tế cho thấy số lượng lớn học sinh đều trả lời chỉ cần đạt điểm sàn như vậy. Bên cạnh đó còn có thể dẫn tới một số trường hợp học sinh chỉ đủ điểm sàn mà vẫn vào một số trường tốp cao hơn. Điều này thật sự không cần thiết phải có hoặc quy định điểm sàn vì học sinh theo tư tưởng đủ sàn kiểu gì cũng đi học đại học”.
 

Một bạn đọc cho rằng, Bộ GD-ĐT nên quy định điểm sàn đối với các khu vực tuyển sinh sẽ hợp lý hơn, đối với các tỉnh, thành phố có chất lượng GD cao thi điểm sàn phải cao hơn các vùng có chất lượng GD thấp như miền núi vùng sâu, xa và theo quy định đối tượng vùng tuyển sinh đã đăng ký trong hồ sơ.

 
Hồng Hạnh (tổng hợp