Bạn đọc viết:

Cần đọc đúng tên chữ tiếng Việt

(Dân trí) - Gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng đã bàn nhiều đến vấn đề đổi mới giáo dục, đổi mới sách giáo khoa, đổi mới thi cử, đổi mới cách dạy và học… Tuy nhiên có một hiện tượng rất phổ biến trong nhiều năm qua mà ít ai bàn đến…

...Đó là việc không ít học sinh không thuộc “bảng chữ cái  tiếng Việt” và đọc sai tên chữ cái. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin nêu một vài ý kiến về hiện tượng trên.

Như chúng ta đã biết, chữ Việt của ta là thứ chữ La-tinh hóa, được hình thành trên cơ sở bảng chữ cái La-tinh được cải biến cho phù hợp với việc ghi âm tiếng Việt. Vì vậy mỗi chữ cái đều có một tên riêng và mỗi chữ dùng để ghi một âm tiếng Việt hay còn gọi là âm chữ. Ví dụ: Chữ A dùng để ghi âm “a”,  hay nói cách khác, chữ A có âm chữ là “a”; chữ B (bê) dùng để ghi âm “bờ”, nói cách khác chữ B có âm chữ là “bờ”; hay chữ G (giê) dùng để ghi âm “gờ”, nói cách khác, chữ G có âm chữ là “gờ”... Tuy nhiên hiện nay rất nhiều người đọc sai tên chữ như chữ B (bê) đọc là chữ “bờ”, chữ C (xê) đọc là chữ “cờ”; hay chữ G (giê) đọc thành chữ “gờ”…

Đây là hiện tượng nhầm lẫn rất phổ biến, không chỉ ở học sinh phổ thông mà còn có cả những người có học vấn cũng đọc sai, không phân biệt được tên chữ và âm chữ. Ví dụ có thầy giáo dạy toán trên truyền hình đã giảng “đường thẳng đi qua hai điểm mờ nờ (MN)” thay vì hai điểm “em-mờ, en-nờ” hay tam giác ABC (a-bê-xê) có thầy đọc là “tam giác a-bờ-cờ”, rồi có cô dạy hóa đọc công thức hóa học của axit clo-hy-đric (HCl) là “hờ-cờ-lờ” thay vì phải đọc là “hát-xê-elờ”… Có thể kể ra đây nhiều lắm những hiện tượng sai sót này. Về nguyên tắc, khi đọc văn bản chữ Việt thì các chữ cái độc lập (như ký hiệu, đề mục, chữ viết tắt) hay cụm chữ cái viết tắt (thí dụ tên cơ quan, tổ chức) thì các chữ cái này phải đọc đúng theo tên chữ Việt, cho dù đó là từ gốc của nước nào. Ví dụ: Mục A, hãng thông tấn KCNA (ca-xê-en-nờ-a) hay Nghị định số … /TTg (tê-tê-giê) của Thủ tướng Chính phủ. Điều đáng nói ở đây là nhiều bạn trẻ có thể đọc rất đúng tên chữ cái tiếng Anh như đáp-liu ti âu (WTO) hay hãng tin Bi Bi Xi (BBC) nhưng lại không thể đọc đúng tên chữ cái tiếng Việt.  Ngay cả các phát thanh viên , biên tập viên của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, nơi mà người dân vẫn coi là đọc tiếng Việt chuẩn mực thì hiện cũng rất nhiều phát thanh viên, biên tập viên cũng đọc sai chữ cái tiếng Việt như đã nêu trên.

Ngoài ra, còn hiện tượng phổ biến nữa là chữ Q (cu) thường đọc sai thành chữ “quy” theo vần tiếng Pháp; ở miền Nam còn có hiện tượng đọc chữ E thành “ơ” theo vần tiếng Pháp. Rồi trong một cụm ký hiệu chữ thì đọc theo tên chữ, chữ thì đọc theo âm chữ. Ví dụ: MH17 (em-mờ hát 17) đọc thành “mờ hát 17”. Đó là chưa kể một số người còn đọc “áo gi-lê” thành “áo ghi-lê” hay lô-gích thành “lô-ghích”…

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sai sót trên. Theo tôi, sở dĩ có sự nhầm lẫn trên là do ảnh hưởng của cách học đánh vần hiện nay. Cách đánh vần của ta hiện nay là phụ âm ghép với vần và khi đánh vần các phụ âm được đọc theo âm chữ như “đất nước” đánh vần là “đờ ất đất sắc đất, nờ ước nước sắc nước”. Cách học này giúp người học có thể nhanh đánh vần, dễ  nhớ, dễ  thuộc, mau đọc được chữ Việt mà không cần thuộc tên chữ cái cũng như bảng chữ cái. Đây chính là phương pháp do Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đề xuất trong phong trào truyền bá quốc ngữ ở Hà Nội (1936-1939) nhằm giúp cho nhiều đối tượng từ trẻ em đến người già có thể đọc nhanh chữ quốc ngữ. Tuy nhiên để khắc phục những hạn chế đã nêu trên, ngay từ thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 3 đã có bài giảng rất kỹ về bảng chữ cái và tên chữ cái tiếng Việt, nhưng rất tiếc nhiều trường, nhiều thầy cô đã coi đây là bài phụ không quan trọng nên chỉ dạy qua loa chiếu lệ hoặc bỏ không giảng nên dẫn đến tình trạng sai sót nêu trên.

Hiện tượng không thuộc trật tự “Bảng chữ cái” cũng là phổ biến. Bảng chữ cái cũ của ta gồm 23 chữ (mà dân ta thường nhầm là 24 chữ cái) do không đưa vào các chữ Ă, Â, Ê, Ô, Ơ, Ư. Còn “Bảng chữ cái” hiện dùng có 29 chữ do đưa thêm vào bảng các chữ Ă, Â, Ê, Ô, Ơ, Ư nêu trên.  Vì không thuộc trật tự “Bảng chữ cái” nên khi các em học sinh cần tra từ điển Tiếng Việt thường phải tra mò rất bất tiện hoặc không thể sắp xếp một danh sách theo thứ tự ABC.

Thiết nghĩ, các hiện tượng sai sót trên trong sử dụng chữ Việt không thể coi là chuyện nhỏ được, mà ở đây trước hết là ngành Giáo dục cần phải điều chỉnh lại việc dạy và học tiếng Việt, chữ Việt sao cho chuẩn mực. Đó cũng là việc làm thiết thực góp phần giữ gìn và làm trong sáng tiếng Việt, chữ Việt.
 
Nguyễn Tiến Triển
(Thành phố Hải Dương)