Cần đổi mới chế độ học bổng

Một trong những bất hợp lý của chế độ học bổng ở nước ta hiện nay là quá "thiên vị" đối tượng ở thành thị. Do đó, việc đổi mới chế độ học bổng theo hướng "bình đẳng hóa" là cần thiết.

Bất hợp lý của chế độ học bổng hiện hành

 

Theo GS.TSKH Lâm Quang Thiệp, hiện trong các trường đại học và chuyên nghiệp ở nước ta có 2 loại học bổng:

 

1/ Học bổng khuyến khích học tập, gồm một phần lớn của quỹ học bổng. Học bổng này được cấp dựa vào kết quả thi tuyển sinh lúc mới nhập học hoặc kết quả học tập, lấy máy móc từ các sinh viên đạt điểm từ cao xuống cho đến hết chỉ tiêu học bổng.

 

2/ Học bổng chính sách cấp chủ yếu cho các đối tượng con gia đình liệt sĩ, thương binh nặng, vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn...

 

Trước hết, cần khẳng định rằng học bổng nhằm cấp cho những người gặp khó khăn cần được hỗ trợ về tài chính để học tập. Học bổng không phải là phần thưởng cấp cho những người có thành tích học tập tốt.

 

Khi nước ta thực hiện kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, kinh tế thị trường tất yếu sẽ tạo phân hoá giàu nghèo, vai trò định hướng XHCN của Nhà nước là làm giảm bớt sự phân hoá đó để tạo sự công bằng tương đối.

 

Ngay ở các nước tư bản, quỹ học bổng cũng dành ưu tiên cho người nghèo chứ không phải người học giỏi. Chẳng hạn ở Pháp, đối với sinh viên giai đoạn 1 và 2 của bậc đại học (4 năm đầu), học bổng chỉ xét cấp theo hoàn cảnh gia đình. Chỉ ở giai đoạn 3 đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và chuyên gia cao cấp, học bổng mới xét cấp theo năng lực học tập.

 

Chế độ cấp học bổng ở nước ta hiện tại không làm giảm bớt mà làm tăng thêm sự phân hoá nói trên, tức là không phù hợp với định hướng XHCN. Cơ chế của "học bổng khuyến khích học tập" hiện nay làm cho học bổng này phần lớn rơi vào tầng lớp sinh viên trung lưu chứ không phải vào tầng lớp sinh viên nghèo cần hỗ trợ.

 

Trong khi đó, loại "học bổng chính sách" quá ít về khối lượng, chỉ đủ cho học sinh diện chính sách đặc biệt chứ không đến tay học sinh nghèo. Kết quả là, ngân sách nhà nước dành cho quỹ học bổng được phân phối không công bằng, giống như nước chảy vào chỗ trũng.

 

Với tình trạng mức sống của nhân dân và điều kiện học của học sinh THPT hiện nay, đa số học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh ĐH là từ các gia đình trung lưu ở thành thị, có điều kiện kinh tế để học và để luyện thi. Đa số học sinh từ các gia đình ở nông thôn và dân nghèo thành thị dù có năng lực và nắm được chương trình THPT cũng khó đạt được điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh ĐH. Trên thực tế, giỏi lắm họ cũng chỉ trúng tuyển với điểm thấp hoặc trung bình.

 

Với chế độ xét cấp học bổng hiện nay, chẳng mấy ai trong số sinh viên đó hy vọng nhận được học bổng. Trong khi đó, sinh viên từ các gia đình trung lưu được gia đình "đầu tư" nhiều hơn, điều kiện học tập khá hơn nên kết quả họ được cấp học bổng là điều hoàn toàn dễ hiểu.

 

Giải pháp đổi mới chế độ học bổng

 

Chúng tôi đề nghị phải thay đổi chế độ học bổng hiện hành theo các nguyên tắc sau đây: Phần quỹ "học bổng chính sách" vẫn giữ nguyên cho diện sinh viên chính sách, hoặc có thể tăng thêm. Phần "học bổng khuyến khích học tập" phải thay đổi căn bản về cơ chế cấp học bổng, cụ thể phải theo các nguyên tắc:

 

- Kết quả học tập chỉ là điều kiện cần để được cấp học bổng, chứ không phải điều kiện đủ. Điều kiện cần đó là học được chứ không phải học khá, tức là trúng tuyển hoặc đạt điểm trung bình khi học ở đại học.

 

- Sinh viên cần học bổng phải làm thủ tục xin chứ không phải mặc nhiên được cấp học bổng như hiện nay. Bởi lẽ, một số sinh viên con gia đình khá giả không thật cần vẫn mặc nhiên được cấp vì họ học khá.

 

- Học bổng được xét cấp ưu tiên dựa vào khó khăn về tài chính, tức là ưu tiên cho sinh viên nghèo, chứ không phải ưu tiên theo học lực.

 

- Không nên xét cấp học bổng theo cơ chế quan liêu và máy móc dựa theo điểm số, mà phải tận dụng sự đóng góp ý kiến của các tổ chức Đoàn thanh niên và Hội sinh viên, phát huy tinh thần tương thân tương ái trong sinh viên để xác định được ai cần học bổng hơn.

 

- Nên dành một số tiền trong quỹ học bổng để trả công cho sinh viên tham gia một số việc làm do trường tạo ra, đây là một cách để xác định được những sinh viên nghèo cần hỗ trợ.

  

Theo Lao Động