Cần hành động gì để đổi mới căn bản toàn diện?

(Dân trí) - Những bất cập của nền giáo dục đã khiến phụ huynh rất lo lắng về tương lai của con mình, gia đình mình và rộng hơn là tương lai của đất nước. Nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo đã giúp nhiều phụ huynh lấy lại được niềm tin.

Tuy vậy, vấn đề tiếp theo là làm như thế nào để đạt được mục tiêu của Nghị quyết giúp tương lai của các cháu, của gia đình trở nên tốt đẹp hơn trong thời gian tới. Với vai trò là một phụ huynh, một giáo viên, một học sinh - sinh viên thì phải làm gì, có hành động cụ thể như thế nào để góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, của Nhà nước, cũng như biến mong ước của mình thành hiện thực.

Bài viết của PGS. TS. Lê Thế Vinh - Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh dưới đây đưa ra một cái nhìn mới trong việc đổi mới căn bản toàn diện:

Để đổi mới căn bản toàn diện trước hết là tìm hiểu nội dung Nghị quyết, xem với vị trí, vai trò của bản thân thì cần phải làm những gì? Đây là một việc khó khăn vì khi đọc Nghị quyết thì chưa biết được bản thân cần phải làm gì cụ thể. Tuy nhiên, ai cũng thấy được mục tiêu của Nghị quyết đề ra phù hợp với mục tiêu của mỗi người đó là giúp các cháu lớn lên, trở thành người có năng lực và phẩm chất tốt, sẽ có một cuộc sống ấm no hạnh phúc, làm được nhiều việc có ích cho gia đình và cho xã hội. Tìm hiểu thêm về sự thay đổi của giáo dục, chuyển từ truyền đạt kiến thức sang hình thành năng lực và phẩm chất cho các cháu. Trong đó, các cháu được học tập, vui chơi và phát triển một cách tự nhiên. Các cháu sẽ được các thầy cô giáo hướng dẫn thực hiện các hoạt động học tập, tham gia các trò chơi để học mà không ép buộc các cháu phải học quá nhiều.

Chương trình dạy ở nhà trường sẽ được tinh giảm còn những nội dung tối thiểu, cô đọng góp phần hình thành năng lực, phẩm chất cho học sinh. Về nhà, cha mẹ cũng sẽ không phải ép các cháu phải học thêm nhiều như trước đây mà thay vào đó là hướng dẫn các cháu làm một số việc bình thường, tự nhiên như giúp đỡ cha mẹ trong việc vệ sinh cá nhân, dọn dẹp nhà cửa, rửa chén bát, giúp đỡ, quan tâm ông bà người thân trong gia đình. Đặc biệt là cha mẹ sẽ hướng dẫn cho các cháu tự lo những phần việc của mình để hình thành tính độc lập, tự chủ. Phẩm chất và năng lực của các cháu sẽ được hình thành trong quá trình tham gia lao động ở nhà, noi gương cha mẹ, thầy cô và các bạn. Khi các cháu được giáo dục đào tạo, hình thành phẩm chất, năng lực tốt thì tự nhiên các cháu sẽ có lý tưởng sống, có ước mơ cống hiến nhiều nhất cho cuộc đời, cho đất nước.
 
Lễ khai giảng tại trường Tiểu học Hải Cảng (TP Quy Nhơn).
 
Đối với cha mẹ, thông thường cha mẹ mong muốn các con mình thành công và đặt kỳ vọng cao ở các cháu. Đây là điều tốt đẹp. Nên cha mẹ thường buộc các cháu phải làm nhiều việc theo ý của mình. Nếu các cháu không đồng ý làm thì coi là hư hỏng, không nghe lời cha mẹ. Điều này, phụ huynh cần xem xét lại cẩn thận để có cư xử hợp lý hơn với con mình. Vì hầu hết các cháu sinh ra đều rất hồn nhiên, thật thà nên với mỗi công việc, hành động mà các cháu vui, đồng ý có nghĩa là đúng, các cháu buồn, không đồng ý, phản ứng lại có nghĩa là sai(1). Và cả những việc các cháu làm sai, nhưng bản thân các cháu chưa biết mình sai, thì cái sai đó cũng là sai đúng mà cha mẹ cần nhân cơ hội này để giáo dục các cháu hiểu ra cái sai của mình để sửa chữa và làm đúng. Còn về tương lai bền vững của các cháu, thì thực tế đã cho thấy là do bản thân các cháu quyết định.

Lớn lên, các cháu đi học tập, làm việc xa cha mẹ thì toàn bộ cuộc sống của các cháu là do các cháu tự lo lấy, khó có thể ai can thiệp vào đời sống riêng của các cháu. Vì vậy, để cha mẹ yên tâm khi con rời khỏi gia đình, xa nhà để học tập, làm việc và phát triển thì ngay từ lúc các cháu đang ở trong gia đình đã cần có những năng lực, phẩm chất cơ bản như tự lo cho bản thân về ăn uống, vệ sinh, sách vở, quần áo; biết chăm chỉ lao động, tham gia các công việc vừa sức giúp đỡ cha mẹ và biết tự học, thật thà, biết yêu quý sức lao động, tiết kiệm; biết yêu thương cha mẹ, ông bà, anh chị em, quan tâm đến các thành viên trong gia đình, quan tâm đến thầy cô, bạn bè.

Đối với thầy cô giáo, là người thực hiện việc lên lớp giảng bài, hướng dẫn cho các em học tập, hoạt động hình thành năng lực và phẩm chất con người tốt cho các em. Đây là một công việc vô cùng quý giá và cao cả. Vì để giáo dục được một con người, người thầy cần dành tâm trí, sức lực, trí thông minh, thời gian để thực hiện. Từ việc xây dựng và thực hiện bài giảng thuyết phục, phù hợp với nhận thức của từng lớp, từng em đến bài thực hành phải gắn với thực tế, thú vị giúp các em tiếp thu dễ dàng. Nhân cách, tấm gương, kiến thức, bản lĩnh, sự khóe léo, tình thương yêu của thầy cô làm cho các em ham học, tạo nên động lực để các em vượt qua khó khăn để tiếp thu được những kiến thức khó(2). Từng nội dung bài học, kiến thức, kỹ năng, thái độ được thầy cô tổ chức truyền thụ cho học sinh qua việc tổ chức học tập là cả một nghệ thuật với biết bao công sức tìm tòi, nghiên cứu để thực hiện. Trong đó, liên tục lắng nghe, điều chỉnh bằng nhiều cách khác nhau khi truyền đạt thành công một nội dung bài học. Giảng lý thuyết các em chỉ mới biết và hình dung ra điều cần học, muốn khẳng định thêm, thầy cô hướng dẫn các em thực hành, muốn thành kỹ năng các em phải làm đi, làm lại nhiều lần, gặp phải nhiều sai sót, chỉnh sửa, hoàn thiện. Xác định khả năng của người học về năng lực, phẩm phẩm chất để có định hướng việc làm phù hợp từ mức thực hiện tốt các công việc được giao, đến tự tạo ra được việc làm cho chính mình, hoặc cao hơn nữa là tạo ra nhiều việc làm cho cả bản thân và nhiều người khác.

Đối với người học, ban đầu các em được cha mẹ, thầy cô giúp đỡ để có được hiểu biết, bước đầu biết cách tìm hiểu những nội dung mới, giúp các em có khả năng tự học, có khả năng độc lập trong cuộc sống. Bước tiếp theo, là con đường chinh phục thử thách, thực hiện cho mình một cuộc sống hạnh phúc, giúp ích cho gia đình và cho xã hội. Sau khi học xong bậc trung học phổ thông, các em có thể tham gia vào thị trường lao động hoặc tiếp tục học ở bậc cao hơn, trở thành sinh viên, có một cuộc sống độc lập, tự do thực hiện mơ ước của mình. Đây là một khoảng thời gian vô cùng quan trọng đối với cuộc đời mỗi người mà sự học luôn là việc mà mỗi người luôn phải tự làm. Học giúp các bạn hoàn thiện năng lực, phẩm chất của bản thân. Nếu như mục tiêu ở các cấp học dưới là hình thành phẩm chất, với phần lớn thời gian các bạn tham gia các hoạt động vui chơi để học cùng với giáo viên, thời gian tự học ít, thì ở cấp học cao hơn với mục tiêu chủ yếu hình thành năng lực, các bạn phải dành phần lớn thời gian để tự học, thời gian hướng dẫn của thầy cô trên lớn giảm, thời gian để vui chơi là rất ít.

Giáo viên, học sinh và phụ huynh là ba thành phần có số lượng người đông nhất trong việc thực hiện đổi mới căn bản giáo dục. Vì vậy, sự tích cực của mỗi người có một vai trò quan trọng trọng việc thực hiện thành công chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước cũng như mong muốn của mỗi chúng ta là góp phần giúp cho bản thân, cho các cháu có được cuộc sống ấm no hạnh phúc, góp phần xây dựng, phát triển đất nước.

PGS.TS Lê Thế Vinh

Tài liệu tham khảo:

(1) GS. Hồ Ngọc Đại, Bài nói chuyện trên truyền hình Việt Nam, Đối thoại chính sách

(2) Thượng tọa Thích Chân Quang, Bài nói chuyện tại Trường PTDL Nguyễn Siêu.