Cần lắm những tấm lòng đến với học sinh Xê Đăng

(Dân trí) - “Con muốn có thêm mấy đôi dép nữa cho các em, như thế đi học về con lại không phải lấp dép vào đất để giấu bọn nó nữa”, A Phan học sinh lớp 5 trường tiểu học Đăk Tơ Kan, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kom Tum hồn nhiên nói.

Đi về phía Bắc cách thị xã Kom Tum 80km, mọi người sẽ đến được huyện Tu Mơ Rông, huyện xa nhất và nghèo nhất của tỉnh Kom Tum. Đường đi vào chủ yếu là qua các đèo dốc cao, mà tiêu điểm là đèo Măng Rơi dài 6km, đèo cao đến nỗi mà những người phụ nữ Xê Đăng đi hái măng về mang trên gùi mà lúc lên đèo vẫn bị rơi xuống.  

98% dân ở đây là người dân tộc Xê Đăng, sống bằng nghề nông là chính. Mọi thứ họ đều phải tự túc, từ các sinh hoạt thường ngày đến cái ăn… bởi ở đây hoàn toàn không có chợ cũng như các cửa hàng buôn bán. Lâu lâu mới có các xe tải vào lấy hàng muốn mua gì thì gửi họ mang vào cho. Người dân quanh năm chỉ cặm cụi với những miếng rẫy ở tít trên rừng, sáng đi sớm tối tắt mặt trời mới trở về. 

Bởi thế nên việc quan tâm đến con cái cũng không chu toàn lắm, họ thả cho chúng tự chơi với nhau ở nhà, mới 2 đến 3 tuổi nhưng những đứa trẻ ở đây lại khá già dặn. 12 tuổi đã trở thành lao động chính theo mẹ, theo cha lên rừng làm rẫy. Vì thế để vận động chúng đến trường được là rất khó khăn. 

Ở các xã của huyện đều có một trường tiểu học và một trường trung học cơ sở được xây dựng khá khang trang bằng tiền dự án. Nhưng tất cả chỉ là vẻ bề ngoài bởi bên trong thì bàn ghế cũ kỹ, thiếu thốn mọi thứ, ngay cả một chiếc điện thoại để trường liên lạc với bên ngoài cũng không có. Và để duy trì được số học sinh tới trường các thầy cô cũng rất vất vả. 

Hầu như sáng nào cũng vậy, những người làm cô, làm thầy ở đây đều phải đi đến nhà từng học sinh một để vận động các em đến trường. Tất cả chuyện học của các em đều do thầy cô giáo lo, bởi bố mẹ do trình độ về nhận thức cũng không quan tâm lắm đến chuyện này. Thậm chí có phụ huynh còn bảo: “Nó đi hay không thì kệ nó, học nhiều cũng chẳng làm gì, ở nhà đi làm rẫy phụ gia đình”. Phụ huynh nào quan tâm thì chỉ kêu con một câu qua loa là theo thầy cô đến trường đi. 

Vận động được các em đến trường rồi nhưng để duy trì được lớp cũng thật là khó. Đa số các em là con nhà nghèo nên thiếu thốn đủ thứ, từ cái bút, cuốn tập, quần áo đi học, giày dép…Có nhiều lúc do bị mất tập hay bút nhiều em đã  nghỉ học luôn vì không có tiền mua lại. 

Cần lắm những tấm lòng đến với học sinh Xê Đăng  - 1

Những đôi dép đi học của học sinh người Xê Đăng.

Cô Phan Thị Ngọc Lan, giáo viên trường THCS Đăk Tơ Kan tâm sự: “Nhìn các em đi học tội nghiệp lắm, ngày nào thời tiết lạnh quá các em phải nghỉ ở nhà bởi không có áo rét để mặc. Những lúc trời mưa to nước ngập các con suối các em cũng nghỉ. Người ta đi dạy ăn lương và học phí chứ ở đây, đi dạy thầy cô giáo nhiều lúc phải bỏ tiền túi ra mua cho các em đôi dép, cái quần, cái áo để các em còn tới trường. Tuy nhiên, do điều kiện về tài chính chúng tôi không lo hết nổi. Vì vậy, các em không đi học được cũng đành phải chịu”. 

Trước nỗi khổ của các em,nhiều thầy cô hi vọng rằng sẽ có nhiều tổ chức hay cá nhân có tấm lòng nhân ái ủng hộ cho các em quần áo, cũng như giày dép để đi học. Cô Bùi Thị Vân Kiều, trường tiểu học Đăk Hà khi thấy chúng tôi tới liền nói ngay: “Các anh làm cách nào đó để mọi người biết được nỗi khổ của các em ở đây để có thể giúp đỡ. Nói thật một cái áo rét cũ, áo trắng cũ, cặp sách đi học đa qua sử dụng của học sinh thành phố không dùng nữa thì đối với các em học sinh Xê Đăng là rất quý giá rồi. Đa số các em đi học cũng chẳng có bộ đồ nào nên hồn”. 

Quan sát tại các trường tiểu học và trung học cơ sở nơi chúng tôi đi qua thì hầu hết các em không có đồng phục đi học. Những bộ đồ đến trường cũng là đồ mặc ở nhà. Trời lạnh nhưng áo rét thì em có em không, mà áo rét của các em dây kéo cũng hư lên hư xuống. Đặc biệt là tìm mỏi mắt mới thấy được một vài em có những đôi xăng-đan rất cũ kỹ, còn lại là những đôi dép nhựa tổng hợp đã bạc màu, có đôi còn đứt mất cả phần đầu dép. 

Em Y Duyên - học lớp 8C trường trung học cơ sở Đăk Tơ Kan, khi được hỏi thăm nói với giọng buồn buồn: “Lâu lâu có mấy người ở thành phố xuống, cho bọn em xem mấy tờ báo thấy các bạn học sinh trên đó ăn mặc đẹp và nô đùa vui vẻ, em và các bạn thấy tủi thân lắm. Nhưng mà bọn em ở miền núi làm sao có được những bộ đồ đàng hoàng và đẹp như thế chứ”. 

Khó khăn chồng chất như vậy nên chất lượng học tập của các em cũng không được cao lắm, ở cấp 1 thì chủ yếu là biết đọc biết viết. Còn ở cấp 2, thầy cô giáo chỉ biết cầu may cho các em đến lớp đủ quân số chứ không mong gì nhiều. Như trường Đăk Tơ Kan có 345 em học sinh thì được 7% học sinh khá, thầy cô mừng ra mặt, còn lại là học sinh yếu và trung bình. 

Sắp đến Tết, những thầy cô giáo và các em người dân tộc Xê Đăng ở Tu Mơ Rông hi vọng sẽ có nhiều tấm lòng hảo tâm quan tâm và giúp đỡ đến các em. Có thể là những món quà nhỏ nhưng lại có ý nghĩa rất lớn và cái Tết cũng sẽ vui hơn. 

Lê Mỹ