Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ:

Cần sớm công khai kết quả xử lý vụ lùm xùm thi tuyển Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội

(Dân trí) - Ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng thi tuyển để lựa chọn lãnh đạo là xu hướng tất yếu để chọn được người tài đức, tránh những tiêu cực, “thân quen”, chuyện nọ chuyện kia. Chính vì thế, sự việc lùm xùm trong thi tuyển Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội cần sớm được làm rõ, công khai kết quả xử lý.

Ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (Ảnh: Quang Phong).
Ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (Ảnh: Quang Phong).

- Là một chuyên gia trong lĩnh vực tổ chức cán bộ, ông đánh giá thế nào về sự việc Bộ Tư pháp tổ chức thi tuyển Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội nhưng đến nay người trúng tuyển là Tiến sĩ Lê Đình Vinh - Giám đốc Công ty TNHH Luật Vietthink lại không được bổ nhiệm, gây lùm xùm dư luận suốt thời gian qua?

Xảy ra sự việc như vậy bởi trước đây làm thí điểm thi tuyển, chưa thành một quy định chung, chưa làm triệt để. Nhưng theo xu hướng chung thì thi tuyển công khai để chọn được người có tài, có đức là con đường tốt nhất, tránh được những tiêu cực, thân quen, chuyện nọ chuyện kia. Đó là xu hướng tuyển chọn nhân sự vừa khách quan và tuyển chọn được những người có tài thực sự. Muốn vậy thì quá trình thi tuyển phải công khai các tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng, minh bạch để có thể phát hiện được những người tài, có trách nhiệm, hội đủ tiêu chuẩn thi thố tài năng, thể hiện năng lực của mình.

Việc tổ chức thi tuyển để lựa chọn người tài đã có trong lịch sử nghìn năm của nước ta rồi và các nước phát triển trên thế giới hiện nay cũng lựa chọn con đường đúng đắn này thôi.

- Gần đây trả lời báo chí, đại diện Bộ Tư pháp vẫn khẳng định đề án thí điểm thi tuyển, quá trình tổ chức thi tuyển là hoàn toàn đúng, công khai minh bạch nhưng sau khi công bố kết quả thì nhận được “đơn thư” nên phải họp bàn với cơ quan chức năng và tạm dừng việc bổ nhiệm. Tuy nhiên đến nay kết quả cuối cùng của sự việc này vẫn chưa rõ ràng, cụ thể khiến dư luận hết sức băn khoăn...

Chính vì chúng ta chưa quy định cụ thể nên khi có vấn đề phản ứng, tố cáo, khiếu nại lại bắt đầu nghiên cứu lại. Tôi cho rằng việc làm nghiêm túc, phù hợp nhưng cần tổng kết, trình bẩm cơ quan có trách nhiệm về công tác nhân sự để xây dựng chính sách vĩ mô kịp thời.

Hơn nữa lãnh đạo ở những đơn vị thí điểm thi tuyển phải chịu trách nhiệm, càng công khai minh bạch, rõ ràng về phương pháp, cách thức làm thì chắc chắc mọi chuyện sẽ thuận thôi và cũng tránh được chuyện vì tố cáo mà triệt tiêu cả những người có tài năng, có điều kiện tốt.

Ở Bộ Tư pháp thì câu chuyện pháp luật càng phải làm cho chuẩn. Có tố cáo thì phải kiểm tra, phải thông báo rõ ràng cho xã hội, cho công luận cho đàng hoàng. Làm gì cũng phải đàng hoàng, không giấu diếm.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tặng hoa chúc mừng những người trúng tuyển lãnh đạo cấp vụ năm 2015. Trong ảnh, ông Lê Đình Vinh - người trúng tuyển Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội - đứng thứ hai từ phải sang trái (Ảnh: Bộ Tư pháp)
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tặng hoa chúc mừng những người trúng tuyển lãnh đạo cấp vụ năm 2015. Trong ảnh, ông Lê Đình Vinh - người trúng tuyển Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội - đứng thứ hai từ phải sang trái (Ảnh: Bộ Tư pháp)

- Hiện nay đang có đoàn kiểm tra của trung ương làm việc với Đại học Luật Hà Nội, Bộ Tư pháp về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có việc tổ chức thi tuyển Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội gây lùm xùm dư luận suốt thời gian qua. Theo ông, việc sớm kết luận đúng sai và công khai với dư luận sự việc này đang trở nên rất cần thiết?. Nếu kết luận cuối cùng chỉ ra rằng đề án thi tuyển và việc tổ chức thi tuyển chức danh Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội “có sai sót”, “có vấn đề” thì Bộ Tư pháp phải chịu trách nhiệm hoàn toàn?

Đúng quá. Các cơ quan như Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra, Thanh tra Chính phủ đều có thể vào cuộc kiểm tra, xem xét kết luận sự việc này ra làm sao

Nhưng bây giờ mới chỉ là “giá như” thôi, bởi chúng ta phải chờ kết quả. Chưa có kết quả thì chưa nhận định đúng sai được. Chúng ta phải hoan nghênh tinh thần vào cuộc kiểm tra và công khai kết quả sự việc này.

- Xin cảm ơn ông!

Như Dân trí đã phản ánh, vào tháng 8-9/2015 Bộ Tư pháp tổ chức thi tuyển đối với 3 vị trí lãnh đạo cấp vụ gồm Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội và Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế.

Bộ Tư pháp khẳng định đã tổ chức thực hiện rất chỉn chu, công khai minh bạch từ khâu xây dựng đề án tới thi tuyển. Kết quả đã chọn được đúng người vào các vị trí thi tuyển, trong đó có ông Lê Đình Vinh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink trúng tuyển vào chức danh Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội. Ngày 1/9/2015, Bộ Tư pháp có thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về kết quả cuộc thi và đích thân Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường (hiện nay đã nghỉ hưu) tặng hoa, chúc mừng những người trúng tuyển.

Tuy nhiên sau đó, Thường trực Chính phủ đã nhận được “Đơn kính báo và khiếu nại” (nặc danh) nên đã chỉ đạo Bộ Tư pháp xem xét, báo cáo.

Đến ngày 6/1/2016, Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp có cuộc họp bàn với đại diện Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, quyết định tạm dừng việc bổ nhiệm ông Lê Đình Vinh cho đến khi Đề án của Ban Cán sự Đảng Chính phủ được ban hành sẽ xem xét tiếp. Sau đó ít lâu, Bộ Tư pháp đã bổ nhiệm ông Lê Tiến Châu - Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ giữ chức Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội.

Tại cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 8/4 vừa qua, Thứ trưởng kiêm Người phát ngôn Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng khẳng định, “Đề án Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng” do Bộ Nội vụ tham mưu cho Ban cán sự đảng Chính phủ chưa hoàn tất và chưa được phê duyệt.

“Khi có đề án đó thì sẽ rà soát điều kiện, tiêu chuẩn. Trên cơ sở đó sẽ đề xuất về trường hợp ông Lê Đình Vinh sẽ giải quyết như thế nào. Phải trên cơ sở Đề án đó thì mới rà soát, đề xuất được”- ông Dũng nói.

Thế Kha (thực hiện)