Cần tạo cho học sinh niềm yêu thích khi học Văn

(Dân trí) - Qua các phương tiện thông tin đại chúng và thực tế giảng dạy ở các trường phổ thông cho thấy một bộ phận thầy cô dạy Văn và học sinh hiện nay không còn yêu Văn như trước nữa. Một số thầy cô bằng lòng với những gì mình đã có, ngại trau dồi kiến thức, ngại tìm tòi, ngại làm mới mình.

Chính vì vậy mà dẫn đến những tiết giảng Văn vô hồn, nhạt nhẽo, máy móc và thụ động. Cách truyền đạt chỉ quẩn quanh ở mấy quyến sách hướng dẫn có sẵn đã cũ mèm ở thư viện. Từ cách giảng dạy này mà không lôi cuốn, không kích thích được các em yêu thích môn học.

Sự sa sút chất lượng môn Ngữ văn ở các trường phổ thông một phần do học sinh nhưng cái chính là do người thầy chưa chú trọng cho các em yêu thích môn học ngay từ khi bước vào THCS. Chúng ta chỉ hướng được học sinh vào những nội dung trong sách mà chưa định hình được tầm quan trọng trong việc học Văn. Chính vì vậy, các em chỉ học Văn khi đến mùa thi một cách chiếu lệ.

Cùng với sự đổi mới trong giảng dạy, cách ra đề kiểm tra hiện nay không hướng học sinh nhiều đến cách cảm thụ cái hay, cái đẹp của một tác phẩm văn học trọn vẹn mà chúng ta chỉ lướt qua ở phần trắc nghiệm hay chỉ một vài câu thơ, một vài đoạn trích trong văn xuôi. Trong mỗi tác phẩm văn học thì phải tích hợp quá nhiều các môn học khác dẫn đến việc một văn bản phải gánh nặng quá nhiều những nhiệm vụ khác. Chính vì lẽ đó mà qua thực tế giảng dạy và dự giờ của đồng nghiệp, chúng tôi nhận thấy rằng nhiều em học rất thụ động, máy móc, nhiều thầy cô chưa chú trọng sự liên hệ, mở rộng và hướng cho các em học sinh hiểu được cả một quá trình văn học.

Hơn nữa, hiện nay các sách tài liệu, văn mẫu được bày bán tràn lan khắp nơi. Học sinh mua vài quyển sách như vậy rồi về chép lại vào vở soạn, vở bài tập đến trả bài ở lớp, nếu giáo viên tinh ý chỉ hỏi vặn một vài ý khác sách tham khảo là học sinh không thể trả lời được.

Như chúng ta đều biết, Ngữ văn là một môn không chỉ quan trong trong trường học, trong các kỳ thi chuyển cấp, tốt nghiệp hay chuyên nghiệp mà có một vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách và đạo lý làm người. Muốn học sinh yêu thích môn Văn thì điều đầu tiên người thầy phải đóng một vai trò quan trọng làm cho các em yêu thích môn học. Bản thân môn Văn là một môn đặc thù đòi hỏi người dạy, người học cảm nhận nó qua nhiều khía cạnh nghệ thuật. Trong văn chương có nhạc, có họa, có tình người…, vậy người thầy phải giúp các em tìm ra cái hay, cái giá trị đích thực của nó.

Môn Văn không phải là một đáp số có sẵn như toán học, không phải là môn học thuộc lòng để rồi mỗi tiết dạy thầy ghi vài dòng cho một đề mục, đến tiết trả bài trò lại bê nguyên si lại cho thầy. Môn Văn đòi hỏi sự sáng tạo, sự cảm nhận và rung động trước cái đẹp, cái đúng, biết bất bình trước cái sai, cái ác để từ đó hình thành những suy nghĩ và nhân cách cho chính mình.

Thời còn học phổ thông, tôi may mắn được học với nhiều thầy dạy Văn thực sự có những kiến thức rất sâu rộng. Nhiều thầy cô không chỉ truyền đạt những kiến thức của bài giảng mà thông qua bài giảng đã hướng dẫn học sinh đến những trường liên hệ khác. Chính từ sự liên hệ mở rộng đó đã mở ra cho học sinh một trang học mới, một chân trời mới. Cái hay không chỉ là nội dung kiến thức của bài học mà cái hay chính là ở sự thổi hồn vào trong từng tác phẩm văn chương bằng những rung động chân thành của người thầy. Và, tất cả điều đó đã tạo cho học sinh niềm say mê môn học, mong ngóng đến giờ học của thầy.

Tạo hứng thú cho các em học là nhiệm vụ cần thiết của người dạy Văn, chúng ta phải chỉ cho các em thấy được giá trị đích thực của môn học, của các tác phẩm văn học và hình thành cho các em niềm say mê, khơi dậy sự sáng tạo và tìm tòi. Đó không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm của người thầy hôm nay.

Nguyễn Cao

(Giáo viên THCS)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!