Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006-2020:

Cẩn thận với “làn sóng” ĐH “ma”!

(Dân trí) - “Đề án quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006-2020” đã được đưa ra thảo luận rất kỹ càng tại hội thảo đổi mới giáo dục ĐH được tổ chức hồi tháng 5 vừa qua. Hội thảo lần này (10/11) sẽ là hội thảo cuối cùng để hoàn thiện và trình Chính phủ trong tháng 11 này.

Tập trung quyền về “tay” Bộ

Một điều rất dễ nhận thấy trong phần kết thúc cuộc hội thảo này của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân là sau khi lắng nghe rất cặn kẽ ý kiến của 18 đại diện các trường ĐH, CĐ, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Vụ ĐH và SĐH, Vụ Kế hoạch tài chính… ông luôn luôn nhấn mạnh vai trò quản lý Nhà nước của Bộ GD-ĐT đối với các trường ĐH, cũng như việc phải mạnh dạn “nhắc” Chính phủ về quyền lợi của Bộ GD-ĐT cũng như của các trường ĐH. 

Theo Bộ trưởng Nhân, trong Đề án phải nhấn mạnh việc tập trung quản lý Nhà nước của tất các các trường ĐH, CĐ (trừ những trường Đảng và những trường thuộc khối Quốc phòng, An ninh) về một đầu mối là Bộ GD-ĐT, không nên để tình trạng quản lý chồng chéo theo kiểu mỗi trường lại theo môt bộ chủ quản khác nhau như hiện nay. Việc xem xét bổ nhiệm Hiệu trưởng, mạng lưới giáo viên và các việc về khen thưởng xử phạt… cũng phải quy về một mối. 

Khi “nhắc” Chính phủ về quyền lợi của các trường, Bộ trưởng Nhân có nói rất rõ ràng rằng, Nhà nước phải cùng với Bộ và các trường cũ giúp các trường mới hình thành về con người và quản lý, đừng để các trường đó phải một mình bươn chải. Nhà nước cũng phải nói rõ về vấn đề đất cấp và đến bù cho các trường ĐH là thế nào?  

Phải có chính sách cho các trường ĐH công lập vươn lên tầm quốc tế. Muốn đạt được điều này, Chính phủ phải có chính sách cụ thể để liên kết hỗ trợ các trường chương trình quốc gia về đào tạo tiến sĩ. 

Hiện nay, giữa trường công và trường tư vẫn chưa có sự bình đẳng, để tạo được sự bình đẳng này, từ năm 2010, Nhà nước phải hỗ trợ theo “đầu” sinh viên của mỗi trường, không để tình trạng trường công thì được hỗ trợ, trường tư thì không như hiện nay.

Làm thế nào để quy hoạch mạng lưới thành công? 

Vì sao từ trước đến nay chúng ta vấp phải nhiều hạnh chế trong quy hoạch mạng lưới các trường ĐH? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nhân phân tích: do tiêu chí thành lập các trường ĐH chưa rõ ràng, quy trình triển khai quy hoạch giữ Bộ và Chính phủ chưa đồng bộ, cơ chế trách nhiệm giữa bộ và các địa phương cũng chưa có sự phân định rõ.  

Nhiều địa phương hiện nay còn có quan niệm khá đơn giản về việc thành lập trường ĐH theo quan niệm phổ thông hoá việc lập trường ĐH. ĐH vùng không phải là trường ĐH của một tỉnh mà các tỉnh phải liên kết làm và tính nhu cầu đào tạo cho mỗi ĐH vùng là khoảng 60% trong tổng số học sinh của vùng đó, 40% còn lại là số học sinh sẽ “đổ”về các thành phố lớn.

Trong các trường ĐH cũng phải phân chia thành 2 “lớp”: “lớp” trong là “lớp” ĐH Nghiên cứu và “lớp” ngoài là “lớp” ĐH Nghề nghiệp - ứng dụng. Trong đó, kế hoạch, đến năm 2020, phấn đấu khoảng 70-80% SV theo học “lớp” ngoài và 20-30% SV theo học “lớp” trong.

Trọng tâm trong chấn chỉnh đào tạo hiện nay phải là đào tạo tiến sĩ. Đối với đào tạo tại chức và từ xa thì chỉ cần gióng chuông cảnh báo, việc giải quyết chưa cần cấp bách và để cho các trường có thời gian để sẵn sàng vì “dù sao, tại chức cũng là “cái nồi cơm” của các trường và các trường đã có  40 đến 50% khoản thu thêm từ đó. Siết lại ngay thì khổ cho các trường” - Bộ trưởng thẳng thắn nhận định.

Cũng để trả lời câu hỏi vì sao chúng ta vấp phải nhiều hạn chế trong quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, Bộ trưởng Nhân đã đưa ra lời cảnh báo: các trường ĐH phải “đùm bọc” lẫn nhau để cùng phát triển, trường cũ phải giúp cho trường mới và những trường mới thành lập cũng phải là những trường thục sự có năng lực. Đừng để cho người nước ngoài dễ dàng đầu tư vào việc mở trường thì mới tránh được “làn sóng” ĐH “ma” đang phổ biến hiện nay ở nhiều nước. Trong xu hướng hội nhập, nếu không tỉnh táo, làn sóng này cũng sẽ tràn đến Việt Nam. 

Nhóm PV Giáo dục