Cần Thơ:10 năm chi hơn 19 triệu USD đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ

(Dân trí) - Đề án đào tạo nguồn nhân lực cho vùng ĐBSCL được cụ thể hóa bằng “Chương trình Mekong 1000” là đề án đào tạo 1.000 cán bộ khoa học kỹ thuật theo chương trình học sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) ở nước ngoài cho 13 tỉnh thành khu vực ĐBSCL. Sau 10 năm thực hiện chương trình đã cử 552 người đi học. Tổng kinh phí tương đương 19.055.522 USD.

Theo báo cáo của Văn phòng Chương trình Mekong 1000 - Trường Đại học Cần Thơ, sau 10 năm thực hiện (từ 2005 đến tháng 4/2015), các tỉnh, thành trong khu vực cử 552 người đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài, tại 160 viện, trường của 23 quốc gia khắp 4 châu lục (trừ châu Phi và các vùng Nam Mỹ, Tây Á). Trong đó, nghiên cứu sinh có 50 người, số còn lại là thạc sĩ. Tổng kinh phí tương đương 19.055.522 USD (chi phí đào tạo mỗi thạc sĩ là 34.208 USD; mỗi tiến sĩ 59.121 USD).

Theo đó, chỉ tiêu đào tạo được phân bổ cụ thể cho từng địa phương theo nhu cầu và định hướng phát triển kinh tế xã hội mà địa phương đưa ra. Trong đó, các địa phương vẫn ưu tiên cử các bộ theo học các ngành như: Kinh tế, tài chính, thương mại, quản lý dự án, công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, nông nghiệp, thủy sản, luật, giáo dục và quản lý giáo dục…

Hàng năm, chương trình Mekong 1000 có những sơ kết, đánh giá cụ thể về chất lượng đào tạo cũng như hiệu quả của nguồn nhân lực được đào tạo khi về phục vụ tại địa phương. Theo đánh giá của các địa phương, tất cả các ứng viên sau khi quay về đã tham gia tốt công tác tại các cơ quan, đơn vị và có những sáng kiến đóng góp cho sự phát triển chung của địa phương. Qua đó, ngày càng tranh thủ được sự ủng hộ, quan tâm của các đơn vị từ Trung ương đến địa phương, các cơ quan ngoại giao đoàn, các trường đối tác.

Theo PGS-TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, việc tuyển chọn và đào tạo các ứng viên theo chương trình Mekong 1000 là một bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBSCL. Đây là nguồn nhân lực có chất lượng cao thực sự và khi được bố trí phù hợp chuyên ngành thì sẽ phát huy rất lớn trong việc đóng góp tích cực cho sự phát triển của địa phương.

Cần Thơ:10 năm chi hơn 19 triệu USD đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ - 1
PGS-TS Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ phát biểu tại hội nghị sơ kết chương trình Mekong 1000.

Năm 2005, sau khi xác định việc đầu tư cho giáo dục ở các tỉnh thành vùng ĐBSCL còn thấp (chỉ chiếm 17% tổng đầu tư ngân sách giáo dục) chưa tương xứng, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) đã chủ động đề xuất Đề án đào tạo 1.000 cán bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) sau đại học ở nước ngoài cho 13 tỉnh/thành phố ĐBSCL (gọi tắt là chương trình Mekong 1000) và được Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Chương trình được sự đồng lòng của các địa phương. Các ứng cử viên được tuyển chọn đào tạo ở nước ngoài, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, trình độ cao, năng lực và tác phong làm việc hiện đại chính quy. Các ứng viên đều được tạo điều kiện công tác thuận lợi đều phát huy tốt năng lực, áp dụng các kiến thức, kỹ năng được học vào thực tiễn ở Việt Nam.

Ông Phạm Việt Trung, Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, cho biết: “Thực hiện Đề án Mekong 1000, TP Cần Thơ thành lập đề án 150. Đến thời điểm này đề án rất phù hợp với Cần Thơ, có tác động rất mạnh đối với địa phương trong công tác đào tạo nguồn nhân lực. Các ứng viên sau khi đào tạo về có 2 nơi tiếp nhận là Đại học Công nghệ Cần Thơ và Trường CĐ Kinh tế.

Đến nay 33 trong số 34 trường hợp đào tạo nước ngoài đã được đứng trong hàng ngũ của Đảng, có em là đại biểu Quốc hội HĐND thành phố…”.

Cũng theo ông Trung, để chương trình ở giai đoạn 2 tốt hơn nữa, Cần Thơ không chỉ đặt chỉ tuyên tuyển chọn cao mà còn quan tâm, phân bổ, bố trí những ứng viên sau khi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ phù hợp với kiến thức được học, bố trí công việc đúng như đào tạo nhằm thu hút và giữ nhân tài, phát huy hiệu quả cũng như trách cho người có trình độ nãn chí vì không được làm việc đúng sở trường.

Theo ông Trần Văn Hơn, Phó Ban tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Long: Tỉnh Vĩnh Long cũng làm tốt công tác bố trí việc làm cho các ứng viên của đề án. Trước khi đào tạo, tỉnh đã làm việc với các Sở ban ngành về biên chế và đặt chỗ làm trước khi đi đưa các ứng viên này đi đào tạo. Các ứng viên được đưa đi đào tạo giai đoạn 1 về quan điểm của tỉnh dứt khoát không để các em thi tuyển biên chế mà sẽ bố trí việc làm ngay cho các em. Hiện các ứng viên này đã được quy hoạch các vị trí chủ chốt của tỉnh. Qua đánh giá tổng thể các em phục vụ rất là tốt cho địa phương. Giai đoạn 2 trong tuyển sinh Vĩnh Long có đầu tư và nâng chất trình độ ngoại ngữ lên. Công tác tuyển sinh sẽ khó khăn hơn nhưng chắc chắn chất lượng sẽ được nâng lên một bước. Giai đoạn tới cố gắng sẽ đạt chỉ tiêu đề ra, hoàn thành tốt đề án đã đề ra. Giai đoạn 2, đang chiêu sinh xét khoảng 15 ứng viên.

Có thể nói, Đề án Mekong 1000 giai đoạn 1 đã mang lại hiệu quả rất lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng ĐBSCL, góp phần phát triển đội ngũ cán bộ công chức đáp ứng nhiệm vụ trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội của vùng ĐBSCL

Hoàng Tùng

(phamtam@dantri.com.vn)