Cẩn trọng

Mấy ngày qua, sự kiện một trường đại học ở TPHCM đưa ra quy định mỗi sinh viên đóng học phí trễ, dù chỉ 1 ngày phải nộp bổ sung khoản phí lên đến 100 USD đã gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Theo giải thích của một cán bộ tư vấn tuyển sinh nhà trường, đó là do có quy định sinh viên chưa hoàn thành nghĩa vụ học phí và không có đơn xin tạm hoãn hoặc đóng học phí trễ với lý do chính đáng sẽ mặc nhiên được nhà trường hiểu là tự ý bỏ học. Trường hợp muốn quay lại trường học tập bình thường, các em ngoài việc hoàn thành học phí phải đóng thêm khoản tiền nhập học “bổ sung” tương đương 100 USD.

Sự việc sẽ không có gì đáng nói nếu con số “thủ tục” nói trên dừng lại ở 10.000 hay 100.000 đồng. Đằng này, “100 USD quy ra tiền Việt cũng hơn 2 triệu đồng, hơn cả một tháng tiền trọ của sinh viên chứ ít ỏi gì.

Gần đây nhất là vụ hơn 30 học sinh của một trường THCS ở Bình Phước đang làm bài thi kiểm tra cuối học kỳ II thì bị giám thị bước vào lớp đọc tên, yêu cầu ngưng làm bài, thu dọn đồ đạc và chuyển sang một phòng khác với lý do còn nợ học phí. Sự việc trên đã khiến nhiều em cảm thấy xấu hổ với bạn bè và không thể tiếp tục làm bài, kết quả thi cuối năm vì thế cũng bị ảnh hưởng.

Thực tế hiện nay cho thấy nhiều gia đình bố mẹ phải nhịn ăn nhịn mặc, thậm chí thế chấp nhà cửa, vay nóng ngân hàng để có tiền cho con nhập học. Đứa trẻ, ngoài việc đến hẹn lại lên cầm thông báo học phí về nhà cho bố mẹ đọc cũng không biết làm gì hơn. Và, một khi đồng tiền đã đi liền khúc ruột còn bị tận thu không thương tiếc, khiến con người cảm thấy tự ti, mặc cảm giữa môi trường ý thức nhiều hơn nghĩa vụ sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy không đáng có.

Vừa qua có thông tin UBND TPHCM đang xem xét quy định áp dụng học phí mới từ năm học 2012-2013, điều chỉnh theo hướng tăng từ 5%-10% so với mức hiện hành. Thiết nghĩ đây là việc làm cần thiết nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy hiện nay. Song nếu làm không khéo sẽ ảnh hưởng không ít đến một bộ phận học sinh nghèo. Bài toán định giá cho tương lai nhất thiết cẩn trọng là vì vậy.

Theo Thanh Thu
SGGP