Cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa cho hoạt động của Hội Khuyến học

(Dân trí) - Đó là một trong những trăn trở của Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trương Tấn Sang sau khi kết thúc buổi làm việc kéo dài hơn 4 tiếng với Hội Khuyến học Việt Nam, sáng 17/10.

“Tôi rất quan tâm đến các kinh nghiệm thực tiễn của Hội Khuyến học Việt Nam trong việc xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập và những kết quả mà Hội đã đạt được trong thời gian qua là hết sức đáng khích lệ” - ông Sang khẳng định

4T+ 1T 

Hội Khuyến học Việt Nam được thành lập ngày 2/10/1996. Ban đầu Hội chỉ có khoảng 100 nghìn hội viên với hoạt động nặng về lập quỹ, hỗ trợ học sinh nghèo và tặng thưởng cho học sinh giỏi. Sau 11 năm hoạt động, số hội viên của Hội đã nâng lên thành hơn 5 triệu hội viên. Hội có tổ chức Trung ương, 64 tỉnh thành, phủ kín các huyện, 98% ở xã, phường, 235 nghìn chi hội ở thôn, bản, phum sóc, dòng họ, cơ quan, trường học, xí nghiệp, doanh nghiệp, nông trường, trại cải tạo, đơn vị quân đội và gần 8.500 Trung tâm học tập cộng đồng rải khắp cả nước... 

Hoạt động Hội từ Đại hội II (1999) đến nay theo hướng khai thác tiềm năng trí tuệ và tiềm năng cơ sở vật chất trong các tầng lớp trong xã hội để phục vụ cho sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài để thực hiện Nghị quyết của Đảng đúng như bức trướng mà Ban Chấp hành TƯ Đảng đã tặng cho Hội nhân dịp Đại hội lần thứ 3 của Hội: “Hội Khuyến học Việt Nam xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập”.

Trong 11 năm qua, mọi hoạt động của Hội đều tập trung vào mục tiêu sao cho mọi người đều được học tập, học tập bằng mọi cách, ở mọi nơi, học tập suốt đời và gắn kết để tất cả mọi người đều trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục - đào tạo. 

Đặc điểm nổi bật nhất trong hoạt động của Hội khuyến học các cấp là 1/3 Ban chấp hành các cấp là những người đã nghỉ hưu và họ hoạt động khuyến học theo phương châm 4T: Có Tâm, có Trí, Tự nguyện và có Thời gian. Tổ chức Hội thực sự như một “mặt trận” khuyến học. Tuy nhiên, khác với các Hội như Chữ thập đỏ, Người cao tuổi... Các “chiến sĩ” trên mặt trận này không ai được hưởng bất kỳ một chế độ chính sách gì từ Nhà nước. 11 năm kể từ khi thành lấp, Hội không có trụ sở làm việc mà phải đi thuê nhiều nơi... 

Rất thấm thía và đầy cảm thông với sự “tay không bắt giặc” của Hội Khuyến học Việt Nam trong suốt thời gian qua, ông Trương Tấn Sang cho biết có lẽ cũng đã đến lúc 4T của Hội Khuyến học Việt Nam cần phải được cộng thêm 1T: Đó chính là tài chính. 

Khẳng định lại về vai trò của hội Khuyến học Việt Nam, ông Sang nhấn mạnh: Thực hiện Nghị quyết Ðại hội lần thứ X của Ðảng, toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức phấn đấu đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới để đưa nước ta sớm ra khỏi tình trạng kém phát triển trước năm 2010 và đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.  

Đất nước ta sau hơn 20 năm đổi mới đã giành được những thành tựu rất to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đang bước vào thời kỳ phát triển mới với những thời cơ, thuận lợi lớn và cả những thách thức gay gắt. Không có nước nào thực hiện Công nghiệp hoá, hiện đại hoá thành công mà không có một nền giáo dục tiên tiến và chúng ta không nằm ngoài quy luật phổ biến đó. Sự sát cánh của Hội Khuyến học bên  Bộ GD& ĐT sẽ gánh vác sứ mệnh vô cùng quan trong này.

7 kiến nghị của Hội Khuyến học Việt Nam với Ban Bí thư

  1. Đề nghị tiếp tục chỉ đạo nâng cao nhận thức cho các lãnh đạo Đảng, các bộ ngành và các địa phương để có những biện pháp cụ thể chỉ đạo thực hiện Nghị quyết của Đảng về xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập.
  2. Đề nghị Chính phủ sớm có Chỉ thị chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương thực hiện Chỉ thị 11 cần có chế độ chính sách hỗ trợ kinh phí cho cán bộ khuyến học thường trực tại các cấp Hội tỉnh/huyện/ xã ít nhất tương đương với việc phụ cấp cho cán bộ của các Hội Chữ thập đỏ, Người cao tuổi...
  3. Đối với Trung tâm học tập cộng đồng, nhà nước cần xác định rõ vị trí của nó như đã nêu trong Luật Giáo dục và Nhà nước phải hồ trợ kinh phí, nhanh chóng thống nhất quan điểm chỉ đạo, ban hành quy chế hoạt động.
  4. Nếu chưa được nhiều thì bước đầu dành 1% ngân sách giáo dục cho hoạt động giáo dục ngoài nhà trường cho các đề tài nghiên cứu của Hội.
     
  5. Cho phép Hội tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành tổ chức tổng kết bước đầu các mô hình hoạt động khuyến học, khuyến tài... Đồng thời tiếp tục phát huy mạnh mẽ mô hình gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, phấn đấu đến năm 2010 có 50% gia đình trong cả nước đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu gia đình hiếu học.
  6. Tạo điều kiện đất đai, nhà cửa, kinh phí để Hội có một trụ sở làm việc ổn định.
  7. Đề nghị Bộ Nội vụ cho sửa đổi lại Điều lệ, nhất là khái niệm “Hội viên tập thể” không phù hợp với tình hình thực tế của Hội.

Cấp số nhân sức mạnh

Cùng có mặt trong buổi làm việc sáng 17/10, bà Hà Thị Khiết, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã tỏ sự thán phục trước con số từ 800 nghìn hội viên lên đến hơn 5 triệu hội viên Hội Khuyến học trong vòng 11 năm.

“Làm công tác dân vận, tôi hiểu, nếu hoạt động của Hội Khuyến học không hợp lòng dân thì không thể có con số như vậy. Mục tiêu của Hội Khuyến học là rất rõ ràng, cụ thể và hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam thực sự là hoạt động của Hội những người thấy. Hoạt động của Hội Khuyến học các cấp đều có tri thức rõ ràng và rất bài bản!” bà Khiết nhận xét.

Cũng theo bà Khiết thì các kiến nghị của Hội Khuyến học Việt Nam lên Ban Bí thư đều xuất phát từ thực tiễn đề ra và đó đều là những điều kiện tối thiểu để Hội phát huy khả năng và sức mạnh của mình. Hội đã rất gương mẫu và cân nhắc kỹ trước khi đưa ra những kiến nghị như vậy. Mặc dù ngân sách dành cho giáo dục còn đang rất thiếu nhưng không thể loại đề nghị dành ngân sách này cho Hội ra ngoài vì nếu không đầu tư gì vì coi đó chỉ là hoạt động ngoài nhà trường thi rõ ràng là không ổn. Trong khi đó, hoạt động của Hội lại là đào tạo nhân tài cho đất nước trong một lực lượng yếu thế là học sinh vùng sâu, vùng xa, học sinh nghèo vượt khó học giỏi...

Với buổi làm việc của Thường trực Ban Bí thư với Hội Khuyến học Việt Nam như thế này thì rất có cơ sở để hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam sẽ ngày càng được nâng lên - bà Khiết đã rất lạc quan và nhận xét như vậy.

Đồng tình với quan điểm của bà Khiết, theo ông Nguyễn Văn Thạo, Phó Văn phòng Trung ương Đảng thì sự nghiệp của Hội Khuyến học là rất cao cả. Công việc và sự nghiệp của Hội còn rất nặng nề trong thời gian tới và Nhà nước phải có trách nhiệm với Hội Khuyến học Việt Nam. Ví dụ như tạo điều kiện về trụ sở, cơ sở vật chất... Các chuyên trang, chuyên mục trong các tờ báo lớn phải tuyên truyền cho công tác khuyến học. Chẳng hạn như Đài Truyền hình Việt Nam có chương trình Truyền hình Nhân đạo thì cũng cần có chương trình Khuyến học.

Tôi tán thành 7 đề nghị của Hội Khuyến học”

Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trương Tấn Sang là một người rất có “duyên” với công tác khuyến học. Theo lời kể của Chủ tịch Hội Khuyến học Đức Hoà (Lông An) thì ông Sang đã từng vận động một doanh nghiệp ở Đồng Nai xây tặng cho xã Mỹ Hạnh Bắc một ngôi trường trị giá trên 1,1 tỉ đồng, còn vợ ông Sang thì vận động các chị cùng nơi làm việc với bà đóng góp đỡ đầu dài hạn cho mười mấy cháu.  

Chốt lại buổi làm việc, ông Sang đã bày tỏ chính kiến của mình như sau: Tôi tán thành 7 đề nghị của Hội Khuyến học. Chúng tôi sẽ có trách nhiệm thúc đẩy Chính phủ và cơ quan chức năng để thể chế hoá chỉ thị của Bộ chính trị nhằm tạo điều kiện cho Hội hoạt động thuận lợi hơn.

 

Mai Minh