Cảnh báo 207 ngành đào tạo: “Liều thuốc” để hướng tới chất lượng

(Dân trí) - Bộ GD-ĐT vừa quyết định cảnh báo 207 ngành đào tạo ĐH của hơn 70 trường do không đảm bảo yêu cầu về đội ngũ giảng viên cơ hữu. Mục đích của việc “mạnh tay” này là hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH nhấn mạnh: Một trong những chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT đó là phải kiểm tra, rà soát lại tất cả những điều kiện đảm bảo chất lượng của các ngành nghề, chương trình đào tạo của các nhà trường. Việc này không phải năm nay Bộ GD-ĐT mới làm mà đã làm từ những năm trước. Kết quả giai đoạn năm 2011-2012, Bộ GD-ĐT đã công bố và dừng tuyển sinh của một số chuyên ngành đào tạo tiến sỹ. Cuối năm 2012, Bộ GD-ĐT cũng đã thu hồi quyết định của 58 chuyên ngành đào tạo tiến sỹ do đơn vị đào tạo không khắc phục được. Kết quả kiểm tra rà soát năm 2013, Bộ cũng đã dừng tuyển sinh 161 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ. Cách xử lý của Bộ GD-ĐT là sau khi rà soát sẽ cảnh bảo và tạm thời dừng tuyển sinh để khắc phục, nếu không khắc phục được thì rút quyết định mở ngành.Nếu sau này cơ sở đào tạo muốn mở ngành lại thì quy trình lại bắt đầu từ đầu.
Ông Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH.

Ông Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH.

Năm nay, Bộ GD-ĐT công bố quyết định cảnh báo 207 ngành đào tạo ĐH, tất nhiên tổng số còn nhiều hơn con số này bởi trong đó chúng ta đã cân nhắc tới các trường đặc thù. Năm nay Bộ GD-ĐT chưa rà soát đến các trường cao đẳng nhưng do trong trường ĐH có hệ CĐ nên Bộ GD-ĐT tiến hành rà soát luôn. Đối với các trường cao đẳng Bộ sẽ tiến hành rà soát trong năm 2014. Ở đây chúng ta phải xác định, trường ĐH đào tạo hệ CĐ thì cũng phải có đội ngũ đảm bảo riêng chứ không thể có chuyện có đội ngũ đào tạo bậc ĐH thì mặc nhiên đảm bảo cho hệ CĐ. Tuy nhiên, đối với hệ CĐ trong trường ĐH thì Bộ GD-ĐT mới chỉ cảnh báo thôi và chưa công bố dừng tuyển sinh đợt này.

Thưa ông, việc đánh giá rà soát này dựa trên cơ sở thanh tra hay báo cáo từ phía các trường lên? Liệu báo cáo đó thực sự chính xác hay chưa?

Việc đánh giá dựa vào báo cáo của các nhà trường. Song không phải đưa lên như thế nào thì Bộ GD-ĐT sẽ chấp nhận ngay như vậy mà các chuyên viên theo dõi cơ sở đào tạo đã phải làm việc với từng trường để rà soát và cân đối nguồn lực, nhiều trường đã bổ sung, báo cáo lại theo quy định. Chúng tôi cũng tiến hành kiểm tra một số cơ sở có số liệu báo cáo không bình thường, kết hợp kiểm tra ngẫu nhiên một số trường.

Một điều dư luận đang quan tâm, không chỉ các trường mới thành lập mà kể các các trường có truyền thống lâu đời nhưng ở một số ngành đào tạo lại không có đủ được đội ngũ giảng viên cơ hữu. Ông đánh giá như thế nào về hiện tượng này?

Mục tiêu của đợt kiểm tra này là Bộ GD-ĐT một lần nữa phát đi một cảnh báo cho các nhà trường về đội ngũ đáp ứng được ngành nghề đào tạo theo đúng chuẩn tối thiểu đảm bảo chuẩn lượng. Qua đó để các nhà trường phải có một kế hoạch tuyển dụng, đạo tạo, phát triển đội ngũ... đáp ứng yêu cầu. Đây là một trong những yêu cầu rất quan trọng quyết định đến chất lượng đào tạo.

Đối tượng rà soát lần này là tất cả các trường đại học, học viên trong đó có cả những ngành đã đào tạo nhiều năm nay và những ngành mới được phép đào tạo. Việc kiểm tra rà soát tập trung vào số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu của ngành đào tạo theo quy định.

Kết quả kiểm tra, rà soát cho thấy không phải cứ ngành nghề đào tạo lâu năm, truyền thống của nhà trường là đảm bảo đội ngũ. Bởi có thể có thầy cô về nghỉ hưu, chuyển công tác nhưng nhà trường chưa bổ sung các thầy cô mới. Mặt khác, theo yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, quy định đảm bảo điều kiện đội ngũ đã có sự thay đổi theo hướng nâng cao yêu cầu về số lượng và chất lượng đội ngũ, nhưng một số trường không đáp ứng kịp các yêu cầu này.

Theo thông báo của Bộ GD-ĐT, 207 ngành đào tạo đang có dấu hiệu sẽ bị đình chỉ tuyển sinh năm 2014 nếu không khắc phục được. Tuy nhiên thời gian từ đây đến lúc thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi cũng chỉ còn hơn 2 tháng, liệu có trường hợp trường không khắc phục được Bộ vẫn cho tuyển sinh không?

Mục tiêu chính của lần rà soát này đó là phát đi cảnh báo, qua đó yêu cầu các nhà trường phải tập trung quan tâm đến xây dựng và phát triển đội ngũ. Qua các đợt kiểm tra rà soát vừa qua, Vụ Giáo dục ĐH có được cơ sở dữ liệu của về đội ngũ giảng viên cơ hữu của các nhà trường (bao gồm đội ngũ giảng viên tham gia đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, đại học). Sắp tới Bộ GD-ĐT sẽ công khai dữ liệu này, đồng thời cũng yêu cầu các nhà trường phải công khai hóa, thường xuyên cập nhật thông tin về đội ngũ. Việc công khai các thông tin liên quan đến các điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường là hết sức cần thiết, không chỉ để cho các cơ quan quản lý nhà nước giám sát mà còn để xã hội tham gia giám sát.

Trước đây có tình trạng một giảng viên có thể đăng ký là giảng viên cơ hữu của nhiều trường, nhưng khi thông tin dữ liệu được công khai thì sẽ xóa bỏ được việc đăng ký không đúng này. Nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ khâu này thì đội ngũ có thể sẽ tăng vọt, không đúng với thực tế.

Quan điểm chung là xử lý nghiêm, cương quyết. Nếu trường không khắc phục được thì dừng tuyển sinh, tiếp tục không khắc phục được thì sẽ rút giấy phép cho phép đào tạo đối với những ngành không đủ điều kiện. Những ngành bị dừng tuyển sinh bởi các lý do khác nhau sẽ được thông báo công khai.

Với thí sinh đăng ký dự thi ĐH năm nay thì liệu các em có phải lo lắng với những ngành nghề đào tạo Bộ GD-ĐT cảnh báo hay không?

Như tôi đã phát biểu, đây là dấu hiệu cảnh báo, thể hiện một thái độ cương quyết của Bộ GD-ĐT. Nếu trong thời gian tới các trường khắc phục được thì Bộ GD-ĐT sẽ xem xét.

Cũng có một số thầy hiệu trưởng gọi điện nói rằng do nhà trường báo cáo sai hoặc sơ suất. Nếu đúng như vậy thì trường có thể kiểm tra rà soát và báo cáo lại cho chính xác. Cũng có thầy hiệu trưởng thừa nhận là đội ngũ còn thiếu nhưng đang trong quá trình đào tạo… Có rất nhiều lý do đưa ra nhưng quan điểm của Bộ GD-ĐT là kiên quyết xử lý theo các quy định hiện hành, nhất là các quy định về chuẩn tối thiểu về đội ngũ giảng viên.

Các em thi sinh không phải lo lắng, vì mỗi trường thường đào tạo nhiều ngành khác nhau và mỗi ngành thường có nhiều trường đào tạo. Các thông tin liên quan đến tuyển sinh sẽ được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong Thông tin những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014.

Ông suy nghĩ như thế nào khi có một trường năng khiếu mà hầu hết các ngành đào đều nằm trong danh sách cảnh báo và có nguy cơ bị đình chỉ tuyển sinh?

Những trường khối văn hóa nghệ thuật có đặc thù riêng. Chúng ta phải xem xét tới yếu tố đặc thù nhưng cũng phải cảnh báo về công tác đào tạo, phát triển đội ngũ giảng viên của những trường này trong thời gian qua.

Chắc chúng ta không đồng tình với một ngành không đáp ứng được các quy định tối thiểu về đội ngũ nhưng vẫn được đào tạo. Đã đến lúc chúng ta phải cảnh báo việc này, cảnh báo càng sớm thì càng tốt.

Có những ngành vừa mới đăng ký mở ngành, thậm chí chưa tuyển sinh được khóa nào nhưng lại có tên trong danh sách cảnh báo.Theo ông vì sao có hiện tượng này?

Tôi nghĩ hiện tượng này là có những không phải phổ biến. Nó có thể xảy ra khi một số trường khi làm hồ sơ mở ngành có ký hợp đồng với các thầy cô để đảm bảo đội ngũ theo đúng quy định. Nhưng, khi đã có quyết định mở ngành, thì nhà trường lại không tiếp tục ký hợp đồng nữa hoặc không giữ được thầy cô đó ở lại. Đây là vấn đề mà các trường phải suy nghĩ để tìm ra hướng giải quyết.

Chúng ta đánh giá vào thời điểm hiện tại, theo các quy định hiện hành chứ không đánh giá vào thời điểm làm hồ sơ mở ngành.

Nguyễn Hùng (thực hiện)