“Cánh tay robot cho người khuyết tật”: Sản phẩm mang tính nhân văn!

(Dân trí) - Tuyên dương em Phạm Huy trước toàn trường THPT thị xã Quảng Trị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, ông Nguyễn Văn Hùng đánh giá, sản phẩm của em Huy tuy không mới, nhưng mang tính nhân văn, bởi nó hướng đến phục vụ con người, đó là những người khuyết tật kém may mắn.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị nhấn mạnh, ngôi trường THPT thị xã Quảng Trị có bề dày truyền thống hơn 20 năm. Đặc biệt, ngôi trường nằm trong vùng đất chịu sự ảnh hưởng khốc liệt của chiến tranh.

Tuy nhiên, những năm qua, ngành giáo dục Quảng Trị đã có nhiều nỗ lực, định hướng trong đào tạo, thi đua dạy tốt học tốt, đổi mới phương pháp, phong cách dạy học và đã đạt được những kết quả tích cực. Bên cạnh đó, Ban giám hiệu nhà trường và tập thể sư phạm trường THPT thị xã Quảng Trị đã truyền lửa cho học sinh, hướng các em tích cực nghiên cứu khoa học và đã xây dựng thương hiệu cho nhà trường với những học sinh đạt được thành tích cao trong các cuộc thi quốc gia và quốc tế.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị - Nguyễn Văn Hùng tuyên dương em Phạm Huy sau khi em đạt giải Ba cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị - Nguyễn Văn Hùng tuyên dương em Phạm Huy sau khi em đạt giải Ba cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế

Những sản phẩm như của em Phạm Huy, trên thế giới họ đã làm trước, nhưng học sinh đã sáng tạo ra sản phẩm này để có thể giúp ích cho người khuyết tật. “Dự án về robot tuy không mới, nhưng cánh tay robot của em Huy mang nhiều ý nghĩa ở chỗ vùng đất này rất khó khăn, có nhiều người bị khuyết tật. Huy đã tìm đến giải pháp để giúp đỡ những người khó khăn đó… Khoa học bắt đầu từ con người, và bây giờ quay trở lại để phục vụ con người, đó là giá trị nhân văn”, ông Hùng nhấn mạnh.

“Cánh tay robot cho người khuyết tật”: Sản phẩm mang tính nhân văn!

Về phía em Phạm Huy, sau khi vượt qua hàng ngàn thí sinh đến từ nhiều quốc gia để giành được giải Ba trong 48 giải chính thức mà Ban tổ chức cuộc thi Khoa học Kỹ thuật Quốc tế (Intel Isef) 2017 trao, em vẫn khát khao hoàn thiện sản phẩm của mình để mang đến sự hữu ích, hiệu quả nhất cho người khuyết tật.

Em Huy chia sẻ: Quảng Trị là một tỉnh chịu nhiều hậu quả nặng nề sau chiến tranh, đặc biệt là số lượng người khuyết tật rất lớn. Họ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là người khuyết tật hai tay. Hiện nay, các sản phẩm sẵn có trên thị trường rất hạn chế chỉ hỗ trợ cho người bị mất một tay hoặc bàn tay và có giá thành rất cao nên người khuyết tật khó tiếp cận được. Vì vậy, em rất muốn tạo ra một cánh tay có cấu trúc đơn giản mà hiệu quả, lại có giá thành rẻ có thể phù hợp với tất cả các dạng khuyết tật tay của người khuyết tật.

Huy cho biết em sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm của mình để phục vụ hiệu quả cho người khuyết tật
Huy cho biết em sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm của mình để phục vụ hiệu quả cho người khuyết tật

Nói về dự định tương lai, Huy cho biết: Hiện tại em đã có được sự giúp đỡ của một số cá nhân và tổ chức. Chính vì vậy, em đang tìm kiếm một số người khuyết tật có sức khỏe để thực hiện thí nghiệm. Nếu thành công, em sẽ tổ chức tặng tay miễn phí cho người khuyết tật.

Có lẽ, sáng tạo của em Huy cũng bắt đầu từ tâm huyết, sự cảm thông đối với những người khuyết tật trên mảnh đất chịu nhiều đau thương của chiến tranh. Ngay từ lúc vào lớp 10, Phạm Huy đã bắt đầu sáng chế “cánh tay robot”. Hơn 1 năm sau, sản phẩm đầu tiên được ra đời và dần hoàn thiện. Sản phẩm “Cánh tay robot” do Huy tự mày mò nghiên cứu và thực hiện từ thiết kế cho đến viết phần mềm và thực hiện lắp ráp.

Cánh tay robot của Huy có trọng lượng khoảng 0,9kg, được điều khiển bằng các vi mạch dưới lòng bàn chân, có thể thao tác nhịp nhàng, úp ngửa, co duỗi ngón tay cẳng tay, cầm nắm những đồ vật nặng...

Cánh tay hoạt động theo nguyên lý hệ thống nhúng trường lực cơ và hoạt động như một cánh tay của người bình thường với 31 cử động, việc thiết kế, lắp đặt tương đối đơn giản, tính nhân văn cao và đặc biệt là giá thành rất rẻ với chỉ gần 3 triệu đồng sau khi hoàn thiện đề tài. Cánh tay sử dụng nhựa PLA và công nghệ in 3D tạo tính thẩm mỹ cao. Cánh tay robot của Huy được thử nghiệm, kiểm chứng nhiều lần.

Người đã sát cánh với Huy trong việc hoàn thiện “Cánh tay robot” là thầy giáo Lê Công Long, dạy môn Vật lý, Trường THPT Thị xã Quảng Trị. Thầy Long cho biết: "Qua quá trình làm việc với em Huy, tôi nhận thấy em là một học sinh ngoan, có năng lực, giỏi các kỹ năng về công nghệ thông tin và đồ họa máy tính, lập trình về các vi mạch điện tử. Tôi thấy rằng em có rất nhiều triển vọng trong tương lai. Mặc dù phỏng vấn 2 lần không đạt nhưng em Huy vẫn có niềm tin vào tương lai cũng như cố gắng không ngừng và kết quả ngày hôm nay đã chứng minh điều đó".

Thành tích của Huy đạt được hôm nay cũng là món quà đáp lại những cố gắng, nỗ lực của em
Thành tích của Huy đạt được hôm nay cũng là món quà đáp lại những cố gắng, nỗ lực của em

Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị đánh giá: “Với giải thưởng vừa giành được, em Phạm Huy đã mang vinh quang về cho trường, gia đình, quê hương Quảng Trị. Đây là niềm vinh dự và tự hào của ngành giáo dục tỉnh khi lần đầu có học sinh đạt thành tích cao trong lĩnh vực sáng tạo khoa học kỹ thuật. Tuy vậy, những kết quả Huy đạt được hôm nay chỉ là khởi đầu để em nỗ lực cố gắng, tạo dựng thành tích mới trong việc chinh phục tri thức và thực hiện đam mê khoa học của mình.

Trong thời gian tới, Sở Giáo dục sẽ tiếp tục khuyến khích nhiều học sinh, giáo viên đam mê khoa học tham gia vào phong trào nghiên cứu khoa học. Ngành cũng thành lập các đội tuyển tham gia các kỳ thi để các em có nhiều cơ hội, sân chơi hơn để trải nghiệm và đóng góp công trình nghiên cứu khoa học của mình xây dựng quê hương, đất nước.

Với thành công bước đầu của “Cánh tay robot” đã mở ra nhiều cơ hội cho em Phạm Huy, để em tiếp tục theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu khoa học và hoàn thiện sản phẩm để phục vụ hữu ích cho người khuyết tật, đặc biệt là mang đến hiệu quả trong cuộc sống.

Đăng Đức