Cạnh tranh khốc liệt để giành vé đỗ nguyện vọng 2

(Dân trí) – Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện cả nước có 272 lượt trường đại học có số thí sinh dôi dư, đạt từ điểm sàn trở lên nhưng không trúng tuyển NV1. Do vậy, nhiều thí sinh đạt điểm sàn chưa chắc đã đỗ đại học.

Hơn 270 trường ĐH “thừa” thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước có 272 trường ĐH có số thí sinh dôi dư, đạt từ điểm sàn trở lên nhưng không trúng tuyển NV1. Trong đó, khối A có 76 trường đại học (ĐH) có số dư trên sàn so với chỉ tiêu tuyển sinh như Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội có số dư khoảng 9.608 thí sinh; Trường ĐH Cần Thơ có số dư 8.770 thí sinh; Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM có số dư 7.453 thí sinh.

Đối với khối A1, cả nước có 53 trường ĐH có số dư thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên như trường ĐH Sài Gòn dư 2.588 thí sinh; Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCMh dư 2.463 thí sinh; Trường ĐH Tài chính Marketing dư 2.050 thí sinh.

Khối B có 55 trường ĐH có số dư trên sàn so với chỉ tiêu tuyển sinh. Trong đó, Trường ĐH Y dược TPHCMh dẫn đầu với số dư 8.956 thí sinh, tiếp đến là Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội có số dư 8.920 thí sinh và Trường ĐH Nông lâm TPHCM có số dư 7.963 thí sinh. Khối C có 27 trường có số dư trên sàn so với chỉ tiêu tuyển sinh. Trong đó, Trường ĐH Cần Thơ có số dư trên sàn cao nhất là 2.277 thí sinh; Trường ĐH Luật Hà Nội có số dư 1.396 thí sinh và Trường ĐH Luật TPHCM có số dư 1.303 thí sinh.

Đối với khối D1, cả nước có 61 trường có số dư trên sàn so với chỉ tiêu tuyển sinh như Trường ĐH Sàn Gòn có số dư 4.975 thí sinh; Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) có số dư 3.142 thí sinh và Trường ĐH Hà Nội có số dư là 2.627 thí sinh.

Điểm thi bằng sàn, khả năng đỗ thấp!

Cũng theo tính toán của Bộ GD-ĐT, với mức điểm sàn được ra năm nay, khối đại học dư tới 238.726 em trên sàn (năm 2012 dư 141.000), như vậy nguồn dư năm nay rất lớn. Do vậy, thí sinh bằng điểm sàn chưa chắc đã đỗ đại học.

Hiện các trường ĐH công lập đã công bố điểm chuẩn và chỉ tiêu xét tuyển NV2. Điểm thi năm nay cao nên hầu hết các trường ĐH tốp trên, tốp giữa đều tăng.

Xét tuyển NV2, những trường tốp trên như Học viện Tài chính, ĐH Sư phạm Hà Nội, Học viện Báo chí & Tuyên truyền, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Xây dựng... có mức điểm nhận hồ sơ đều từ 17 - 18 điểm trở lên.

Trong khi đó, các trường tốp giữa dành nhiều chỉ tiêu để xét tuyển NV2, đa số mức điểm nhận cao hơn điểm sàn từ 15 điểm trở lên như ĐH Nông nghiệp Hà Nội, Học viện Chính sách và Phát triển, ĐH Mỏ Địa chất, ĐH Thủy lợi...

Nhiều trường ĐH công lập thông báo mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển bằng điểm sàn ở nhiều ngành như ĐH Lâm nghiệp Việt Nam, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, ĐH Tiền Giang, ĐH Phan Thiết và nhiều trường ĐH vùng...

Một chuyên gia tuyển sinh Trường ĐH Mỏ - Địa chất chia sẻ: “Thí sinh cần lưu ý số lượng hồ sơ nộp vào không phải là yếu tố quyết định, mà điều quyết định chính là điểm số của mình. Nếu một ngành lấy 40 chỉ tiêu NV2 mà có 200 hồ sơ đăng ký xét tuyển không có nghĩa cơ hội cho người đến sau không còn. Các trường sẽ xét từ cao xuống thấp cho đủ chỉ tiêu thì dừng. Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp, thí sinh thấy đông người nộp hồ sơ vào một ngành nên vội vàng rút hồ sơ để “chạy” trường khác nộp. Cuối cùng lại trao cơ hội cho số người trụ lại hoặc nộp sau đó. Vì vậy, khi nộp hồ sơ xét tuyển NV2, thí sinh cần có sự tính toán hợp lý”.

Tuyển sinh năm nay, Bộ GD-ĐT tiếp tục yêu cầu các trường đại học công khai tình hình nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 trên trang web của trường để thí sinh tiện theo dõi và nhận biết khả năng đỗ - trượt của mình.

Hồng Hạnh