Cậu bé 10 tuổi mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí

(Dân trí) - 2 tuổi, bé Ngô Đức Huân đã nhận biết được chữ cái, 3 tuổi biết đọc, 4 tuổi làm quen với tiếng Anh và “bén duyên” với ngoại ngữ này kể từ đó. 10 tuổi, cậu bé mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí tại nhà để chia sẻ kinh nghiệm, củng cố kiến thức cho các bạn.


Khi chúng tôi đến, cậu bé Ngô Đức Huân (lớp 5E, Trường Tiểu học Trung Đô, TP Vinh, Nghệ An) đang nhón chân viết từ mới trên tấm bảng treo tường để các bạn tập phát âm. Dù “lớp” được trang bị hẳn 2 chiếc quạt nhưng “thầy giáo nhí” vẫn liên tục dùng tay quệt mồ hôi trên mặt. Thỉnh thoảng “thầy” quay mặt xuống, nghiêm giọng để vãn hồi trật tự cho lớp học với 4 học trò.

Ngô Đức Huân năm nay mới lên 10 tuổi...
Ngô Đức Huân năm nay mới lên 10 tuổi...

Năm học 2014 - 2015, Ngô Đức Huân giành giải Bạc IOE (tiếng Anh qua mạng) cấp quốc giagiải tin học trẻ không chuyên và giải Nhất cờ vua cấp thành phố. 

 

Không chỉ học giỏi môn tiếng Anh, Huân được cô giáo chủ nhiệm nhận xét là giỏi đồng đều các môn, có ý thức tự giác trong học tập.

Lớp học tiếng Anh miễn phí của Huân mới mở được gần 1 tháng, “học trò” là các bạn cùng khóa. Cứ đều đặn mỗi tuần “thầy trò” học 3 buổi, mỗi buổi 2 tiếng đồng hồ. “Hồi mới dạy thì phải cáu nhiều vì “học sinh” hay chen ngang lời “thầy” nhưng giờ thì vào quy củ rồi”, Huân cười.

Bố là giảng viên môn Toán Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh, mẹ là giảng viên môn Lịch sử Trường CĐ Sư phạm Nghệ An nên việc phát hiện cậu con trai cả có năng khiếu tiếng Anh cũng khá tình cờ. Chị Phan Thị Châu - mẹ Huân chia sẻ: “2 tuổi cháu đã biết đọc chữ thông qua các trò chơi. 3 tuổi, tôi mua bảng tiếng Anh điện tử cho cháu làm quen và ngạc nhiên là cháu tiếp thu rất nhanh. Chỉ trong một thời gian ngắn cháu tự đọc được bảng chữ cái tiếng Anh, đọc các số đếm hàng trăm, thậm chí hàng nghìn. 4 tuổi, vợ chồng tôi cho cháu đến Trung tâm ngoại ngữ để theo học một cách bài bản hơn”. 

Ngô Đức Huân cũng có sở thích đặc biệt về môn học này. Bố mẹ là người “ngoại đạo” nên ngoài giờ học ở trung tâm và trên lớp, Huân phải từ mày mò học thêm trên máy vi tính. Đầu hè vừa rồi, chị Châu gợi ý Huân kèm cặp các bạn để vừa ôn luyện, củng cố kiến thức, vừa giúp các bạn, cậu bé ngay lập tức đồng ý.

...nhưng khá chững chạc trong vai trò thầy giáo.
...nhưng khá chững chạc trong vai trò thầy giáo.

“Các bạn yếu nhất là ngữ pháp, tiếp thu chậm nên em phải áp dụng hình thức phạt chép đi chép lại nhiều lần. Để các bạn dễ tiếp thu hơn, em “chế” cấu trúc ngữ pháp thành các trò chơi như kiểu game truyền hình tuy nhiên hình thức này vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn”, Huân cho biết.

Dù chỉ là lớp “tự phát” nhưng “thầy” Huân rất nghiêm túc chuẩn bị giáo án, ra bài tập, chấm điểm và ghi lời phê đầy đủ để “trò” biết sai chỗ nào mà sửa. Thậm chí có lúc “thầy” còn “lừa” cả trò bằng cách trộn vào đề kiểm tra cả những phần ngữ pháp chưa học để rồi khoái trá phê vào lề vở “Kém, em đã bị thầy lừa 8 câu”. Hoặc động viên “trò” bằng lời phê: “Em cần cố gắng nhiều, sơ sài quá, về nhà học thuộc ngữ pháp” hay “Văn có hồn, hay. Tuy nhiên phải suy nghĩ sâu sắc thêm nữa”.

Thầy giáo 10 tuổi không ngại thử nghiệm các phương pháp mới để học trò dễ tiếp thu hơn.
"Thầy giáo" 10 tuổi không ngại thử nghiệm các phương pháp mới để "học trò" dễ tiếp thu hơn.

Nguyễn Thế Toàn - cậu bạn cùng lớp đồng thời là “học trò” của Huân nhận xét: “Thầy dạy nghiêm khắc quá, em bị chép phạt nhiều lần rồi. Lúc đầu thì chưa quen, bị phê bình, bị phạt thì khó chịu nhưng giờ thì thấy vui vì nhờ thầy nghiêm khắc nên mới nhanh tiến bộ nên ít bị phạt hơn”.

Theo dõi một buổi dạy của Huân, chúng tôi thấy em khá bài bản và chuyên nghiệp khi đứng lớp. Để các bạn học hành một cách nghiêm túc, Huân đề ra hình thức thưởng, phạt cụ thể. Nếu “trò” có lỗi, nhẹ thì “thầy” bắt chép phạt, nặng thì yêu cầu về nhà lấy ý kiến phụ huynh. Đối với những tiến bộ của “trò”, thầy Huân sẽ cho miễn bài tập về nhà hoặc cộng vào điểm bài tập. Tuy nhiên, sau những giờ học, “thầy” lại nhí nhố trò chuyện với “trò” khiến căn gác nhỏ rộn hết cả lên.

Thầy giáo 10 tuổi không ngại thử nghiệm các phương pháp mới để học trò dễ tiếp thu hơn.
"Thầy" cũng áp dụng Thông tư 30 để đánh giá bài làm của học sinh với những lời phê khích lệ, động viên.

Chia sẻ về kinh nghiệm học tiếng Anh, cậu học trò nhỏ khá nghiêm túc: “Các bạn yếu nhất vẫn là ngữ pháp nên cần phải tập trung hơn khi nghe giảng. Ngoài ra phải rèn luyện nhiều về vốn từ vựng và cách phát âm. Tiếng Anh không quá khó nếu các bạn tập trung học và yêu thích nó”.

Anh Ngô Tất Toán - bố của Huân tâm sự: “Cháu yêu thích và nghiêm túc trong việc dạy thêm cho các bạn nên chúng tôi cũng hết sức ủng hộ. Không chỉ dạy các bạn mà nhiều khi Huân còn là “thầy” của bố mẹ trong môn ngoại ngữ. Việc cháu mở lớp dạy tiếng Anh không chỉ giúp các bạn mà còn giúp mình ôn tập, củng cố kiến thức và kỹ năng. Chúng tôi xem đây là hoạt động vui chơi của cháu, học mà chơi, chơi mà học để tránh việc con mình sa đà vào các trò chơi điện tử vô bổ”.

Gạt những giọt mồ hôi đọng trên trán, cậu bé Huân vui vẻ chia sẻ về ước mơ của mình. Huân ước mơ trở thành một nhà khoa học và trong tương lai được đi du học nước Anh. “Hiện cháu đang cố gắng để giành được một suất học bổng học tiếng Anh ở Singapo khi lên lớp 8”, cậu bé Ngô Đức Huân tâm sự.

Hoàng Lam