Cậu bé bán cơm và chuyện tiền “boa”

(Dân trí) - Khách gửi tiền “boa” cảm ơn, cậu bé phục vụ quán cơm nhất quyết từ chối. Cậu hiểu rằng đồng tiền có thể làm lòng mình “dị nghị”, khó giữ được thái độ vui vẻ, nhiệt tình với tất cả mọi người.

1. Bưng bê tại một quán cơm trong con hẻm ở đường Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh, TPHCM), cậu bé tầm 10 - 12 tuổi không chỉ gây ấn tượng với khách hàng bởi dáng người bé choắt. Cậu nhanh miệng, nhanh tay, nhanh chân… luôn cười toét miệng và không quên lời mời khách dùng bữa ngon mỗi khi đặt phần cơm lên bàn. Chuyện hiếm ở hàng cơm bụi.

Cho dù có thói quen “boa” (tiền cảm ơn) cho người phục vụ thì cũng ít ai… gửi “boa” ở quán cơm bụi. Nhưng khi đón nhận thái độ phục vụ tươi vui của cậu bé, hẳn nhiều người vui lòng mong muốn được “boa” cho cậu chút đỉnh.

Ai hỏi chuyện, biết cậu nghỉ học từ sớm, làm ở quán cơm để đổi bữa ăn no với tiền lương không quá 500.000 đồng/tháng thì bên cạnh lời cảm ơn, cò lẽ còn mong muốn được sẻ chia.

Được khách gửi tiền cảm ơn là niềm vui đối với người phục vụ, đó cũng là một khoản thu nhập chính đáng với họ. Nhưng cậu bé nhất quyết từ chối, không nhận tiền “boa” từ ai.

Một lần ăn cơm tại đây vào lúc quá giờ vắng khách, tranh thủ trò chuyện với cậu bé phục vụ, tôi mới vỡ lẽ được lý do của cậu. “Ai đến ăn cơm cũng phải trả tiền hết, họ cần được phục vụ như nhau. Mình nhận tiền quen tay rồi sau này khách nào không “boa”, liệu có vui vẻ, nhiệt tình được không chị hay lại chê bai họ?”, cậu bé 10 tuổi đáp lại bằng một câu hỏi.

Cậu không ngại mình sẽ “thiên vị” ai nhưng tự hiểu rằng đồng tiền có thể làm mình lòng “dị nghị”, khó giữ được thái độ vui vẻ, nhiệt tình với tất cả mọi người. Với cậu bé 10 tuổi, bỏ học từ sớm đó là nguồn cơn của sự không công bằng.

2. Cô là một giáo viên mầm non ở TPHCM. Hàng tháng, hay dịp lễ tết, không ít lần cô nhận được phong bì do phụ huynh gửi gắm. Thật ra, việc phụ huynh cảm ơn người thầy bằng tiền bây giờ không còn hiếm. Việc giáo viên nhận lời cảm ơn cũng phần nào phổ biến và ít bị phán xét hơn.

Nhưng cô nhất quyết từ chối, không nhận một đồng tiền nào từ phụ huynh. Việc từ chối còn vất vả hơn việc gật đầu. Với nhiều món quà, cô phải tất tả hẹn gặp, đến tận nhà phụ huynh để gửi lại.

Chung suy nghĩ với cậu bé phục vụ ở hàng cơm, cô lo ngại khi mình nhận quà cáp từ phụ huynh thì mình thật khó mà có thể quan tâm, chăm sóc nhiệt tình với tất cả các trẻ. Và muốn hay không khi đó, sẽ có những trẻ ở diện “thiệt thòi”.

Cô muốn công bằng với tất cả các trẻ và hơn nữa là giữ cho lòng mình thanh thản. Thanh thản để sống, để làm việc, để nhiệt huyết.

Một cậu bé bán cơm, một cô giáo mầm non… Cuộc sống nghèo khó không là rào cản để họ giữ cho lòng mình nhẹ nhãng, giữ lòng tự trọng bản thân bằng điều tưởng như nhỏ nhặt mà không phải ai cũng làm được.

Hoài Nam
 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!